Lợi nhuận giảm
Công ty Cổ phần Bất động sản BIM (BIM Land) được biết đến với những dự án bất động sản vướng không ít lùm xùm, nhưng đây lại là mảng kinh doanh quan trọng nhất hệ sinh thái của Công ty TNHH Tập đoàn BIM (BIM Group) và vẫn đều đặn thu về những khoản lợi nhuận lớn. Trong nửa đầu năm 2023, mặc dù ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 16% so với cùng ký năm 2022, nhưng BIM Land vẫn thu được hơn 810 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt 7.430 tỷ đồng, tổng tài sản của BIM Land đạt hơn 26.670 tỷ đồng, trong khi đó hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,59, tương ứng số nợ phải trả lên tới gần 19.244 tỷ đồng, bao gồm dư nợ trái phiếu gần 5.600 tỷ đồng.
So với những năm gần đây, tình hình kinh doanh của BIM Land đang có chiều hướng sụt giảm. Kết thúc năm 2021, BIM Land báo lãi 2.068 tỷ đồng, nhưng đến hết năm 2022 mức lãi giảm xuống còn 1.745 tỷ đồng và xu hướng giảm tiếp tục kéo dài sang 6 tháng đầu năm 2023.
Mặc dù vậy, ngày 31/8 vừa qua BIM Land cũng đã phát hành thành công lô trái phiếu BIMCH233001 có giá trị 2.333 tỷ đồng, với mức lãi suất huy động 10,4%/năm và thời hạn đáo hạn vào ngày 15/7/2030.
Những dự án gây ‘ồn ào’
Năm 2018, truyền thông cả nước đồng loạt đưa tin Dự án Citadines Marina Hạ Long của BIM Land huy động vốn trái phép và bán hàng chưa đủ điều kiện, cũng như thông tin về vụ tai nạn lao động làm chết người trong quá trình thi công dự án.
Từ tháng 5/2017, dự án Citadines Marina Hạ Long được BIM Group rầm rộ quảng cáo bằng những chính sách bán hàng hấp dẫn như chia sẻ 85% lợi nhuận cho thuê phòng kèm cam kết của chủ đầu tư không thấp hơn 10% giá trị căn hộ mỗi năm trong 5 năm đầu tiên và người mua căn hộ trong dự án sẽ được cấp sổ đỏ vĩnh viễn. BIM Group thông qua hàng loạt sàn giao dịch để chào bán căn hộ tại dự án Citadines Marina Hạ Long và huy động vốn bằng hình thức hợp đồng góp vốn.
Tới giữa năm 2018, chủ đầu tư đã bán được một số lượng lớn căn hộ trong Citadines Marina Hạ Long, trong khi dự án vẫn chỉ ở giai đoạn triển khai phần móng công trình và chưa có giấy phép xây dựng. Vụ thi công “chui” chưa kịp lắng lại, thì quá trình xây dựng dự án này lại xảy ra tai nạn lao động khiến 2 công nhân tử vong tại chỗ. Thời điểm đó, Sở LĐTB&XH Quảng Ninh cho biết, 2 công nhân thiệt mạng do bị sập giàn giáo, khi tuổi đời còn chưa đến 20.
Tại dự án Grand Bay Ha Long, BIM Land cũng vướng lùm xùm vì để “quên” hạng mục nhà ở xã hội. Không những vậy, dự án này được cho là chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư và thiếu đánh giá tác động môi trường khi chủ đầu tư tiến hành khởi công xây dựng.
Theo Nghị định 100/2015-CP, đối với dự án phát triển nhà ở thương mại có quy mô trên 10 ha, phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 để xây dựng nhà ở xã hội. Đối với trường hợp không phù hợp với quy hoạch thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận. Tuy nhiên, trong phê duyệt quy hoạch 1/500 trên thực tế, dự án Grand Bay Hạ Long không thấy xuất hiện hạng mục nhà ở xã hội. Trong danh mục sử dụng đất của dự án chỉ bao gồm đất ở (37,2%), đất chung cư hỗn hợp DVTM (21,1%), đất hỗn hợp thương mại dịch vụ (1,7%), đất dịch vụ công cộng (3,1%), đất cây xanh mặt nước (19,8%), đất giao thông và HTKT khác (16,3%).
Tại dự án Phú Quốc Marina, hồi tháng 10/2022, Công ty TNHH BIM Kiên Giang thành viên của BIM Group, chủ đầu tư dự án cũng đã bị Kiểm toán Nhà nước xác định bán hàng không xuất hoá đơn, không kê khai thuế giá trị gia tăng. Đáng chú ý, theo báo cáo thuế tại thời điêm trước đó, BIM Kiên Giang đạt doanh thu lên đến gần 3.000 tỷ trong khi nhân sự chỉ có vỏn vẹn 10 người. Sau đó, Kiểm toán Nhà nước đã phải kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo tổ chức kiểm tra BIM Kiên Giang về các vấn đề liên quan đến thuế.
Ngoài ra, dự án Phú Quốc Marina cũng được xác định còn tồn tại một số sai phạm về đất đai và đã bị Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trong Kết luận thanh tra số 602 KL-TTCP ngày 27/4/2020.
"Sức khoẻ" công ty "mẹ" của BIM Land?
Tháng 7/2018 BIM Group tăng vốn lên 3.150 tỷ đồng, nâng tổng tài sản lên 6.342 tỷ đồng. Mặc dù, không ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong năm, nhưng nhờ doanh thu tài chính lên tới 1.149 tỷ đồng, BIM Group vẫn báo lãi sau thuế hơn 1.140 tỷ đồng cho cả năm 2018.
Bước sang năm 2019, lợi nhuận thuần của BIM Group đạt 785 tỷ đồng, giảm 31,2% so với năm trước. Trên bảng cân đối kế toán, tính đến ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của BIM Group lần lượt đạt 7.342,6 tỉ đồng và 5.129 tỉ đồng.
Đến năm 2020, doanh thu thuần công ty đạt 7.657 tỷ đồng. Lợi nhuận công ty cũng tăng lên hơn 2.061 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2021, doanh thu thuần từ bốn lĩnh vực kinh doanh của BIM Group đạt mức hơn 10.000 tỷ đồng. Trong đó, bất động sản và khách sạn đem về khoản doanh thu hơn 8.000 tỷ đồng, tiếp đến là mảng năng lượng có doanh thu hơn 1.300 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp, BIM Group có khoản lợi nhuận trong năm đạt mức 2.631 tỷ đồng tăng trưởng 23,5 % so với đầu năm.
Tổng tài sản của BIM Group tính đến hết năm 2021 đạt mức 40.586 tỷ đồng. Tính đến thời điểm ngày 31/12/2021, tổng vay nợ tài chính của BIM Group ở mức 16.955 tỷ đồng. Trong số nợ vay, vay và nợ thuê tài chính dài hạn chiếm tới hơn 79% đạt mức 13.449 tỷ đồng.