Nhiều giải pháp sản xuất nông nghiệp thuận thiên đã được triển khai
Hội nghị quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên vừa diễn ra tại tại Cà Mau nhiều ý kiến nhận định về tầm quan trọng của việc ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thông tin, ngày 26/7/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg “Phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050”, đưa ra lộ trình hướng tới mức phát thải ròng bằng 0.
Mục tiêu tổng thể của chiến lược bao gồm: “Giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao khả năng chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.”
Việt Nam đã có nhiều hành động để triển khai cam kết Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26 và COP28), khẳng định trách nhiệm của Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng với ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên. Quan điểm chung là: “Mọi hành động ứng phó với biến đổi khí hậu phải dựa vào tự nhiên, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể để phát triển bền vững.”
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), thời gian qua các giải pháp sản xuất nông nghiệp thuận thiên đã được triển khai tại Đồng Tháp, An Giang và các tỉnh Duyên Hải trên lĩnh vực sản xuất lúa, cây ăn trái và một số lĩnh vực khác như: Xây dựng và ứng dụng phần mềm số hoá OCOP, mô hình chăn nuôi tuần hoàn,…
Tại tỉnh Cà Mau, giải pháp thuận thiên đã được áp dụng trên lĩnh vực thuỷ sản, với các mô hình kinh tế dưới tán rừng, mô hình tôm - lúa, nuôi tôm - rừng kết hợp sò huyết và mô hình siêu thâm canh lót bạc tuần hoàn kín. Giai đoạn 2021 -2025, tổng kinh phí hỗ trợ các giải pháp nông nghiệp thuận thiên của toàn khu vực ĐBSCL hơn 260.000 tỉ đồng. Trong đó, tỉnh Cà Mau được hỗ trợ hơn 2.500 tỉ đồng.
Cần hoàn thiện cơ chế và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế
Tại hội nghị, các tỉnh trong khu vực ĐBSCL kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm triển khai thực hiện các đề án, tạo cơ chế chính sách để phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng chuyển đổi sinh kế ứng phó biến đổi khí hậu; ban hành cơ chế tài chính và chính sách đặc thù ưu đãi cho phát triển ĐBSCL, tăng cường và nâng cao hiệu quả liên kết vùng,..
Theo Bộ NN&PTNT, để đạt được những vấn đề Nghị quyết 120 đặt ra, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của quốc tế trong cung cấp thông tin, tri thức, kinh nghiệm, các công cụ đánh giá, cho chuyển đổi nông nghiệp thuận thiên.
Ngoài ra cần sự hỗ trợ thu thập, đánh giá, lựa chọn các mô hình/giải pháp thuận thiên và thực hiện thí điểm các mô hình và dự án thuận thiên trong nông nghiệp, chú trọng tới các giải pháp kết hợp hài hòa đồng bộ giữa công trình và phi công trình - thích nghi theo điều kiện tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học…
Bên cạnh đó, Việt Nam đang cần sự hỗ trợ nguồn lực nhằm triển khai các “Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.
Tại Hội nghị, các đối tác quốc tế như EU, Mỹ, Australia, FAO, UNDP, WWF, SNV…, các quỹ tài chính quốc tế, tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài và trong nước cam kết nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên; mạng lưới kết nối các nhà đầu tư nước ngoài với các địa phương và doanh nghiệp trong nước cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long được hình thành; các mô hình thuận thiên đã triển khai trong nước và quốc tế được chia sẻ và nhân rộng. Từ đó, đề xuất giải pháp kinh tế, kỹ thuật, tài chính, cơ chế và chính sách có liên quan nhằm nhân rộng mô hình, giải pháp nông nghiệp thuận thiên cho các vùng miền khác của Việt Nam...
Theo bà Loren Mayor - Giám đốc điều hành WWF-US (Tổ chức Quốc tế bảo tồn thiên nhiên - Hoa Kỳ) cho rằng: “Giải pháp thuận thiên là cách duy nhất hữu hiệu để phát triển ĐBSCL trong tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Do đó, cần có sự hợp tác chặt chẽ để ĐBSCL cùng phát triển theo hướng thuận thiên.”
Còn bà Cherie Russell - Quyền Phó Đại sứ Úc tại Việt Nam mong muốn đây là cơ hội tốt để kết nối quốc tế với Việt Nam trong vấn đề chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo ông Lê Phước Hoài An - Giám đốc Khối khách hàng Doanh nghiệp vừa - Ngân hàng HSBC tại Việt Nam thông tin: “Theo dự báo, Việt Nam là một trong những quốc gia ảnh hưởng tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, trước mắt là an sinh của 20 triệu người dân ĐBSCL. Do vậy, HSBC cần thiết phải tham gia vào chống biến đổi khí hậu giảm khí thải tại Việt Nam. Đến 2030 HSBC cam kết hỗ trợ khách hàng sẽ được tiếp cận nguồn vốn giảm thải khí hậu bằng 0, trồng 150 hecta rừng ngập mặn tại Cà Mau…”.
Hội nghị quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên là hành động cụ thể của Việt Nam để triển khai cam kết Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26 và COP28), khẳng định trách nhiệm của Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên, trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển./.