Trồng chè hữu cơ - hướng đến nông nghiệp bền vững

Những năm gần đây, người dân Định Hóa ngày càng khẳng định được chất lượng và xây dựng thương hiệu chè của địa phương. Nhiều hộ trồng chè đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi sang sản xuất theo hướng hữu cơ. Đây được xem là hướng phát triển bền vững cho cây chè, qua đó góp phần bảo vệ sức khỏe của người trồng, người tiêu dùng; đồng thời nâng cao thu nhập, hướng tới phát triển nền nông nghiệp bền vững trên quê hương ATK.
che-thai-nguyen-1691800199.jpg
Thu hái chè sản xuất theo hướng hữu cơ tại HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Hội, xã Sơn Phú (Định Hóa)

Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Bình Minh, xã Phú Đình, đang là một trong những HTX có doanh thu từ cây chè ổn định của huyện Định Hóa, với trên 1 tỷ đồng/năm. Toàn bộ diện tích 5ha chè của HTX đều được chứng nhận VietGAP, giá bán trung bình khoảng 150-250 nghìn đồng/kg chè khô.

Dù đang phát triển ổn định và gây dựng được thương hiệu tốt, song HTX nông nghiệp Bình Minh vẫn quyết định thực hiện thí điểm mô hình trồng chè theo hướng hữu cơ từ năm 2021. Theo đó, trên diện tích khoảng 2.000m², HTX đã giảm hẳn các yếu tố hoá học trong chăm sóc cho cây chè. Thay vào đó là sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ; đạm cá…

Ông Nguyễn Văn Thủy, Giám đốc HTX nông nghiệp Bình Minh, khẳng định: Qua tìm hiểu thông tin, tôi được biết nông nghiệp theo hướng hữu cơ là xu thế mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng từ hàng chục năm nay, cây chè cũng không là ngoại lệ. Sau 2 năm thí điểm, tôi nhận ra ưu điểm của trồng chè hữu cơ là giảm chi phí chăm sóc; sinh vật và vi sinh vật phát triển mạnh mẽ nên cây trồng cũng được hưởng lợi rất lớn từ môi trường đất giàu dinh dưỡng; bảo vệ sức khoẻ người trồng chè, hạn chế tiếp xúc với hoá chất; đưa sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng và nâng cao giá trị sản phẩm chè.

Hay như HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Hội, xã Sơn Phú, cũng đang trong quá trình chuyển đổi sang trồng chè theo hướng hữu cơ. HTX đang sở hữu 25ha chè, trong đó có 6ha chè VietGAP, có 1 sản phẩm chè được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây là cơ sở thuận lợi để HTX xây dựng sản phẩm chè hữu cơ.

Hiện nay, HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Hội có trên 2ha chè được trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ. Các sản phẩm chè hữu cơ được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn, mặc dù giá cao gấp 2 lần so với chè VietGAP thông thường (khoảng 400-500 nghìn đồng/kg).

Ông Đặng Ngọc Hà, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Hội, cho biết: Đây là hướng đi mới nên ban đầu, một số thành viên của HTX còn "đứng ngoài" nghe ngóng tình hình xem có hiệu quả không. Tuy nhiên, sau 1 năm triển khai, thấy mô hình sản xuất chè hữu cơ cho chất lượng cao hơn; giảm chi phí vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; lại bảo vệ sức khỏe người trồng nên đã có thêm 3 hộ tham gia. Mục tiêu của chúng tôi là toàn bộ diện tích chè của HTX sẽ được trồng theo hướng hữu cơ trong khoảng 3-5 năm tới. Đồng thời liên kết với các hộ tại địa phương có nhu cầu, vừa để nâng cao thu nhập cho nhân dân trong xã, vừa xây dựng thương hiệu riêng cho cây chè Sơn Phú.

Toàn huyện Định Hoá có gần 2.700ha chè, đứng thứ 4 toàn tỉnh, trong đó diện tích chè VietGAP là trên 360ha. Trong bối cảnh sản xuất ngày càng phát triển, chuyển đổi trồng chè theo hướng hữu cơ đang là hướng đi bền vững, phù hợp với định hướng của tỉnh. Tuy vậy, trên thực tế, việc chuyển đổi này vẫn gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do thiếu sự đồng bộ, khó thay đổi nếp sản xuất cũ của người dân, huyện chưa xây dựng được thương hiệu chè hữu cơ...

Trước thực tế đó, tỉnh Thái Nguyên nói chung và huyện Định Hoá nói riêng đã bắt đầu có những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp bền vững. Đơn cử như vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các ngành chức năng tiến hành khảo sát, dự kiến trích nguồn vốn từ "Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" hỗ trợ vật tư để sản xuất theo hướng hữu cơ đối với 10ha chè của HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Hội.

Huyện Định Hóa cũng đang tận dụng nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ các HTX thiết kế bao bì, tem mác và xây dựng thương hiệu chè hữu cơ; tổ chức lớp tập huấn về áp dụng khoa học kỹ thuật, lựa chọn vật tư phù hợp… Từ đó tạo tiền đề xây dựng vùng sản xuất chè hữu cơ ngay tại địa phương, hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững.