Xu hướng ưa chuộng tiêu dùng xanh "đơn đặt hàng" giúp doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh bền vững

Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên sản phẩm hữu cơ, bao bì thân thiện với môi trường và thiết bị tiết kiệm năng lượng. Đây thực sự là cơ hội cho các doanh nghiệp tiên phong. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững.
tieu-dung-xanh-san-xuat-ben-vung-2-1731980631.jpg
Người tiêu dùng trong nước hiện nay có nhận thức và thái độ khá tích cực đối với tiêu dùng xanh. (Ảnh minh họa)

Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên lựa chọn tiêu dùng xanh

Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng xanh tại Việt Nam đã tăng trưởng bình quân 15% một năm trong giai đoạn 2021-2023. Theo đó, người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến yếu tố bền vững.

Đã có khoảng 24% người tiêu dùng Việt đang chú trọng đến lối sống bền vững trong các kế hoạch ngắn hạn. 16% người tiêu dùng Việt coi tương lai bền vững là một yếu tố quyết định tiêu dùng của họ trong các ưu tiên dài hạn. Hơn 72% số người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh.

Điều đó cho thấy, người tiêu dùng ngày càng hiểu biết hơn và có ý thức ưu tiên lựa chọn tiêu dùng xanh, thấy được trách nhiệm của mình trong quá trình thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững; nhận thức tốt hơn và thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; các hành động giảm thiểu chất thải nhựa ngày càng phổ biến.

Tuy vậy, giá thành sản phẩm xanh vẫn còn cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân, trong khi đó các hành vi quảng cáo gian dối, lợi dụng thông tin sản phẩm xanh để bán giá cao ngày càng phổ biến, gây e ngại, tâm lý hoang mang đối với người tiêu dùng, thói quen và ý thức tuần hoàn tài nguyên chưa được hình thành nên quá trình hình thành phong trào người tiêu dùng thông thái còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình tiêu dùng bền vững.

tieu-dung-xanh-san-xuat-ben-vung-4-1731980688.jpg
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững. (Ảnh minh họa)

Theo ông Lê Triệu Dũng - Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, các đơn vị của Bộ Công Thương ghi nhận sự quan trọng, tính cấp bách của vấn đề sản xuất, tiêu dùng bền vũng. Vì vậy, trong khuôn khổ Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, Bộ Công Thương đã chú trọng tổ chức nhiều sự kiện để thúc đẩy hiệu quả của hoạt động, trong đó đặc biệt là sự kiện Diễn đàn và Triển lãm đã được tổ chức trong 2 năm liên tiếp gần đây.

Chương trình “Thúc đẩy sản xuất – Tiêu dùng bền vững 2024” diễn ra trong giai đoạn Chính phủ đẩy mạnh phát triển bền vững tất các ngành nghề, lĩnh vực nhằm đạt được mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường (theo Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 về “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).

Theo đó, cùng với việc tạo cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất xanh, sản xuất bền vững thì cần chú trọng nâng cao nhận thức và phát huy sự tham gia từ phía người tiêu dùng trong việc thực hành tiêu dùng bền vững và đồng hành cùng doanh nghiệp để cùng đạt được các kết quả bền vững.

Doanh nghiệp sẽ chịu tác động rất lớn đến những tiêu chuẩn về phát triển bền vững

Từ nghiên cứu của NielsenIQ Việt Nam, bà Lê Minh Trang - Phó Giám đốc bộ phận nghiên cứu bán lẻ của NielsenIQ Việt Nam cho biết: "Theo báo cáo của chúng tôi có đến 82% người tiêu dùng rất quan tâm vấn đề về sức khỏe và hạnh phúc. Do vậy nên họ cũng đang có xu hướng lựa chọn những sản phẩm rất thiết thực trong cuộc sống hàng ngày của họ, có thể kể đến đây là thực phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân và chăm sóc gia đình. Họ cũng ưu tiên lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc xanh và thân thiện với môi trường trong tất cả giỏ hàng hóa của mình".

Cụ thể, theo NielsenIQ Việt Nam, trong 5 năm tới các nhà sản xuất, doanh nghiệp sẽ chịu tác động rất lớn liên quan đến những tiêu chuẩn về phát triển bền vững, bao gồm cả những tiêu chuẩn của các quốc gia đặt ra cũng như từ sự lựa chọn của người tiêu dùng. Các ngành chịu tác động lớn nhất từ xu hướng tiêu dùng xanh tại Việt Nam có thể kể đến như thực phẩm và đồ uống, chăm sóc cá nhân, sản phẩm tiêu dùng nhanh, điện tử tiêu dùng.

Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên sản phẩm hữu cơ, bao bì thân thiện với môi trường và thiết bị tiết kiệm năng lượng. Đây thực sự là cơ hội cho các doanh nghiệp tiên phong. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi mô hình kinh doanh của mình theo hướng bền vững.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 đã ban hành khái niệm tiêu dùng bền vững cũng như xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của người tiêu dùng, doanh nghiệp, cơ quan quản lý trong việc tham gia thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững nói riêng và phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam nói chung. Thế nhưng trên thực tế không ít doanh nghiệp còn khá “thờ ơ” với trách nhiệm này.

Thời gian qua Việt Nam cũng đã tham gia sâu rộng và cam kết mạnh mẽ với quốc tế về các chương trình hành động bảo vệ môi trường, đặc biệt là giải bài toán vừa hướng tới một nền kinh tế carbon thấp, đồng thời có tốc độ phát triển vượt bậc để góp phần thúc đẩy Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Để thực hiện được các cam kết này cần có sự chung tay hành động của mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và lộ trình thực hiện từ Chính phủ cũng như cả hệ thống chính trị.

tieu-dung-xanh-san-xuat-ben-vung-5-1731980750.jpg
Cần chú trọng nâng cao nhận thức và phát huy sự tham gia từ phía người tiêu dùng trong việc thực hành tiêu dùng bền vững và đồng hành cùng doanh nghiệp để cùng đạt được các kết quả bền vững. (Ảnh minh họa)

Theo PGS. TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) nêu thực tế: "Cấu trúc của Việt Nam chúng ta là hầu hết các doanh nghiệp là vừa và nhỏ. Trong thời gian vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã điều chỉnh lại danh mục các doanh nghiệp phải báo cáo phát thải vào tháng 3/2025, nâng số doanh nghiệp từ 1.912 doanh nghiệp lên 2.166 doanh nghiệp. Trong số các doanh nghiệp này chỉ có khoảng 10% các doanh nghiệp là sẵn sàng để thực hiện báo cáo phát thải khí nhà kính, còn hầu hết các doanh nghiệp và rất nhiều doanh nghiệp thậm chí chưa biết là doanh nghiệp mình phải thực hiện công tác kiểm kê phát thải khí nhà kính trong thời gian tới".

Để bắt kịp xu hướng tiêu dùng, sản xuất bền vững, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp phải "chuyển mình" mạnh mẽ hơn.

Mặt khác, doanh nghiệp cần làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp để đảm bảo rằng toàn bộ chuỗi cung ứng của họ đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội. Sử dụng công nghệ số và IoT để theo dõi và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và giảm thiểu lãng phí.

Đặc biệt, đào tạo nhân viên về các phương pháp và quy trình bền vững để tăng cường ý thức về bảo vệ môi trường trong toàn bộ tổ chức. Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để tìm kiếm các phương pháp và công nghệ mới nhằm giảm thiểu tác động môi trường và cải thiện hiệu quả sản xuất./.

Bình Châu