Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa hai bên “Khảo sát tính khả thi của việc áp dụng kỹ thuật nuôi hàu ăn sống và kỹ thuật quản lý vệ sinh nhằm chấn hưng ngành nuôi hàu ở Việt Nam, hướng tới hình thành dự án kinh doanh”, được thực hiện từ tháng 6/2022, để nghiên cứu tính khả thi liên quan đến chuyển giao công nghệ và xây dựng các tiêu chuẩn quản lý vệ sinh trong ngành nuôi hàu, thuộc chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và các mục tiêu phát triển bền vững SDGs.
Nội dung hội thảo chia sẻ về tình hình nuôi hàu tại Việt Nam, chất lượng nước, kết quả xét nghiệm vi sinh và kết quả nuôi thử nghiệm, cũng như các kỹ thuật nuôi trồng thủy sản và phương pháp quản lý vệ sinh ở tỉnh Miyagi, Nhật Bản, nơi nghề nuôi hàu đang phát triển mạnh. Các chuyên gia Nhật Bản từ các hiệp hội và công ty chuyên về thủy sản, quản lý vệ sinh, vi sinh được mời đến để thảo luận về công nghệ nuôi hàu và quản lý vệ sinh tại Nhật Bản. Phiên thảo luận của hội thảo diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi liên quan đến phương pháp quản lý vệ sinh tại Nhật Bản, và biện pháp ứng dụng kỹ thuật nuôi hàu của tỉnh Miyagi vào môi trường tại Việt Nam.
Hội thảo có sự tham gia của khoảng 50 đại biểu, với nhiều đại biểu đến từ các cơ quan hữu quan và viện nghiên cứu của Việt Nam.
Ông Ihara Hidenori - Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam chia sẻ: “Tôi hy vọng rằng hội thảo này sẽ là cơ hội để lan tỏa kỹ thuật nuôi hàu có giá trị gia tăng và năng suất cao, giúp tăng thu nhập cho người dân nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam trong tương lai”.
Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế của ngành nông, lâm và thủy sản Việt Nam, trong đó, có nâng cao thu nhập của người nuôi trồng thủy sản thông qua phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tăng năng suất nuôi trồng thủy sản. Sản lượng thủy sản đã tăng gấp 4 lần trong 10 năm qua, trong đó lượng sản xuất và tiêu thụ hàu nội địa đều tăng.
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu hàu của Việt Nam còn hạn chế và vẫn đang gặp những vấn đề như năng suất thấp, chưa có cơ sở hạ tầng nuôi hàu có khả năng chống chọi với thiên tai và có thể sản xuất hàu chất lượng cao để ăn sống. Do đó, cần phải cải thiện công nghệ nuôi trồng thủy sản và phương pháp quản lý vệ sinh, cũng như tiếp thị và phát triển các kênh bán hàu.
Công ty cổ phần Yamanaka là doanh nghiệp xuất khẩu hải sản, có trụ sở chính tại tỉnh Miyagi, Nhật Bản, nơi nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh. Năm 2019, công ty đã thành lập cơ sở tại Việt Nam và đang mở rộng hoạt động kinh doanh. Dự án này sử dụng các công nghệ của công ty Yamanaka nhằm nâng cao nhận thức về kỹ thuật nuôi hàu và các tiêu chuẩn quản lý vệ sinh ở Việt Nam, nâng cao năng suất và gia tăng giá trị của nghề nuôi hàu, xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản có khả năng chống chọi với thiên tai ở Việt Nam và nâng cao thu nhập của người dân nuôi hàu tại địa phương.
Được biết, trong thời gian tới JICA sẽ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển trong tương lai của ngành nông nghiệp và thủy sản Việt Nam, thông qua hỗ trợ tạo ra các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản có giá trị gia tăng cao và tăng cường chuỗi giá trị.