Các doanh nghiệp lớn cần phát huy vai trò tiên phong trong đổi mới sáng tạo khẳng định vai trò dẫn dắt

Cả nước có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động. Tuy nhiên cộng đồng doanh nghiệp nói chung còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; các doanh nghiệp lớn còn nhiều rào cản, hạn chế; chưa phát huy hết tiềm lực, chưa thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt như kỳ vọng.
thu-tuong-lam-viec-voi-doanh-nghiep-tu-nhan-2-1726906107.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.(Ảnh VGP)

Khu vực kinh tế tư nhân tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động

Trong gần 40 năm thực hiện chính sách đổi mới, với các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, hiện nước ta có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.

Trong đó, đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, như: Tập đoàn Vingroup, Thaco, Hòa Phát…

thu-tuong-lam-viec-voi-doanh-nghiep-tu-nhan-3-1726906159.jpg
Thủ tướng trao đổi với đại diện các tập đoàn tư nhân bên lề Hội nghị. (Ảnh VGP)

Tuy nhiên, báo cáo tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, cộng đồng doanh nghiệp nói chung còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; các doanh nghiệp lớn còn nhiều rào cản, hạn chế; chưa phát huy hết tiềm lực, chưa thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt như kỳ vọng.

Phân tích cụ thể, Bộ trưởng cho rằng, hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp quy mô lớn nói riêng còn chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột địa chính trị, đứt gẫy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào.

Bên cạnh đó, thể chế, pháp luật còn một số vướng mắc, bất cập. Việc phân cấp, phân quyền, cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính chưa triệt để. Ngoài ra, mặc dù đã xuất hiện đội ngũ doanh nghiệp vừa và lớn, nhưng chưa thực sự trở thành lực lượng dẫn dắt nền kinh tế như kỳ vọng.

Quá trình phát triển của đội ngũ doanh nhân nước ta còn non trẻ so với các nước trong khu vực và trên thế giới, chưa tích lũy được nhiều về vốn, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm, truyền thống kinh doanh.

Quy mô doanh nghiệp trong nền kinh tế phần lớn là nhỏ và vừa, chưa có công nghệ gốc, chưa đủ tiềm lực để số hóa và xanh hóa hoạt động kinh doanh. Tỉ trọng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sản xuất chế biến còn hạn chế.

Hoạt động của các doanh nghiệp lớn còn tương đối độc lập, tính liên kết, lan tỏa, dẫn dắt chưa thể hiện rõ khi tỉ lệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn trong nước và FDI còn thấp. Các doanh nghiệp lớn chưa thực hiện hết vai trò tiên phong, dẫn dắt quá trình phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như nền kinh tế.

thu-tuong-lam-viec-voi-doanh-nghiep-tu-nhan-6-1726906188.jpg
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, cộng đồng doanh nghiệp nói chung còn gặp nhiều khó khăn thách thức, các doanh nghiệp còn nhiều rào cản, hạn chế. (Ảnh VGP)

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của các doanh nghiệp tư nhân lớn tham dự hội nghị hôm nay đạt khoảng 70 tỷ USD. Việc huy động được khối tài sản này, cùng với công nghệ, kiến thức, trình độ quản trị, nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp bổ sung một nguồn lực lớn cho nền kinh tế, góp phần đảm bảo tính tự chủ của kinh tế đất nước.

"Vì vậy, hội nghị hôm nay giống như Hội nghị Diên Hồng đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân để Chính phủ và các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, bàn về những vấn đề lớn của đất nước, trong đó có vai trò của các doanh nghiệp lớn", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng gửi gắm cộng đồng doanh nghiệp lớn cần chủ động đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những lĩnh vực khác.

Doanh nghiệp đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm tạo động lực phát triển

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các doanh nghiệp lớn cần phát huy vai trò tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chuyển giao công nghệ, chủ động liên doanh, liên kết, định hướng, dẫn dắt, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia làm nhà thầu phụ cùng phát triển theo chuỗi giá trị.

"Chính phủ mong muốn doanh nghiệp phát huy tinh thần tiên phong, chủ động cùng Chính phủ thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của đất nước", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ.

