Khẳng định “thương hiệu” vùng cà phê đặc sản của Việt Nam
“Vị chua thanh nhẹ nhàng, hậu vị ngọt dài, cộng với sự đan xen lẫn nhau của các dải hương khác nhau mang đến một ly cà phê dày và tròn đầy”. Đó là nhận xét của anh Nguyễn Quốc Hưng đến từ Thủ đô Hà Nội sau khi được tự tay “pour” và thưởng thức ly cà phê đặc sản của Công ty TNHH Pun Coffee.
Anh Hưng cho biết, vốn có đôi chút am hiểu về cà phê nên trong chuyến hành trình xuyên Việt bằng xe máy của mình, sau khi tới địa phận tỉnh Quảng Bình anh đã quyết định thay đổi lộ trình từ Quốc lộ 1A sang đường Hồ Chí Minh với mục tiêu được thưởng thức tách cà phê Arabica Khe Sanh. Và tại đây, anh đã không khỏi bất ngờ về những hương vị riêng có của sản phẩm cà phê đặc sản của Pun Coffee. “Ít ai nghĩ rằng vùng cà phê Arabica Khe Sanh nhỏ bé giữa miền lòng miền Trung lại sở hữu cho mình những nốt hương phong phú đến lạ kì”, anh Hưng chia sẻ.
Anh Phan Hồng Phong, Giám đốc Công ty TNHH Pun Coffee bộc bạch, trước đây khi nói đến cà phê chè Arabica, người ta thường nghĩ ngay đến vùng cà phê Cầu Đất hoặc Sơn La, ít ai đề cập đến vùng cà phê Khe Sanh. Bởi do bên cạnh diện tích nhỏ, độ cao thấp (trung bình 650 m) thì nguyên nhân chính là do lâu nay vùng cà phê này chỉ làm cà phê thương mại, thu hái xanh chín lẫn lộn, chất lượng thấp. Do vậy, ngay từ khi thành lập năm 2019, Pun Coffee đã tập trung hướng dẫn người trồng cà phê thay đổi quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, thuận tự nhiên, không sử dụng phân bón, thuốc hóa học và cam kết thu mua với giá cao gấp 1,5 – 2 lần so với giá thị trường tại cùng thời điểm. Cà phê sau thu hoạch được bảo quản, rang xay theo quy trình chất lượng cao.
Anh Phong cho biết thêm, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, trong 2 năm liên tiếp 2021, 2022 các sản phẩm cà phê Arabica chế biến mang thương hiệu Natural, Honey của Công ty đều nằm trong Top 3 và Top 10 tại cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam. Trong đó, năm 2021 sản phẩm cà phê Arabica chế biến Natural đã đạt giải nhất với 84,5 điểm - đây là số điểm khá ấn tượng so với thang điểm đề ra của SCA.
Hiện tại, ngoài cung cấp cho các resort, các chuỗi cửa hàng Shin, Mountain perl, Purio, Hương Việt…, sản phẩm của Pun Coffee còn được xuất khẩu sang thị trường Nga, Nhật Bản, Hà Lan thông qua hình thức gia công khép kín cho thương hiệu thứ 2. “Đặc biệt, cuối năm 2021, sau nhiều vòng đám phán, hợp đồng cung cấp 2 tấn cà phê nhân Arabica Khe Sanh rang xay trên nền tảng cà phê đặc sản Việt Nam đã được Pun Coffee ký kết thành công với Công ty TL Group LLC có trụ sở tại Hoa Kỳ. Đây chính là tiền đề để Pun Coffee tiếp tục vươn ra thế giới”, anh Phong nói.
Tương tự, sau nhiều năm canh tác theo lối truyền thống, Hợp tác xã (HTX) Nông sản Khe Sanh đã thay đổi quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, chất lượng cao. Trong đó, HTX tập trung thu hái cà phê đủ độ chín và sơ chế, chế biến sau thu hoạch. Đặc biệt, để sản xuất sản phẩm cà phê đặc sản, trong tổng diện tích cà phê hơn 300 ha, sản lượng hàng năm từ 3.000 – 4.000 tấn quả tươi, HTX đã xây dựng, tuyển chọn được khoảng 30 ha sản xuất theo quy trình hữu cơ với sản lượng khoảng 30 tấn cà phê nhân/vụ.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc HTX Nông sản Khe Sanh vui mừng cho biết, không những đạt chứng nhận OCOP 4 Sao cấp tỉnh mà tại cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2022, 2 mẫu cà phê Arabica chế biến Natural và chế biến Honey của HTX đã đạt điểm số lần lượt là 82,73 và 82,61, đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản. Theo bà Hằng, nhu cầu cà phê đặc sản của thị trường hiện nay rất lớn, giá trị kinh tế mang lại cũng vượt trội. Đơn cử như, 3 tấn cà phê đặc sản của HTX sau khi đạt chứng nhận cà phê đặc sản tại cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2022 đã được các doanh nghiệp thu mua toàn bộ với giá cao gấp 3 – 4 lần so với cà phê thông thường. “Trên cơ sở này, trong niên vụ tới HTX dự kiến sẽ tiếp tục sản xuất 3 lô cà phê đặc sản với sản lượng khoảng 9 tấn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường”, bà Hằng cho biết thêm.
