Tuy nhiên, trong cuộc sống, ứng xử để có văn hóa lại là điều không phải dễ dàng, nhất là đối với hoạt động kinh doanh lại khó khăn, phức tạp hơn cả, đòi hỏi một kho tàng kiến thức chuyên môn và cả kinh nghiệm sống. Vậy văn hóa ứng xử trong kinh doanh hiện nay như thế nào? Cần làm gì để nâng cao văn hóa ứng xử khi kinh doanh, hãy đọc ngay bài viết dưới đây!
Văn hóa ứng xử tồn tại, phát triển gắn liền với lịch sử dân tộc ta qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Văn hóa ứng xử được coi là chìa khóa vàng, là sức mạnh mềm đem đến thành công cho mỗi người, mỗi dân tộc, là hành vi, là cách ứng xử để đạt đến chuẩn mực: chân - thiện - mỹ của một cộng đồng.
Ngày nay, trong kinh doanh, đôi khi người ta chạy theo lợi nhuận kinh tế mà quên đi những giá trị thực. Có người bán hàng bất chấp, không quan tâm chất lượng ra sao, mặt hàng gì,… họ nói những lời mời chào “có cánh” miễn sao thuyết phục khách mua hàng càng nhiều càng tốt là được; Lại có những người bán theo kiểu bền vững, họ cho đi những giá trị, tư vấn cặn kẽ, giải thích tận tình, tạo niềm tin với khách hàng;
Cũng có người bán theo kiểu bán xong là xong, không có trách nhiệm, hứa hươu hứa vượn khi có việc phát sinh thì phớt lờ như không; Hoặc cũng có trường hợp bán hàng theo kiểu cố gắng nhẫn nhịn lấy lòng khách, được tiền rồi bắt đầu tìm cách thay đổi chất lượng sản phẩm, lùi thời gian giao hàng, gian dối,… tuy nhiên, dù là bằng cách nào để tạo ra lợi nhuận thì bạn cũng nhớ rằng sự phát triển là bền vững, niềm tin là tuyệt đối, mất đi rồi rất khó lấy lại.
Người ta vẫn thường hay nói “khách hàng là thượng đế”. Muốn bán được hàng, kiếm được nhiều lợi nhuận phải coi khách hàng là tất cả, nhân viên cần thân thiện, nở nụ cười, cúi chào khi khách đến, tạm biệt khi khách đi, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi đúng lúc, đúng chỗ… đó là văn hóa ứng xử trong kinh doanh tuy nhỏ mà có võ bất cứ ai cũng cần phải “nằm lòng” . Tuy nhiên, văn hóa ấy ngày nay lại bị hiểu sai lệch đi, vẫn chưa thật sự được coi trọng, lối suy nghĩ “xin - cho” vẫn tồn tại ở đó.
Bước vào nền kinh tế thị trường, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, cá nhân tổ chức ngày càng gay gắt. Để lôi kéo khách hàng về phía mình các chủ cửa hàng không chỉ quan tâm đến chất lượng hàng hóa, giá cả mà còn đặc biệt chú trọng đến khâu tuyển chọn, đào tạo đội ngũ nhân viên và tiêu chí có văn hóa ứng xử chuẩn mực là điều quan trọng hơn cả. Đây được coi là yếu tố quyết định trực tiếp đến sự thành công trong kinh doanh.
Đến các siêu thị điện máy như thế giới di động, điện máy xanh, HC, hoặc một số cơ sở ăn uống, kinh doanh thời trang,… từ nhân viên bán hàng, bác bảo vệ trông xe cho đến quản lý cấp trên chúng ta đều thấy sự nhiệt tình, cởi mở, cúi chào niềm nở đón khách. Ở các cơ sở kinh doanh này hầu hết họ đều tổ chức đào tạo về cách ứng xử, giao tiếp với khách hàng.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều những cửa hàng sang trọng, sản phẩm chất lượng tốt, giá rẻ nhưng lại không hấp dẫn bằng các cửa hàng nhỏ lẻ. Có người nói rằng “không có duyên” trong kinh doanh” hay không được “trời phú”,… đó một phần do văn hóa ứng xử mà ra. Khách đến mà nhân viên không nói, không mời chào tư vấn hoặc cau mày khi họ không mua hàng chắc chắn sẽ ít khách.
