Triết lý làm nông nghiệp thuận tự nhiên hướng đi bền vững cho tăng trưởng xanh

Triết lý nông nghiệp thuận tự nhiên của anh "nông dân" Bùi Ngọc Châu được đặt trong nền tảng sáu nhóm hữu cơ quan trọng, bao trùm toàn bộ hoạt động của mô hình này. Đó là Biển, Vườn, Ao, Chuồng, Ruộng, Rừng (gọi tắt là BVACRR). Mở ra một lối canh tác, vận hành, theo mô hình sản xuất nông nghiệp thuận tự nhiên mới tại Việt Nam.
xu-tien-2-1712820383.png
Bộ sản phẩm hữu cơ do anh Bùi Ngọc Châu nghiên cứu, chuyển giao sản xuất và sử dụng ngay tại Xứ Tiên Farm- một mô hình nông nghiệp thuận tự nhiên.

Tốt nghiệp Cử nhân Công nghệ Thông tin, Đại học Đà Nẵng, anh Bùi Ngọc Châu làm việc tại TP Hồ Chí Minh một thời gian. Sau đó anh về quê hương Tiên Phước (Quảng Nam) theo đuổi làm nông nghiệp thuận tự nhiên.

Khi đã thử nghiệm nhiều lần cho kết quả tốt và sản xuất được bộ nguyên liệu hữu cơ hoàn chỉnh cho cây trồng, anh quyết định áp dụng phương pháp nông nghiệp hữu cơ với vi sinh tại Đà Lạt để chia sẻ lan rộng. Sau nhiều năm theo đuổi, anh đã gặt hái được những kết quả nhất định. Đúc rút thành một triết lí nông nghiệp với sự dung hợp 06 hình thái chính vào trong vòng tròn mô hình nông nghiệp thuận tự nhiên do anh nghiên cứu, vận hành sau 15 năm theo đuổi con đường này.

xu-tien-1-1712820391.jpg
Anh Bùi Ngọc Châu nhận khen thưởng “Gương sáng đời thường” của Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh Lâm Đồng.

Xây dựng triết lý nông nghiệp thuận tự nhiên

Anh Bùi Ngọc Châu vốn xuất thân từ con nhà nông, sống với đồng ruộng từ tấm bé nên vô cùng thân thuộc và gắn bó với nông nghiệp. Điều này tạo nên những phẩm chất ẩn tàng sâu bên trong anh, dẫn lối đưa đường để anh đi theo tiếng gọi của trái tim mình, theo đuổi con đường làm nông nghiệp sạch, xanh, một cách đúng nghĩa. Đồng thời tạo dựng được mô hình thực tế, khái quát thành triết lý cụ thể, xây dựng được cộng đồng và quan trọng nhất là có một hướng đi đúng đắn.

Triết lý nông nghiệp của anh Bùi Ngọc Châu được đặt trong nền tảng sáu nhóm hữu cơ quan trọng, bao trùm lên toàn bộ các hoạt động của mô hình này. Đó là Biển, Vườn, Ao, Chuồng, Ruộng, Rừng (gọi tắt là BVACRR). Mở ra một lối canh tác, vận hành, theo mô hình sản xuất nông nghiệp thuận tự nhiên mới tại Việt Nam.

Phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhiều vùng miền nói chung và nông nghiệp của Đà Lạt nói riêng. Nòng cốt của triết lý này được tạo dựng từ 81 nguyên liệu hữu cơ, làm nên từ 06 nhóm nguyên liệu chính tạo thành vòng tuần hoàn khép kín; vừa có thể đáp ứng với yêu cầu sản xuất sạch, vừa có sản phẩm chất lượng xanh đúng nghĩa, vừa nuôi dưỡng đất đai, thiên nhiên, con người trong vòng tròn thân thiện ấy mỗi ngày.

Chìa khóa cho việc tích hợp các hoạt động này nằm ở việc chủ động nắm giữ các công nghệ sản xuất như: Công nghệ vi sinh, cơ khí, nhiệt. Đồng thời đưa công nghệ thông tin vào trong quản lý nhằm tăng cường số hóa nông nghiệp. Vừa thúc đẩy sản xuất hiệu quả, nhưng vẫn đảm bảo hài hòa các yếu tố tự nhiên, thiên nhiên, môi trường, trong toàn bộ hoạt động.

