Các Hiệp định thương mại tạo động lực cho xuất khẩu nông sản Việt Nam

Quý I năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid nhưng bằng sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự nỗ lực vượt bậc của ngành nông nghiệp và bà con nông dân cả nước, đặc biệt là do hiệu quả bước đầu của các Hiệp định thương mại tự do mang lại.

Quý I năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 22,6 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 12,8 tỷ USD, tăng 15,3%. Nhập khẩu đạt khoảng 9,8 tỷ USD, giảm 3,5%. Bốn tháng đầu năm 2022, có 5 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị đạt trên 1 tỷ USD (gồm cà phê, gạo, rau quả, tôm và sản phẩm gỗ). Một số mặt hàng đạt giá trị cao hơn mọi năm như: cà phê, cao su, hồ tiêu, sắt, cá tra, sản phẩm gỗ. Trong đó, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ đạt 4,9 tỷ USD (27% thị phần), Trung Quốc đạt 3,2 tỷ USD (18,1% thị phần), Nhật Bản đạt 1,3 tỷ USD (7,1% thị phần) và Hàn Quốc đạt 822 triệu USD (4,6% thị phần). Đáng chú ý, trong các mặt hàng nông sản đó, nhóm sản phẩm từ gỗ chiếm 43,9% giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Tiềm năng to lớn của các thị trường mới mở

Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam cho biết: Đến tháng 12/2020, Việt Nam đã tham gia ký kết 13 Hiệp định thương mại tự do (FTA), tạo động lực mạnh mẽ cho xuất khẩu hàng hóa nông sản trong thời gian tới. Theo các chuyên gia nhận định, tham gia vào FTA sẽ giúp ngành nông nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu với các mặt hàng chiến lược và có lợi thế nhờ các cam kết cắt giảm thuế quan, đồng thời đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa nhờ cắt giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam, tuân thủ các quy định tiêu chuẩn an toàn và hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Đồng thời, FTA cũng tạo điều kiện đa dạng hóa nguồn thị trường đầu tư tiềm năng cho cộng đồng doanh nghiệp Việt ở nước ngoài. Mặt khác, do áp lực cạnh tranh, buộc các doanh nghiệp phải tiếp cận nhiều hơn với công nghệ tiên tiến và nâng cao trình độ quản lý, quản trị của chính mình.

Theo Tiến sĩ Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Xã hội Quốc gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì không phải tất cả các Hiệp định thương mại đều mang lại lợi thế xuất khẩu nông sản cho Việt Nam. Mà, trong số đó chỉ có một số hiệp định mang lại hiệu quả khả thi rõ rệt. Ví dụ, Hiệp định EVFTA (Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU) tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam tiếp cận với thị trường 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, với số dân trên 500 triệu người.

Bên cạnh EVFTA thì Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm 11 nước: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Đây là một thị trường gồm 11 nước với hơn 400 triệu dân, GDP chiếm 13,5 GDP toàn cầu. Theo điều khoản được ký kết, nông lâm sản khi xuất khẩu vào các nước này với thuế suất phổ biến từ 5-10%, hiện nay được hạ xuống 0%. Trước mắt là xuất khẩu sang Canada và Nhật Bản. Một số sản phẩm như cá tra, cá ba sa hoặc gạo được hưởng thuế suất bằng 0% khi xuất sang các nước Mexico và Canada.

Và ngay khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam sẽ được giảm thuế từ 0 – 4%, ví dụ hạt tiêu hiện nay là 0 – 11%, gạo tấm và các sản phẩm từ hạt cũng được giảm về 0%. Cần nhấn mạnh: gạo, rau, củ quả, cà phê là lợi thế của Việt Nam thì việc cắt giảm thuế ở những thị trường rộng lớn như CPTPP và EVFTA sẽ mở ra chân trời mới cho hàng nông sản Việt Nam.

Những thách thức, rào cản cần vượt qua

Qua dẫn liệu và phân tích nói trên, chúng ta thấy và hy vọng nông sản nước ta trong những thập niên tới sẽ có những bước nhảy vọt trong xuất khẩu. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào sự thật: EVFTA hay CPTPP đều là những thị trường khó tính, đòi hỏi rất nghiêm ngặt ổn định về chuẩn giá trị, tuyệt đối sạch và an toàn, mẫu mã đẹp, bắt mắt.

Do đó, sắp tới ngành nông nghiệp phải phối hợp rất chặt chẽ với các ngành, các địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm hàng hóa. Các nhà sản xuất phải đảm bảo chất lượng, độ an toàn của các sản phẩm họ sản xuất ra. Cần tránh được các nguy cơ tiềm tàng như rủi ro từ nguồn nước ô nhiễm, ô nhiễm vi sinh vật hay hóa chất độc hại. Quy định nghiêm ngặt mức dự lượng tối đa cho phép các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, trừ sâu, trừ bệnh... Đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch... Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng phải trả giá đắt, mất uy tín, thương hiệu vì khi có những lô hàng kém chất lượng bị bạn trả về.

Trong tiến trình đổi mới, đặc biệt những năm gần đây nông nghiệp nước ta đã đạt được nhiều thành công rất đáng ghi nhận, số lượng và chất lượng hàng hóa nông sản của Việt Nam ngày càng có vị thế cao trên thị trường thế giới.

Với quyết tâm chính trị lớn của toàn Đảng, toàn dân, nhất là ý chí, nghị lực của giai cấp nông dân, chúng ta tin tưởng các Hiệp định thương mại tự do sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện để nông sản hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu ngày càng nhiều ra thị trường tiêu dùng của nhiều quốc gia trên thế giới./.

Lê Hữu