Hội nghị nhằm trang bị cho doanh nghiệp sự hiểu biết toàn diện về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và tác động của nó đối với nền kinh tế Việt Nam cũng như tìm hiểu về tầm quan trọng của việc thiết lập thị trường carbon để giảm thiểu tác động của CBAM, tìm hiểu và đáp ứng các yêu cầu theo quy định của EU trong khuôn khổ pháp lý hiện hành.
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) là một chính sách của Liên minh Châu Âu (EU) nhằm kiểm soát lượng khí thải carbon từ hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, các sản phẩm có lượng phát thải carbon cao hơn so với hàng hóa sản xuất tại EU sẽ bị áp dụng mức thuế điều chỉnh khi nhập khẩu vào thị trường này. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nông sản của Thành phố Hồ Chí Minh, vì các doanh nghiệp này có nguy cơ mất thị phần nếu không kịp thích ứng với các yêu cầu xanh từ EU.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 34,08 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các mặt hàng công nghiệp chế biến như điện thoại, máy tính, hàng dệt may và giày dép chiếm tỷ trọng lớn nhất. Ngoài ra, nhóm hàng nông sản cũng đang cho thấy dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, thị trường Châu Âu đang trở thành một thị trường đầy thách thức với những tiêu chuẩn ngày càng nghiêm ngặt về môi trường, việc áp dụng CBAM là một minh chứng rõ ràng.
Bà Hồ Thị Quyên - Phó Giám đốc ITPC chia sẻ: “Tác động của CBAM đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng là rất lớn. Các doanh nghiệp có nguy cơ bị cạnh tranh xuất khẩu và mất thị phần tại thị trường này do đối thủ cạnh tranh đã sẵn sàng cho việc đáp ứng các chính sách xanh. Vì vậy, đòi hỏi việc ban hành khung pháp lý để thực hiện cũng như nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam để đáp ứng việc giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon, tăng khả năng thích ứng và cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu là yêu cầu cấp bách hơn bao giờ hết”.
Việc chuyển đổi sản xuất xanh không chỉ có ý nghĩa quan trọng với bản thân mỗi doanh nghiệp mà còn tác động tới cả chuỗi cung ứng. Bởi vì, khi một đơn vị cung ứng giảm phát thải, các doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động cũng sẽ đến gần hơn với mục tiêu về giảm phát thải và Net Zero. Đây vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường.
Ông Jean-Jacques Bouflet - Phó Chủ tịch phụ trách Chính sách Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam cho biết: “EU đang tiến hành kế hoạch để đạt được mục tiêu tham vọng trở thành lục địa trung hòa khí carbon vào năm 2050. Tuy nhiên, EU lo ngại các doanh nghiệp EU có thể chuyển những hoạt động sản xuất phát thải nhiều carbon ra nước ngoài để tranh thủ các tiêu chuẩn còn lỏng lẻo qua việc chuyển lượng khí thải ra ngoài Châu Âu và làm suy yếu nghiêm trọng tham vọng trung hòa khí hậu của EU và toàn cầu”.
“Để ngăn chặn nguy cơ này, EU quyết định sẽ cân bằng giá carbon giữa sản phẩm nội địa và nhập khẩu bằng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). EU cũng tin rằng, một cơ chế xanh đối với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài EU thông qua hệ thống định giá hợp lý lượng carbon thải ra trong quá trình sản xuất sẽ khuyến khích ngành công nghiệp sạch hơn ở các nước ngoài EU”, ông Jean-Jacques Bouflet cho biết thêm.
Tại Hội nghị, các diễn giả đã đưa ra những chủ đề quan trọng xoay quanh CBAM và thị trường carbon, bao gồm: Thị trường carbon và tác động đến kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh và cơ hội tại các KCN; Cơ chế Blockchain về kinh doanh carbon; Doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị cho CBAM như thế nào; Nghiên cứu phát thải khí nhà kính và CBAM; Thị trường carbon: Các vấn đề cơ bản; Hướng dẫn chi tiết thực hiện CBAM; ETS Trung Quốc - Định hướng, triển khai và kế hoạch phát triển trong tương lai. Những chủ đề này không chỉ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về cơ chế mới mà còn mở ra các cơ hội và giải pháp cụ thể để thích ứng với các yêu cầu của thị trường quốc tế.
Thông qua Hội nghị này, ITPC hy vọng các doanh nghiệp sẽ hiểu rõ hơn về cơ chế CBAM và thị trường carbon, từ đó có thể điều chỉnh chiến lược sản xuất và kinh doanh để đáp ứng các tiêu chuẩn mới, nâng cao khả năng cạnh tranh và bảo vệ thị phần trên thị trường quốc tế. Đồng thời, ITPC cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm giải pháp chuyển đổi sang sản xuất xanh, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế./.