Chăm lúa bằng gừng tỏi ngâm với đường đen, bia, rượu
Năm 2016, tổ chức Koica của Hàn Quốc tài trợ tỉnh Quảng Trị thực hiện dự án phát triển chuỗi giá trị địa phương tại huyện Triệu Phong, trong đó có hợp phần canh tác tự nhiên. Thời điểm đó, 10 hộ dân tại xã Triệu Trạch (huyện Triệu Phong) được hỗ trợ triển khai dự án với diện tích 1ha lúa.
Với quy trình này, nông dân sẽ sản xuất lúa đảm bảo “3 không”: Không thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng phân bón hóa học và không sử dụng các chất kích thích tăng trưởng bằng phương pháp hóa học. Thay vào đó, nông dân dùng các chế phẩm sinh học từ gừng, tỏi ngâm với đường đen, bia, rượu lên men để phun phòng trừ sâu bệnh.
Các chất dinh dưỡng cung cấp cho cây lúa bao gồm phân compost (phân hữu cơ), đạm cá, canxi xương động vật, canxi vỏ trứng. Thân cây chuối, rau được ngâm với đường tỷ lệ 1:1 lên men, lấy nước phun cho cây lúa để tăng khả quang hợp, giúp lúa trỗ đều, trỗ tập trung. Giai đoạn thực hiện dự án, tất cả quá trình ủ phân, lên men các chất dinh dưỡng, chế phẩm phòng trừ sâu sinh học đều do người dân tự chủ động ngâm ủ với chế phẩm IMO3.
Ông Nguyễn Hữu Đạt, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong cho hay, cốt lõi của quá trình canh tác lúa tự nhiên là nông dân tự bẫy vi sinh vật bản địa tạo ra chế phẩm IMO, IMO3. Quá trình phân hủy phân compost sẽ được thúc đẩy nhanh hơn nhờ được cung cấp vi sinh vật bản địa đồng thời với việc tiêu diệt vi sinh vật gây hại và nhân thêm nhiều vi sinh vật có lợi giúp cây lúa phát triển tốt.
“Theo quy trình này, 1 - 2 năm đầu tiên, lượng phân compost sử dụng cho mỗi ha lúa là 6 tấn/vụ. Đó có thể coi là thời gian giải độc cho đất. Lượng phân này sẽ giảm dần ở những năm sau khi đất đã được cải tạo, đảm bảo độ tơi xốp và đủ chất dinh dưỡng. Đạm cá thay thế phân bón hóa học, canxi xương động vật cung cấp lân, vỏ trứng thay thế kali... Tất cả những chất dinh dưỡng này người dân phải tự điều chế để cung cấp cho cây lúa”, ông Đạt cho hay
Cũng theo ông Đạt, tưởng chừng sau khi dự án hết hỗ trợ, người dân sẽ quay lưng với cách canh tác lúa tự nhiên này. Bởi quy trình sản xuất này dù giảm được chi phí đầu vào nhưng nông dân mất khá nhiều công sức trong khi năng suất lúa 1 - 2 vụ đầu chỉ đạt 3,6 tấn/ha.
Thế nhưng điều bất ngờ và đáng mừng là những năm tiếp theo, năng suất lúa cứ tăng dần và đến nay đã ngang ngửa với cách canh tác lúa thông thường. Lượng phân compost cần bón cho ruộng lúa cũng giảm xuống chỉ còn khoảng 2 tấn/ha. Nhờ có đầu ra ổn định, lúa thương phẩm của các hộ xã viên được Hợp tác xã thu mua toàn bộ với giá cao hơn thị trường 30 - 40%, hiệu quả kinh tế tăng 40 - 50%. Quá trình sản xuất lúa không ảnh hưởng đến sức khỏe nên nông dân vẫn trung thành và với lối canh tác này.
Chỉ tính riêng trong năm 2023, Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong đã thu mua của bà con xã viên trong Hợp tác xã và người dân trên 300 tấn lúa khô canh tác tự nhiên với 2 giống lúa chủ lực là HN6 và ST25. Lúa thương phẩm được Hợp tác xã xay xát, đóng gói, kiểm nghiệm trước khi xuất bán cho đối tác. "Gạo sạch Triệu Phong" được chứng nhận là sản phẩm 4 sao.
Rượu, bia ngâm với tỏi, gừng để phun trừ sâu cho lúa, ngay cả người uống chế phẩm này để giải cảm cũng rất tốt nên việc canh tác cũng như sử dụng sản phẩm rất an toàn, lúa lại bán được với giá cao. Vì vậy, những hộ tham gia mô hình đã quyết tâm theo đuổi canh tác lúa tự nhiên. Năm 2017, trước yêu cầu của việc thu mua và tiêu thụ lúa để bà con yên tâm canh tác lúa tự nhiên, Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong đã được thành lập với diện tích canh tác 17ha, gồm 36 hộ xã viên của 4 xã tham gia (Triệu Tài, Triệu Sơn, Triệu Trung, Triệu Trạch).