Nêu ý kiến tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước sáng 21/9, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Sun Group nhấn mạnh vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời đề xuất các giải pháp phát triển "ngành công nghiệp không khói".

Theo ông Đặng Minh Trường, cần thể chế hóa việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo cơ chế giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực thực hiện các dự án trọng điểm mang tính trọng lực phát triển kinh tế-xã hội. Đi kèm với cơ chế lựa chọn này, cũng cần có các cơ chế đặc thù đi kèm.

"Đối với một dự án nếu đưa ra đấu thầu, đấu giá thì mất rất nhiều thời gian, 2-3 năm, thậm chí hơn. Tuy nhiên, với một số dự án lớn tạo động lực thì chỉ có một số doanh nghiệp đủ sức thực hiện, cuối cùng thì cũng sẽ chọn chúng tôi mà lại mất rất nhiều thời gian, chi phí, cơ hội và tiền bạc", ông Trường nêu ví dụ.

thu-tuong-lam-viec-voi-doanh-nghiep-tu-nhan-4-1726906259.jpg
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Sun Group, nêu kiến nghị tại Hội nghị. (Ảnh VGP)

Đồng thời, Chủ tịch Tập đoàn Sun Group cũng kiến nghị xem xét áp dụng mô hình thương mại tự do tại các địa bàn tiềm năng du lịch biển đảo như Phú Quốc… nhằm phát triển thu hút đầu tư

"Các hình thức này phổ biến trên thế giới như đảo Hải Nam (Trung Quốc), đảo Zeju (Hàn Quốc). Mặc dù Phú Quốc là địa danh rất nổi tiếng nhưng công tác truyền thông quảng bá chưa được tương xứng.

Với cơ chế đặc thù theo mô hình kinh tế tự do thì chắc chắn Phú Quốc sẽ trở thành điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng mới của thế giới", ông Trường nói.

Liên quan đến cơ chế dành cho thị trường khách du lịch nước ngoài, ông Trường đề xuất các bộ, ngành tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương, miễn thị thực ngắn hạn thí điểm cho khách du lịch từ một số thị trường quy mô lớn, chi tiêu cao; cấp thị thực dài hạn, nhập cảnh nhiều lần cho phân khúc từ Ấn Độ, Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu…

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco kiến nghị tăng cường phân cấp, phân quyền trong đầu tư các dự án. Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Ree Group đề xuất Chính phủ nên giao quyền cho tỉnh để cấp chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp bởi tỉnh hiểu rõ về năng lực, uy tín của từng nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Ngoài ra, bà Mai Thanh cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành có những chính sách miễn giảm thuế phù hợp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư…

thu-tuong-lam-viec-voi-doanh-nghiep-tu-nhan-5-1726906218.jpg
Đại diện các tập đoàn tư nhân tham dự Hội nghị. (Ảnh VGP)

Tại Hội nghị, đại diện Tập đoàn Masan kiến nghị gia tăng giá trị xuất khẩu cho Việt Nam. Theo ông, thời gian gần đây, giá trị xuất khẩu ở Việt Nam tăng trưởng và phát triển tốt, nhưng đã đến lúc phải tăng trưởng về chất, không tập trung quá về số lượng.

Trên bình diện quốc tế, thực phẩm của Việt Nam được đánh giá là ưa chuộng thứ 5 trong Top 10 các món ăn nổi tiếng trên thế giới.

Để lan tỏa văn hóa ẩm thực, tăng lợi thế cạnh tranh, mang văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, Tập đoàn Masan đề nghị Chính phủ ban hành lộ trình, chiến lược vươn ra toàn cầu của ẩm thực Việt Nam, xây dựng hình ảnh hưởng thương hiệu ẩm thực của quốc gia, tạo nên những ẩm thực đại sứ của Việt Nam. Đây cũng là hình thức ngoại giao văn hoá đưa văn hoá ẩm thực Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.

Ngoài ra, Masan cũng kiến nghị Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương có đề án xây dựng cổng thông tin cẩm nang và các tài liệu hướng dẫn về các tiêu chuẩn kỹ thuật khi xúc tiến thương mại tại các nước trên thế giới để doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu ra nước ngoài có thể dễ dàng tham khảo và tiếp cận./.

Bình Châu