Cà Mau 'ra quân' ngăn chặn đánh bắt cá non để bảo vệ nguồn lợi cá đồng

Bước vào thời điểm mùa sinh sản của các loại cá đồng, cũng là lúc những người dân thiếu ý thức, tiến hành đánh bắt cá non, cá con để bán. Để bảo vệ nguồn lợi cá đồng, các ban, ngành chức năng của tỉnh Cà Mau đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra để ngăn chặn tình trạng đánh bắt cá non.
bao-ve-nguon-loi-ca-dong-1-1723014699.jpg
Cá non được ngành chức năng thả về môi trường tự nhiên ở các ao hồ, kênh rạch trên địa bàn thành phố Cà Mau. (Ảnh VOV)

Ra tay chấn chỉnh nạn đánh bắt và buôn bán cá non

Thời điểm này, đang là mùa sinh sản của các loại cá đồng. Đây cũng là lúc những người dân thiếu ý thức, tiến hành đánh bắt cá non, cá con để bán. Cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đang ra tay chấn chỉnh.

Cứ bắt đầu vào mùa mưa, dạo quanh một số điểm chợ ở TP. Cà Mau dễ bắt gặp cảnh tiểu thương buôn bán cá lóc, cá rô non. Đa phần cá non được người dân đánh bắt ở các ao, đìa thuộc vùng ven nội đô TP. Cà Mau. Sau đó, bán lại cho các tiểu thương để bày bán ở chợ. Giá loại cá này thường cao, trên dưới 20.000 đồng mỗi 100 gram.

Ông Trần Thanh Liêm - xã Nguyễn Phích, huyện U Minh - bức xúc nói: “Con cá đồng xứ U Minh này có tiếng lâu rồi, ai cũng biết. Nhưng bây giờ nó kiệt quệ đến mức có lúc không có cá đồng để ăn”.

Theo ông Liêm, nguyên nhân là do điều kiện sản xuất dẫn đến môi trường bị thay đổi, nước mặn tấn công vào, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đã tác động xấu đến quá trình sinh trưởng và tồn tại của các loài thuỷ sản; mật độ dân số tăng, kéo theo nhu cầu tiêu dùng nguồn thực phẩm tăng. Đặc biệt, nguyên nhân chủ quan trực tiếp nhất là do phương pháp khai thác quá mức.

bao-ve-nguon-loi-ca-dong-3-1723014736.jpg
Người dân huyện U Minh (Cà Mau) thu hoạch cá đồng. (Ảnh: TTXVN)

Vừa qua, Đoàn Kiểm tra của Ban Quản lý chợ TP. Cà Mau, ra quân tại chợ phường 4, 7 và phường 8 và thu giữ được hơn 1,5 kg cá lòng ròng (cá lóc con còn rất nhỏ).

Ông Trần Minh Họp, Phó Trưởng Ban quản lý chợ TP.Cà Mau nêu thực trạng: "Qua kiểm tra, thấy nhận thức của bà con còn thấp, chỉ biết bắt để bán có lợi thôi chứ chưa nghĩ gì đến ảnh hưởng nguồn lợi cá đồng. Vậy nên UBND thành phố, Phòng Kinh tế chỉ đạo ra quân đợt này, thu giữ và thả toàn bộ cá non sống về thiên nhiên. Qua đó, giúp phục hồi, cá đồng sắp tới được dồi dào hơn".

Khi gặp ngành chức năng, các tiểu thương buôn bán cá non thường tránh né hoặc đưa ra nhiều lý do về khó khăn trong kinh tế gia đình. Cơ quan chức năng TP. Cà Mau thực hiện nhắc nhở đối với vi phạm lần đầu.

Ông Phạm Văn Khanh, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP. Cà Mau cho biết, việc cấm đánh bắt, buôn bán cá non nhiều năm qua đã được tuyên truyền nhưng vẫn tái diễn. Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân, thời gian tới, sẽ tiến hành hành xử phạt hành vi vi phạm.