"Đến nay, tổng diện tích canh tác lúa tự nhiên của Hợp tác xã đã tăng lên 61ha với 152 hộ dân tham gia, được chia thành 7 nhóm hộ. Khó khăn của chúng tôi hiện nay là không có hệ thống sấy khô và kho bảo quản đạt chuẩn nên phải thu mua lúa khô”, ông Nguyễn Hữu Đạt, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong chia sẻ.
Canh tác trả lại cho đồng ruộng nông dân hưởng lợi kép
Ông Đặng Ngọc Dĩnh, thôn Đồng Văn, xã Triệu Sơn (huyện Triệu Phong) bảo rằng ngày xưa, khi phân bón hóa học chưa thông dụng, việc sử dụng phân chuồng hoai mục, phân xanh để bón cho cây trồng nói chung, bón cho lúa nói riêng gần như là việc đã quá quen thuộc với nông dân.
Tuy nhiên, một giai đoạn dài, sự tiện dụng của phân bón hóa học, thuốc BVTV đã khiến nông dân quay lưng với phương pháp sản xuất truyền thống. Trong khi phân chuồng trong chăn nuôi gây ô nhiễm khắp nơi không được sử dụng thì ruộng đồng lại ngày càng bạc màu do gần như không có phân hữu cơ.
Vì vậy, đã đến lúc nông dân cần trả lại cho đất những gì vốn có đã bị lấy đi, cải tạo đất để sản xuất, bảo vệ "sức khỏe đất" đang là vấn đề hết sức cấp thiết. Hình thức canh tác lúa tự nhiên còn thể hiện trách nhiệm của nông dân đối với vấn đề môi trường sinh thái, sức khỏe của toàn xã hội.
Canh tác lúa tự nhiên, thoạt đầu có vẻ rắc rối với rất nhiều công đoạn, năng suất thấp nên một số nông dân phân vân. Tuy nhiên, càng tham gia sâu vào chuỗi này, nông dân thực sự cảm nhận được rất nhiều lợi ích. Chi phí đầu tư ngày càng giảm, độ màu mỡ của đất ngày càng tăng theo từng vụ giúp năng suất lúa ngày càng được cải thiện không còn thua kém so với canh tác vô cơ, chế phẩm phòng trừ sâu được hợp tác xã cấp cho người dân, lại được thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn thị trường nên về cơ bản canh tác lúa tự nhiên người dân lợi đơn, lợi kép.
Theo ông Dĩnh, người sản xuất, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến vấn đề sức khỏe, an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, canh tác lúa tự nhiên, lúa hữu cơ là xu thế tất yếu. Thời gian đầu có thể gặp khó khăn vì phải cải tạo ruộng đồng, dồn điền đổi thửa, thị trường chưa rộng nhưng về lâu về dài, đây là hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Hữu Đạt, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong cho biết thêm, ban đầu, người dân chỉ làm vì nghĩ được hỗ trợ từ dự án, nếu có thất bại cũng sẽ được hỗ trợ. Tâm lý ấy khiến những người tổ chức sản xuất như ông Đạt hết sức lo lắng. Tuy nhiên, thành quả lại hết sức bất ngờ và Hợp tác xã đang nỗ lực tìm kiếm thêm thị trường để mở rộng diện tích.
“Ban đầu, chúng tôi lo việc giữ được diện tích lúa canh tác tự nhiên sẽ rất khó khăn. Nhưng đến nay, HTX đã có 61ha canh tác tự nhiên, trong đó có 11ha đã được chứng nhận hữu cơ. Hiện chúng tôi đang tìm kiếm thêm thị trường để mở rộng diện tích chứ không phát triển một cách ồ ạt. Điều quan trọng, việc mở rộng diện tích phải hết sức thận trọng, đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị chứ không phát triển theo phong trào”, ông Đạt cho biết thêm.
Canh tác lúa tự nhiên tại Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong ngày càng được chuyên nghiệp hóa. Ngoài việc cơ giới hóa toàn bộ quá trình sản xuất, Hợp tác xã đã chia thành 7 nhóm hộ. Tổ trưởng các nhóm hộ có trách nhiệm bào chế các dạng chế phẩm thảo mộc để phòng trừ sâu bệnh hại cũng như các chất dinh dưỡng. Căn cứ vào diện tích, tình hình sâu bệnh, thời điểm cung cấp dinh dưỡng, các tổ trưởng sẽ cung cấp để người dân sử dụng cho cây lúa.
Tính ra mỗi năm, Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong cung cấp cho người dân khoảng 4 nghìn lít chế phẩm thảo mộc để phòng trừ sâu bệnh và các chất dinh dưỡng tự bào chế có trị giá tương đương khoảng 150 triệu đồng. Nguồn kinh phí này được trích ra từ lợi nhuận của Hợp tác xã trong quá trình sản xuất kinh doanh./.
Theo ông Đạt, hiện Công ty VitaMarket tại Đà Nẵng là đơn vị tiêu thụ lúa canh tác tự nhiên lớn nhất của Hợp tác xã Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong với sản lượng 100 - 120 tấn lúa/năm. Sau khi thu mua, VitaMarket bảo quản, chế biến các thực phẩm cho mẹ và bé. Các sản phẩm này hiện tiêu thụ tại 37 tỉnh thành trong cả nước.