Tản mạn ngày tết

Chúng ta đang đi qua những ngày cuối cùng của năm Quý Mão để bước sang năm Giáp Thìn - năm con Rồng với nhiều niềm vui và hy vọng. Trong tâm thức người Việt thì Rồng đứng đầu tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng. Với 12 con giáp dù Rồng là con vật duy nhất không có thực, nhưng từ xa xưa và cả ngày nay, nói đến Rồng là thể hiện cho quyền uy, sức mạnh và sự trường tồn.
ngay-tet-01-1707396893.jpg
Tiến hành nghi lễ dựng cây nêu báo Tết ở Thành nhà Hồ. Ảnh: Nguyễn Long

Những ngày cuối năm,  dòng người và xe luôn đông đúc, hối hả, tấp nập trên mọi ngả đường.  Ai ai cũng dường như bận rộn, tất bật hơn, vội vã hơn. Người người đổ ra đường. Người thì vê quê, người đi chúc tụng, đi mua sắm thực phẩm, cây quất, chậu mai, cành đào... hoặc có thể chỉ là đi ngắm chợ hoa, cây cảnh, dạo phố nhưng có cảm giác khi Tết "gõ cửa" là phải ra đường. Vậy nên trên nhiều con phố, tắc đường không còn là "đặc sản" của giờ cao điểm. Mà những ngày cận Tết thì mọi ngõ ngách, thời điểm đều tắc. Tắc và cùng nhích.

Từng có ý kiến cho rằng nên chăng bỏ Tết nguyên đán và gộp lại với Tết dương lịch vì thế giới đang toàn cầu hóa, đất nước ta đã hội nhập sâu rộng, thêm một cái Tết sẽ gây lãng phí cả về thời gian, sức khỏe và tiền bạc. Thật khó có thể đánh giá ý kiến đó là đúng hay sai, là hợp lý hay không hợp lý, nhưng người viết tin rằng dù có vất vả, tốn kém nhưng tâm lý chung của đại đa số người Việt thì việc bỏ Tết “âm” là vô cùng khó vì mệt nhưng vui và nếu điều đó (gộp Tết) xảy ra thì chắc cũng phải ở tương lai rất xa.

Tết là dịp để gia đình quây quần, sum họp, đoàn tụ, là thời điểm không thể lý tưởng hơn để gặp mặt người thân và có cớ không thể thuyết phục hơn để gặp gỡ anh em, bạn hữu. Là dịp để mỗi người thành kính, tưởng nhớ những người đã khuất, trân trọng, tri ân đấng sinh thành, dưỡng dục, cảm ơn những người đã quan tâm, yêu thương, giúp đỡ mình trong cả năm đã qua và có thể nhiều năm trước đó. Người xưa có câu "già thì bát canh, trẻ manh áo mới". Thời còn khó khăn thì Tết là dịp hiếm hoi trẻ hy vọng được ông bà, bố mẹ mua cho bộ quần áo mới để diện chơi Xuân. Nhưng ngày nay, khi kinh tế đã khá giả, thì dịp gần Tết các cơ sở làm đẹp, các cửa hàng  thời trang luôn đầy ắp khách từ người già đến con trẻ. Như vậy, ngày Tết, không chỉ là trẻ em mà người lớn cũng muốn mình đẹp hơn, bảnh bao, chỉn chu, tươm tất hơn.

ngay-tet-02-1707396934.jpg
Tết là dịp để nông dân bày bán nông sản nhằm tăng thu nhập. (Ảnh minh họa)