Theo số liệu mới nhất, 1 kg cà phê đặc sản có thể có giá từ 800.000 – 1.500.000 đồng, cao gấp 3 – 4 lần so với cà phê thông thường. Khác với cà phê thương mại, những hạt cà phê để sản xuất cà phê đặc sản đều được chọn lọc một cách nghiêm ngặt. Tất cả các công đoạn thu hái, chế biến đều phải được chăm chút tuyển chọn bằng tay, nhằm đảm bảo chỉ có những quả cà phê chín đỏ, mang đến loại hạt tốt nhất được chọn lựa.
Bên cạnh đó, những yếu tố như khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng, nguồn gốc cũng hết sức được chú ý, bởi từng vùng canh tác khác nhau sẽ cho ra những hương vị cà phê khác nhau. Tại Quảng Trị, nếu như năm 2021 chỉ có 3 mẫu cà phê của Pun Coffee và Nhóm cà phê đặc sản Quảng Trị do Pun Coffee lập ra tham dự cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam thì năm 2022 đã có 9 mẫu cà phê của 5 nhà chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh tham gia. Trong đó đã có 7 mẫu đạt chứng nhận cà phê đặc sản, 5 mẫu lọt vào Top 10. Thành tích này đã chứng minh cà phê Khe Sanh là vùng cà phê đặc sản tiêu biểu của Việt Nam.
Tiếp tục nâng cấp chất lượng
Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có khoảng 4.050 ha cà phê, trong đó có 3.885 ha cho sản phẩm, tập trung tại huyện Hướng Hóa. Năng suất khoảng 10,2 tạ/ha, sản lượng đạt 3.964 tấn, trong đó có gần 20 ha canh tác theo hướng hữu cơ sinh thái. Đây cũng là một trong ba cây công nghiệp dài ngày của tỉnh, là nguồn thu nhập chính của hơn 8.000 hộ gia đình, trong đó có 50% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, do chất lượng cà phê còn thấp nên giá trị mang lại chưa cao. Do vậy, những thành công của Công ty TNHH Pun Coffee hay Hợp tác xã Nông sản Khe Sanh là những kết quả rất thuyết phục, mở ra hướng đi triển vọng giúp ngành cà phê Quảng Trị khai thác phân khúc thị trường mới. Vấn đề còn lại là sự ủng hộ và đồng hành của người trồng cà phê. Bởi vì đa số người dân vẫn giữ lối canh tác truyền thống, thu hái theo tự nhiên nên chưa đảm bảo tỷ lệ chín của quả cà phê.
Giám đốc Công ty TNHH Pun Coffee Phan Hồng Phong cho biết, với hiệu quả kinh tế vượt trội nên từ vùng nguyên liệu có diện tích 25 ha niên vụ 2019 thì đến nay ngoài nông trại sẵn có, Pun Coffee đã xây dựng được mô hình liên kết với hàng trăm hộ trồng cà phê tại địa phương, trong đó có khoảng 60% là người đồng bào Vân Kiều với diện tích khoảng 134 ha theo phương thức cà phê sạch từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái… Sản lượng niên vụ 2022 dự kiến từ 350 – 400 tấn quả tươi, tương đương khoảng 60 tấn cà phê nhân xanh.