Đây là hướng đi thiết thực, thân thiện với môi trường, hoàn toàn có thể tạo nên một mô hình sản xuất mới trong sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn xanh, phù hợp với nhiều vùng miền. Trên thực tế, tài nguyên nông nghiệp của chúng ta vốn rất dồi dào, nhưng để tiếp cận được cần có một tư duy đúng đắn, toàn diện; triết lý của Bùi Ngọc Châu đang tỏ ra hiệu quả trên nhiều mô hình ứng dụng thực tế ở một số tỉnh thành, trong đó rõ nhất là tại Đà Lạt, Lạc Dương, Lâm Hà của tỉnh Lâm Đồng.

xu-tien-4-1712820398.jpg
Thu hoạch cà phê sạch được trồng tại Xứ Tiên Farm.

Kết quả trên thực tế

Sau 15 năm theo đuổi, xây dựng và hoàn thiện triết lý của mình, anh đã đem triết lý của mình lan tỏa vào trong cộng đồng. Đồng thời ứng dụng vào dự án thực tế của chính mình tại Xứ Tiên Farm, do anh sáng lập, điều hành. Nông trại Xứ Tiên là mô hình nông trại có tính tuần hoàn, với 03 hình thái sản xuất nông nghiệp như: Vườn - Ao - Chuồng. Có ứng dụng các quy trình và bộ sản phẩm nguyên liệu hữu cơ trong triết lý BVACRR vào trong sản xuất. Nông trại nhận được hiệu quả rõ rệt như: Chất đất đã được phục hồi, cây con trong vườn xanh tốt, khỏe mạnh. Các loại cà phê, rau củ quả, cá dưới ao, gia súc gia cầm trong vườn đều đang cho chất lượng và năng suất cao.

Với quy trình dùng 100% nguyên liệu hữu cơ đầu vào và nông trại đang thu được các kết quả tích cực. Rau xà lách cho năng suất trung bình 1,7 tấn/sào/vụ; Súp lơ xanh 1,5 tấn/sào/vụ; Cà rốt 2 tấn/sào/vụ; Cà phê từ 4,5 tấn - 6,5 tấn/ha/năm. Hiện nay, mỗi ngày Nông trại Xứ Tiên cung cấp trung bình 200 đến 500 kg rau củ quả cho các cửa hàng thực phẩm sạch hoặc giao trực tiếp cho các hộ gia đình tập trung tại các tỉnh như Quảng Nam - Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…vv.

Từng bước hoàn thiện mô hình

Năm 2008 – 2012, tại Tiên Phước, anh lập xưởng nghiên cứu, cho ra đời các sản phẩm như: men vi sinh vật bản địa, phân hữu cơ vi sinh, đạm cá, đất sạch sinh học, chế phẩm trừ sâu sinh học. Và các ứng dụng này trên thực tế cho ruộng lúa, vườn cà tím, vườn xoài hữu cơ của nhà ông Trần Văn Chung, huyện Núi Thành. Ứng dụng Men vi sinh vào quy trình khử mùi hôi chuồng trại bằng đệm lót sinh học. Thông qua trung tâm học tập cộng đồng xã Tiên Cẩm, anh Châu đã phối hợp chuyển giao kỹ thuật làm phân hữu cơ vi sinh cho nông dân trên địa bàn huyện Tiên Phước. Chương trình nằm trong chuyên mục “Bạn nhà nông” của Đài VTV2 ghi hình, phát sóng. Từ đó, mô hình nghiên cứu ứng dụng này của anh đã lan tỏa đến nhiều nông dân khác trên cả nước.