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, tin tức và hình ảnh hàng ngàn người chen lấn nhau ở sân bay chờ đợi, nhiều chuyến máy bay chậm chuyến vài giờ đồng hồ, hay không ít  xe khách nêm lượng người gấp hai đến ba lần số ghế, nhưng dường như không làm giảm đi sự kiên  nhẫn của nhiều người nhễ nhại mồ hôi để mong sớm đạt được mục tiêu về đến quê ăn Tết. Như vậy, có thể thấy giá trị, sức hút của quê, của Tết có sức mạnh đến nhường nào. Lại có ý kiến cho rằng thời đại công nghệ, thờ cũng ở đâu thì các cụ cũng vẫn chứng dám, miễn là có lòng thành. Thay vì chen chúc về quê ăn Tết, sao không "mang quê" đi nơi khác ăn Tết theo chiều ngược lại để giảm gánh nặng cho giao thông, túi tiền và sức khỏe. Đó cũng là một ý kiến, nhưng trong tương lai gần có lẽ chỉ phù hợp với số ít. Nhắc lại như vậy để thấy rằng sức hút được về quê ăn Tết vẫn là giá trị phổ quát, bao trùm, đã, đang đi cùng năm tháng và dự báo trường tồn bền vững theo thời gian.

Quê tôi là một vùng thuần nông của đồng bằng Bắc bộ. Cho dù ngày nay kinh tế phát triển, bộ mặt nông thôn đã thay da, đổi thịt rất nhiều, nhưng vẫn giữ được nhiều truyền thống của ngày Tết. Dù thực phẩm không còn khan hiếm như xưa, nếu không muốn nói là thừa, nhưng gần Tết từng nhóm gia đình vẫn có thói quen  đụng chung con lợn, nhiều hay ít gia đình chung nhau tùy theo nhu cầu, điều kiện kinh tế và lợn to hay nhỏ. Ngày mổ lợn, mỗi nhà một người tập trung tay dao, tay thớt không khí vui vẻ, náo nhiệt,  rộn rã, báo hiệu nhà nhà có cỗ, Tết đang đến rất gần. Các gia đình đều duy trì việc gói bánh Chưng. Mỗi người mỗi việc, người rửa lá dong, người chẻ lạt, người gói, người xếp bánh vào nồi. Còn chút gạo sau cùng bao giờ cũng làm chiếc bánh nhỏ, thịt, đỗ xanh còn lại dù bao nhiêu cũng trút hết vào chiếc bánh đó, gọi là bánh nếm. Còn gì vui hơn khi trẻ già quây quần bên nồi bánh Chưng cùng chờ để thưởng thức chiếc bánh nếm, sản phẩm của gạo, thịt, lá dong nhưng  trên hết là sự két tinh của tình yêu thương, sự sẻ chia. Rất gia đình và ấm cúng.

ngay-tet-03-1707396982.jpg
Chợ ngày giáp tết Giáp Thìn 2024, nhộn nhịp bán mua. (Ảnh minh họa)

Sau phút giao thừa, thường thì các gia đình ra chùa xin "đỏ" và hái lộc, Mùng 1 Tết và vài ngày sau đó, đường làng, ngõ xóm luôn rộn rã, náo nhiệt,  không khí vui tươi, chúc tụng, gặp nhau tay bắt, mặt mừng, thật sự ấm cúng, tràn đầy tình yêu thương, gắn kết.  Mọi người đều hân hoan như quên đi, trút được mọi ưu phiền của năm cũ để hướng tới và hy vọng những điều tốt đẹp.

Việc duy trì Tết nguyên đán  truyền thống hay gộp vào Tết "tây",  chắc chắn sẽ còn được nhắc tới, với nhiều lập luận, lý lẽ khác nhau, theo cách nhìn của mỗi người.  Tuy nhiên, theo thiển ý của người viết thì Tết nguyên đán là một cách giáo dục truyền thống tốt, để con cháu nhớ về tổ tiên, ông bà, cha mẹ; người đi xa nhớ về quê hương, nguồn cội; người được cưu mang, giúp đỡ có cơ hội để cảm ơn, nhớ tới ân nhân của mình. Đó chẳng phải là những nét văn hóa tốt đẹp, nên và cần phải làm sao? Vì vậy, thiết nghĩ  việc duy trì Tết nguyên đán nếu vừa đủ, không phô trương, lãng phí thì cũng chính là gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, phát huy "sức mạnh nội sinh", sức mạnh "mềm" của văn hóa mà chúng ta đang hết sức coi trọng vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc./.

Nguyễn Đức Luyện