Mới đây, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức tọa đàm về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ VI tới.
Tại buổi tọa đàm, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và an ninh Nguyễn Minh Đức cho biết, Luật Giao thông đường bộ sau 15 năm thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này, nhất là trước sự phát triển của hạ tầng giao thông, sự gia tăng nhanh chóng của số lượng phương tiện giao thông và tình hình TTATGT đường bộ ở Việt Nam.
Đại diện cơ quan soạn thảo trình bày một số nội dung cơ bản dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ cho biết: việc xây dựng dự thảo Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển vận tải đường bộ nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương. Đồng thời, tạo cơ chế đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại hóa; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng…
Hạn chế thời gian lái xe, đảm bảo an toàn
Thực tiễn sau gần 15 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cho thấy, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này. Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Dự thảo Luật gồm 9 chương, 81 điều, trong đó, đã bổ sung một số quy định mới phù hợp với xu hướng, tiến trình chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người dân. Dự thảo Luật cũng không phân chia chi tiết các hạng giấy phép lái xe như Luật Giao thông đường bộ 2008, chỉ quy định nguyên tắc phân hạng giấy phép lái xe để bảo đảm tính linh hoạt trong trường hợp có sự thay đổi của các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên; quy định rõ công tác phối hợp trong giải quyết tai nạn giao thông, cập nhật dữ liệu về tai nạn giao thông để bảo đảm tính chính xác, khách quan, minh bạch…
Đa số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cơ bản tạo được cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn. Qua đó, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với xe đưa đón học sinh, xe ô tô đưa đón học sinh (Khoản 1, Điều 46), các ý kiến cho rằng, về bản chất xe đưa đón học sinh hay xe taxi hoặc xe kinh doanh vận tải điều kiện phải tương đồng như nhau, đều phải chấp hành các quy định chung, phải yêu cầu các tổ chức cá nhân thực hiện sử dụng phương tiện để vận chuyển đưa đón. Do đó, việc phục vụ hoạt động kinh doanh phải có biểu trưng màu sơn, logo, số điện thoại của doanh nghiệp được niêm yết và đăng ký kê khai với cơ quan quản lý nhà nước
Về quy định thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ (Điều 56), một số ý kiến cho biết, việc kinh doanh vận tải có ngày chạy không đến 8 tiếng, có ngày chạy quá 8 tiếng tùy vào thực tế thị trường kinh doanh và loại hình kinh doanh. Vì vậy, quy định tổng thời gian lái xe trong một ngày không quá 480 phút như dự thảo Luật có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc điều hành kinh doanh sản xuất. Do đó, quy định ở mức không quá 10 tiếng như Luật Giao thông đường bộ 2008 là phù hợp.
Kết cấu hạ tầng đường bộ và vận tải đường bộ
Luật TTATGT đường bộ quy định về quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; tuần tra, kiểm soát về TTATGT đường bộ; giải quyết TNGT đường bộ; quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ.
Dự thảo Luật gồm 6 chương, 92 điều. So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật đã thay đổi phạm vi điều chỉnh; bổ sung các chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ trên cơ sở các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước; quy định về hệ thống giao thông thông minh, cơ sở dữ liệu đường bộ; phân biệt rõ hệ thống đường giao thông nông thôn, đường đô thị và hệ thống đường địa phương…
Đa số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, đã sửa đổi, bổ sung những quy định đã phát sinh hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tạo cơ chế để huy động tối đa mọi nguồn lực nhằm tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, làm cơ sở kết cấu lại các phương thức vận tải; nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an toàn vận tải đường bộ tạo nên thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý, hiệu quả và cạnh tranh.
Nhiều ý kiến cho rằng, kinh doanh vận tải khách du lịch là loại hình đã và đang hoạt động, có xu hướng ngày càng tăng. Đồng thời, yêu cầu quản lý có nhiều nội dung khác biệt so với các loại hình vận tải khác như điều kiện về người lái xe; nhân viên phục vụ trên xe… Trong khi đó, tại dự thảo Luật Đường bộ, quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô chỉ bao gồm kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và loại hình kinh doanh vận tải hành khách mới theo quy định của Chính phủ (Khoản 7, Điều 61). Do đó, đề nghị cần tiếp tục quy định loại hình kinh doanh vận tải khách du lịch trong dự thảo Luật.