Năm 2013 - 2016, anh Châu tiếp tục phổ biến cho nông dân tại các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Bắc Bộ, tư vấn kỹ thuật hữu cơ vi sinh. Anh Châu ứng dụng những kết quả nghiên cứu ban đầu tại Tiên Phước để lập các quy trình về đạm – khoáng – nấm – sâu – xử lý đất phù hợp với cây công nghiệp, cây ăn trái, cây dược liệu tại vùng trồng địa phương. Anh đã gặp gỡ, chia sẻ về chuyển đổi hữu cơ với trên 500 nông dân trên nhiều vùng miền. Nổi bật trong giai đoạn này là việc chuyển đổi hữu cơ thành công trên cây cà chua cherry, súp lơ xanh, rau củ quả Đà Lạt tại nông hộ Đinh Văn Thoại, phường 7, TP Đà Lạt; Chuyển đổi hữu cơ cho nông trường trà Cầu Tre tại xã ĐamBri, thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng; Chuyển đổi thành công vườn tiêu xen canh cà phê cho nông hộ Trần Khắc Dũng tại huyện Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.

Sau quá trình tư vấn nông nghiệp tại nhiều tỉnh, Bùi Ngọc Châu đã hình thành tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp hữu cơ vi sinh hiệu quả và bền vững hơn, thực chất hơn. Dựa vào phân tích nhu cầu thị trường, năng lực kỹ thuật đáp ứng, anh chọn ngành rau Đà Lạt để bắt đầu áp dụng các công nghệ do mình dày công nghiên cứu, giới thiệu thành phẩm ra thị trường. Các quy trình và mô hình trồng rau Đà Lạt cũng đã được tổng hợp, chia sẻ với hơn 10 nông hộ tại thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương.

Và để khẳng định tính đúng đắn và theo đuổi triết lý này đến cùng, anh lên Đà Lạt thuê đất khởi nghiệp. Hoàn thiện mô hình theo bộ triết lý nông nghiệp BVACRR mà anh đeo bám suốt nhiều năm qua. Với gần 3 hecta đất tại xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng và cái tên Nông trại Xứ Tiên đã chính thức ra đời.

Giai đoạn này, anh vừa chủ động đầu tư cơ sở hạ tầng thực nghiệm công nghệ, vừa ứng dụng vào sản xuất nông sản. Song song đó, anh còn được Trung tâm dịch vụ tổng hợp, Khu công nghệ cao Đà Nẵng ươm tạo doanh nghiệp hỗ trợ. Nhờ đó, anh đã hoàn thiện được quy trình công nghệ sản xuất Tinh chất đạm cá biển tại nhà máy CMF - Cà Mau; Quy trình sản xuất viên nén dinh dưỡng tổng hợp tại nhà máy Phước Thắng - Tây Ninh. Đồng thời, hoàn thiện mô hình nuôi trồng cây con tại Nông trại Xứ Tiên, dưới tán rừng cà phê. Dùng nguồn thức ăn xanh tại chỗ như rau cỏ tại vườn, trộn với bột bắp, tinh chất đạm cá biển để gây đàn mà không dùng bất cứ sản phẩm đầu vào nào khác từ bên ngoài.

xu-tien-3-1712843651.jpg
Rau sạch hữu cơ tại Xứ Tiên Farm đang được phân phối ở các tỉnh thành.

Đi cùng với con đường của anh còn có sự ủng hộ của nhiều người, hình thành nên một lối đi chung và khẳng định tính thực tiễn, hiệu quả của triết lý nông nghiệp này. Họ đã sử dụng tinh chất đạm cá biển mà anh Châu nghiên cứu vào trong các hoạt động sản xuất của mình, đạt hiệu quả tốt như: Nông hộ Trần Khắc Dũng, huyện Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk trong vườn tiêu xen cà phê, đạt chứng nhận Nông hộ sinh thái chuẩn USDA, Bộ Nông nghiệp Mỹ; Công ty Agrita An, Gia Lai sản xuất chanh dây xuất khẩu sang thị trường Châu Âu; Nông hộ Dương Ngọc Trung, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông sản xuất giống cây công nghiệp và cây ăn trái; Tổ dịch vụ Nông nghiệp xã Hoài Đức, huyện Lâm Hà áp dụng cho cây dâu tằm và cây cà phê; Tổ hợp tác sản xuất mắc ca bền vững Liên Hà với quy trình trồng mắc ca đơn canh và mắc ca xen canh cà phê; Công ty Langbiang, Đà Lạt sản xuất rau và hoa tại huyện Lạc Dương; Cơ sở sản xuất Nấm rơm Quang Hiền, Phú Yên, với ứng dụng tinh chất đạm cá biển giúp tăng 30% năng suất và kéo dài thời gian thu hoạch từ 7 đến 10 ngày. Và nhiều nông hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã khác trên địa bàn huyện Lâm Hà; tỉnh Thái Nguyên, Hưng Yên, Hòa Bình ở miền Bắc; tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Tây Ninh, Bình Phước… ở phía Nam.