Đặc biệt, từ thành công của Pun Coffee năm 2021 đã truyền cảm hứng cho các nhà chế biến cà phê khác trên địa bàn trong việc trồng, chăm sóc, chế biến cà phê theo hướng đặc sản, cũng như gửi mẫu tham dự cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam. Theo anh Phong, để phát triển cà phê đặc sản, giữ vững diện tích cà phê trên địa bàn, giúp nông dân trồng cà phê tăng thu nhập, nâng cao đời sống, đồng thời từng bước khẳng định thương hiệu cà phê Arabica Khe Sanh, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần khẩn trương đánh giá thực trạng và chọn lựa vùng nguyên liệu cà phê hiện có tại địa phương để có biện pháp phục hồi, tái tạo phù hợp. Có chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu cà phê đặc sản được quy hoạch dưới hình thức cà phê vườn rừng hoặc cây ăn quả và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc vùng nguyên liệu. Đầu tư máy móc và các hạng mục hỗ trợ, đào tạo chế biến chuyên sâu cà phê phục vụ cho việc chế biến cà phê đặc sản. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu cà phê đặc sản trong và ngoài tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết, chiến lược của huyện là nâng chất lượng sản phẩm cà phê Arabica Khe Sanh lên tầm quốc gia, hướng tới thị trường xuất khẩu. Theo đó, huyện đã khoanh vùng sản xuất cà phê đặc sản theo quy mô tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Để thực hiện hiệu quả, bền vững chiến lược sản xuất cà phê đặc sản, huyện đã quy hoạch các vùng sản xuất cà phê trọng điểm. Trong đó, các vùng canh tác truyền thống, có năng suất, chất lượng cà phê tốt như Hướng Phùng, Hướng Tân... sẽ được huyện tận dụng để phát triển thành những vùng sản xuất cà phê chất lượng cao.
Tiếp tục đẩy mạnh cải tạo diện tích cà phê theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Đưa các giống cà phê mới có chất lượng tốt để nông dân tái canh diện tích cà phê già cỗi, kém chất lượng. Cùng với đó, huyện sẽ đẩy mạnh chương trình OCOP, trong đó tập trung vào ngành hàng cà phê; tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, mở các lớp đào tạo chuyên môn cho các cán bộ quản lý, doanh nghiệp, người trực tiếp sản xuất cà phê. Hỗ trợ các chủ thể sản xuất cà phê đặc sản xây dựng hạ tầng cơ sở, đánh giá chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Việc sản xuất cà phê đặc sản sẽ được huyện tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị, ổn định và bền vững. “Trước mắt, huyện Hướng Hóa đang có kế hoạch tổ chức ngày hội cà phê để giới thiệu, quảng bá cà phê Khe Sanh nói chung và các sản phẩm cà phê đặc sản nói riêng”, ông Thuận cho biết thêm.
Để tiếp sức cho lộ trình nâng cao và khẳng định chất lượng cà phê Việt Nam trên thế giới, năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt "Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030". Đề án được triển khai tại 8 tỉnh gồm: Điện Biên, Sơn La, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Quảng Trị. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025, diện tích cà phê đặc sản đạt 11.500 ha, chiếm khoảng 2% tổng diện tích cà phê cả nước; giai đoạn 2026 – 2030, diện tích đạt gần 19.000 ha, chiếm khoảng 3% tổng diện tích cà phê cả nước.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, để triển khai Đề án, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 30/KH-UBND về triển khai thực hiện đề án cà phê đặc sản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến 2030. Mục tiêu của kế hoạch đến năm 2025 phát triển cà phê chè đặc sản tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa với tổng diện tích ổn định khoảng 60 ha, sản lượng dự kiến 20 tấn cà phê nhân; trong đó, có 20 ha cà phê đặc sản được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ. Đến năm 2030, tiếp tục ổn định 60 ha cà phê đặc sản đã có tại xã Hướng Phùng; mở rộng thêm 50 ha cà phê đặc sản trên địa bàn xã Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Hợp và các xã khác đáp ứng tiêu chí, điều kiện. Sản lượng dự kiến 50 tấn cà phê nhân. Duy trì ổn định 20 ha diện tích cà phê được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ và tiếp tục nhân rộng đạt 50 ha cà phê đạt tiêu chuẩn hữu cơ, trong đó có ít nhất 30 ha chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế.
“Cùng với việc phát triển sản xuất, tỉnh sẽ bổ sung và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất; đào tạo nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường… Qua đó, đáp ứng nhu cầu “Cà phê đặc sản” ngày càng tăng ở các thị trường nội địa và xuất khẩu. Nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh sản phẩm cà phê Arabica Khe Sanh, góp phần phát triển bền vững ngành cà phê của tỉnh”, ông Hà Sỹ Đồng thông tin thêm.
* Bài dự thi Cuộc thi viết Vì Việt Nam Xanh...