"Cần tập trung tuyên truyền cho mọi người dân, nhất là những người nông dân trên các địa bàn xã, phường hiểu rõ về tầm quan trọng của nguồn lợi thuỷ sản, cá đồng. Giá trị nguồn lợi này rất cao mà chính người nông dân là người hưởng thụ. Các Ban quản lý chợ và xã, phường sẽ thường xuyên ra quân vào tháng 6, tháng 7, tháng 8 là cao điểm. Qua tăng cường kiểm tra và sẽ xử phạt các hộ mua bán cá non, cá ròng ròng…" - ông Khanh cho biết.

Trước tình hình siết chặt quản lý việc đánh bắt, buôn bán cá non, người dân trên địa bàn TP. Cà Mau cũng đã có những chuyển biến trong nhận thức.

Chị Hồ Ngọc Liên, tiểu thương chợ Phường 4, TP. Cà Mau, chia sẻ: "Ở đây tôi bán cá chốt, cá chẽm, cá đối, cá bống… Tôi không bán cá non, chỉ bán cá lớn".

Phạt nặng hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sống của loài thủy sản

Trước tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán cá non vào đầu mùa mưa vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng đến công tác phục hồi, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo thủ trưởng các sở, ngành, địa phương, đơn vị, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản; vận động, khuyến khích người dân tích cực tham gia bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, không khai thác, mua bán cá non tự nhiên theo quy định.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ, hướng dẫn địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát triển nguồn lợi giống thuỷ sản tự nhiên, nhất là cá non trong nội đồng; tăng cường chỉ đạo kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác, mua bán cá non theo quy định.

UBND các huyện, TP Cà Mau xây dựng kế hoạch cụ thể để phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng triển khai thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống khai thác, mua bán cá non; chỉ đạo lực lượng chức năng, UBND cấp xã thường xuyên kiểm tra, giám sát địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong khai thác, mua bán cá non theo quy định, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện và cơ quan chức năng nếu để xảy ra tình trạng mua bán cá non trên địa bàn nhưng không phát hiện.

bao-ve-nguon-loi-ca-dong-2-1723014682.jpg
Các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn người dân thả lại cá non khi khai thác. (Ảnh: Nhật Hồ)

Đối với các hành vi khai thác cá non theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 05/4/2024 của Chính phủ, quy định xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản.

Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sống của loài thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo các mức phạt sau: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng ngư cụ, trang thiết bị, phương tiện cản trở hành lang di chuyển cho loài thủy sản khi khai thác thủy sản bằng nghề cố định ở sông, hồ, đầm, phá hoặc sử dụng ngư cụ, trang thiết bị, phương tiện cản trở đường di cư tự nhiên của loài thủy sản.

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng ngư lưới cụ, trang thiết bị, phương tiện hủy hoại nguồn lợi thủy sản hoặc hệ sinh thái thủy sinh hoặc khu vực thủy sản tập trung sinh sản hoặc khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống hoặc sử dụng ngư cụ, trang thiết bị, phương tiện phá hoại nơi cư trú của loài thủy sản thuộc danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm hoặc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm hoặc gây hại khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi thăm dò, khai thác tài nguyên, xây dựng, phá bỏ công trình dưới mặt nước, lòng đất dưới nước làm suy giảm hoặc mất đi nguồn lợi thủy sản hoặc gây tổn hại đến môi trường sống, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, đường di cư của loài thủy sản.

Đáng chú ý hành vi thu gom, mua bán, lưu giữ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển trái phép thủy sản là cá non cũng bị xử phạt.

Hiện nay, các tiểu thương buôn các loại thủy sản tươi trên địa bàn TP. Cà Mau đã phải ký cam kết không mua bán cá non. UBND TP. Cà Mau đã ban hành kế hoạch về việc, lồng ghép công tác xắp xếp trật tự mua bán, trật tự đô thị với công tác kiểm tra, xử lý việc buôn bán cá non trên địa bàn./.

Bình Nguyên