Với mô hình cụ thể tại Xứ Tiên Farm thì hiện nay đơn vị đã có các sản phẩm cụ thể ra thị trường như: Cà phê hữu cơ thuần Việt, dạng bột, đóng gói; Các loại rau củ quả tươi; Các loại rau củ cải muối dạng dưa chua, măng chua đóng hộp… đang cung cấp ra thị trường. Mười lăm năm qua, không đơn thuần là trồng rau, nuôi gà, nuôi cá, nuôi heo theo phương pháp thuận tự nhiên; Anh Châu đã xây dựng và hoàn thiện triết lý riêng cho mình.

Anh nói, việc xây dựng triết lý BVACRR cũng là cách để mọi người nhìn nhận rõ ràng con đường này mà thôi. Trên thực tế đó là sự tái khám phá cách làm nông nghiệp truyền thống cổ xưa. Là cách trở về với nông nghiệp nguyên thủy, về với thiên nhiên và dựa vào thiên nhiên mà sống, chứ không có gì khác. Nhưng để phù hợp với thời đại mới, một phần của tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng được áp dụng vào: Như cách dùng phân bón vi sinh hữu cơ cho cây trồng; Cách sử dụng một vài thiết bị như máy bay phun thuốc sinh học hữu cơ đuổi bọ rày bám lá cà phê... nhằm tiết kiệm chi phí nhân công, đảm bảo giá thành sản phẩm phù hợp với nhiều người dùng khác nhau.

Nhưng sau tất cả, biện pháp chính vẫn là trở về với cách làm cũ, tức là trung thành với lối làm việc thuận tự nhiên, để tự nhiên lo liệu mọi thứ. Cách làm này thực ra không mới, nó từng là cách làm việc của người nông dân Việt cổ. Đó cũng là cách làm nông nghiệp truyền thống của những lão nông nổi tiếng thế giới đã từng áp dụng tại Nhật Bản như: Lão nông Akinori Kimura, Masanobu Fukuoka, Takao Furuno. Và anh Châu cũng đang theo dấu chân của người Việt xưa. Nhằm tái khẳng định giá trị lối canh tác truyền thống trong thế giới mới và khẳng định lối canh tác nguyên thủy ấy vẫn còn nguyên giá trị.

Với những đóng góp của mình, anh được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân sản xuất và kinh doanh giỏi Lâm Hà và nhận được sự ghi nhận, ủng hộ, động viên khích lệ của các cấp chính quyền địa phương. Đồng thời anh cũng được chứng nhận tác giả có đề tài trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng năm 2022-2023. Và quan trọng hơn cả là anh đã tìm được con đường đi đúng đắn không chỉ cho riêng mình mà còn giúp cho nhiều người khác cùng đi.

Anh hy vọng những cố gắng của mình sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người chủ động thực hành lối sống thuận tự nhiên, tuỳ theo khả năng của mình. Anh nói, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn từ những điều đơn giản nhưng đúng đắn. Anh cho rằng, nhiều viên gạch giống nhau sẽ lắp ghép nên một con đường đẹp đẽ; có nhiều người hiểu hơn về nông nghiệp thuận tự nhiên, thế giới sẽ có thêm nhiều mảnh ghép thú vị khác nhau, tạo nên những mảng mầu rộng lớn, đẹp đẽ, nhiều mầu sắc và hữu ích hơn cho cuộc đời này./.