Hiện nay, các điểm kinh doanh rất chú trọng đến uy tín, hình ảnh thương hiệu của mình. Họ xây dựng hình ảnh từ những văn hóa ứng xử nhỏ nhất. Như chăm sóc sau bán hàng, bán đúng giá, tư vấn tỉ mỉ,… Hình ảnh, uy tín có được nâng lên hay không có lẽ phụ thuộc rất lớn vào thái độ ứng xử của nhân viên với khách hàng. Trong thời kỳ hội nhập, một công ty, doanh nghiệp, tư nhân không đề cao văn hóa ứng xử sẽ dễ gây mất lòng mọi người và đánh mất thị trường ngay lập tức.
Văn hóa ứng xử trong kinh doanh giữa người bán và người mua thì người bán phải luôn tỏ ra sự hiếu khách, kính trọng thật sự, thấu hiểu nhân tâm, có lòng khả ái để đi đến kết quả cuối cùng thuyết phục được khách hàng mua hàng. Để làm được điều này không chỉ đòi hỏi trình độ văn hóa mà còn thể hiện sự hiểu biết về chính dịch vụ mà bạn đang cung cấp tới khách hàng. Người bán cần gây thiện cảm với người mua, khơi gợi sự thích thú, tò mò, hài lòng khi họ đặt chân tới cửa hàng hoặc khi được tư vấn mua hàng.
Chính cái thiện cảm ấy có thể là cái đem lại giá trị kinh tế cho doanh nghiệp của bạn. Văn hóa ứng xử trong kinh doanh thể hiện ở hành động, tác phong ăn mặc, cử chỉ của người bán với người mua, đồng thời thể hiện trong cả sự cảm nhận của khách hàng. Nụ cười thân thiện, thái độ tôn trọng, cảm thấy hài lòng với lời quảng cáo sản phẩm của khách hàng tạo nên bước đệm thành công đầu tiên trong văn hóa ứng xử.
Để nâng có văn hóa ứng xử trong kinh doanh bản thân mỗi người đều cần khắc phục những yếu điểm của mình, không ngừng trau dồi kinh nghiệm sống từng ngày. Đặc biệt, những người đứng đầu cơ sở kinh doanh cần thân thiện, chân thành gần gũi với nhân viên. Chúng ta hãy nhận thức giá trị của bản thân, nhận thức được vị trí của mình trong tập thể để:- Không ngừng rèn luyện kỹ năng giao tiếp ứng xử của bản thân. Chuẩn chỉnh từ tác phong ăn mặc, nói năng, đi đứng,… Biết kiềm chế cảm xúc, lắng nghe khách hàng, thấu hiểu thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Khách hàng luôn muốn được mua hàng tốt, hợp túi tiền, muốn được tôn trọng, được tư vấn tận tình về hàng hóa, được đối xử công bằng, thiện chí.
Nắm được nhu cầu, của khách hàng để phục vụ tốt họ và kéo họ về phía mình; “Lời chào cao hơn mâm cỗ” chào một cách lịch thiệp, trang nhã; Nở một nụ cười thân thiện khi gặp mặt, một cái bắt tay thiện chí chân thành sẽ xóa nhòa khoảng cách đôi bên; Khách hàng là những người “nuôi sống cá nhân và doanh nghiệp”, cần khôn khéo sử dụng kỹ năng giao tiếp để hút khách; Tuyển chọn nhân viên theo nguyên tắc: đúng người - đúng việc - đúng chỗ để tránh gây sự chán ghét công việc, không kìm chế được cảm xúc.
Xây dựng đội ngũ nhân viên năng động, cởi mở, chia sẻ, hợp tác, đoàn kết; Trong môi trường kinh doanh, thưởng phạt có nghệ thuật, có vn hóa với các nhân viên để họ cảm thấy được tôn trọng và vui vẻ chấp nhận. Với đối tác cần tôn trọng nhau, đàm phán thương lượng để đôi bên cùng có lợi tránh mâu thuẫn không đáng có
Có thể nói văn hóa ứng xử trong kinh doanh quyết định sự thành bại của cá nhân doanh nghiệp ấy. Xã hội sẽ văn minh biết bao nếu con người biết cách đối nhân xử thế với nhau. Vì vậy, dù là người mua hay người bán hãy “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” để vừa làm hài lòng đôi bên lại đem lại lợi nhuận cùng những giá trị tốt đẹp./.