BIM Group vượt “sóng khủng hoảng” nhờ bất động sản?

Là một doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề, nhưng quy mô và tiềm lực của BIM Group thể hiện rõ nhất trong lĩnh vực bất động sản.
z4730762062143-3d2708728b2ededdacb49ddf7fd20158-1695792616.jpg
Tập đoàn BIM Group sở hữu quỹ đất lên đến hàng triệu m2 tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Ảnh: Khánh Hà

Huy động thành công 2.330 tỷ đồng trái phiếu

Năm 2023, các doanh nghiệp bất động sản đối mặt với nhiều khó khăn, song với những chính sách kịp thời của Chính phủ, không ít doanh nghiệp đã tìm thấy “ánh sáng cuối hầm”. Bên cạnh những doanh nghiệp thiếu năng lực và đã phải “rời cuộc chơi”, vẫn có đó những tên tuổi trong lĩnh vực bất động sản trụ vững trên thương trường, chấp nhận đương đầu với khó khăn, ứng biến với thời cuộc. Trong số đó, không thể không nhắc tới Tập đoàn BIM Group.

Mới đây, Công ty Cổ phần Bất động sản BIM (BIM Land), một thành viên của Tập đoàn BIM Group (Công ty TNHH Tập đoàn BIM) đã thông báo phát hành thành công lô trái phiếu BIMCH233001 với tổng giá trị 2.333 tỷ đồng. Ngày phát hành 31/8/2023 và đáo hạn vào ngày 15/7/2030 với mức lãi suất huy động 10,4%/năm.

BIM Land cho biết sẽ mua lại lô trái phiếu mới phát hành thành nhiều đợt vào các ngày thanh toán tiền lãi. Tổ chức phát hành trái phiếu sẽ mua lại dựa trên tỷ lệ giá trị trái phiếu được mua lại theo mệnh giá trái phiếu trên tổng giá trị trái phiếu tương ứng.

Ngoài lô trái phiếu vừa phát hành, BIM Land còn có hai lô trái phiếu khác đang lưu hành, phát hành trong năm 2021. Trong đó có một lô trái phiếu quốc tế niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX) có giá trị 200 triệu USD, kỳ hạn 5 năm với mục đích bổ sung vốn hoạt động và thực hiện các dự án. Tổ chức bảo lãnh phát hành lô trái phiếu này là ngân hàng Credit Suisse. Vào tháng 8/2023, BIM Land đã mua lại một phần trước hạn lô trái phiếu quốc tế này, với khối lượng 99.052.000 trái phiếu, tương ứng với giá trị hơn 99 triệu USD (khoảng 2.382 tỷ đồng).

Một lô trái phiếu trong nước khác có mã BIMCB2023001 có khối lượng 10 triệu trái phiếu, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, trị giá 1.000 tỷ đồng, có kỳ hạn 36 tháng từ ngày 30/12/2020 đến ngày 30/12/2023, với lãi suất huy động 10%/năm, trả lãi định kỳ 3 tháng một lần. Tổ chức phát hành là CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) với tài sản đảm bảo là 6 lô đất tại phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh có tổng diện tích 28.516 m2, giá trị bảo đảm hơn 1.315 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau đó có 3 lô đất đã được giải chấp, giá trị bảo đảm còn lại hơn 1.000 tỷ đồng, vẫn lớn hơn giá trị bảo đảm tối thiểu cho lô trái phiếu này. Như vậy, chỉ còn không đến 3 tháng nữa là đến kỳ hạn thanh toán cho lô trái phiếu BIMCB2023001, với giá trị lên đến 1.000 tỷ, một khoản thanh toán đầy thách thức trong bối cảnh hiện nay.  

Nội lực nhìn từ các “hệ sinh thái”           

Quy mô và vị thế của Tập đoàn BIM Group tập trung chủ yếu ở lĩnh vực bất động sản, với nhiều sản phẩm có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cùng quy mô đất rộng từ vài chục đến vài trăm hecta. Theo đánh giá, xếp hạng của Vietnam Report JSC, BIM Land là doanh nghiệp đứng thứ 4 trong Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, tính riêng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chỉ đứng sau Vingroup, Nova và công ty tổng hợp Sài Gòn. Trong khi đó, Tập đoàn BIM Group chỉ đứng ở vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng.

bim-group-1695792390.jpg

Khu nghỉ dưỡng Intercontinental Phú Quốc Long Beach của Tập đoàn BIM Group. Ảnh minh họa.

Để có được vị thế như hiện tại, BIM Group minh chứng bằng số lượng dự án cũng như quỹ đất đang sở hữu lên đến hàng triệu m2 tại nhiều tỉnh thành trên cả nước và nước Lào.

Giai đoạn năm 1994 - 2003, BIM thực hiện dự án Hạ Long Plaza và dự án đường bao biển Hùng Thắng (đường Hoàng Quốc Việt). Trong đó, Hạ Long Plaza là khách sạn 4 sao đầu tiên của thành phố Hạ Long, còn công trình đường bao biển Hùng Thắng có chiều dài 3,79 km kéo dài từ khu vực Bãi Cháy đến Tuần Châu được hoàn thành, góp phần tạo nên một bước ngoặt lớn cho BIM Group dần trở thành cái tên quen thuộc đối với người dân tại Quảng Ninh.

Năm 2004 - 2009, BIM Group thực hiện dự án khu căn hộ cho thuê Fraser Suites và TTTM Syrena. Năm 2010 - 2013, khai trương tổ hợp thương mại & giải trí Halong Marine Plaza và khai trương chung cư Green Bay Towers. Trong đó, đáng chú ý là dự án Khu đô thị Halong Marina, với tổng diện tích hơn 248 ha, có vị trí chiến lược, nằm sát bên bờ Vịnh Hạ Long và phía sau là núi Hùng Thắng.

Năm 2014, BIM Group tiếp tục hoàn thiện nhà liền kề San hô Coral Bay Halong, hoàn thiện dự án chung cư Ánh Dương - Sunrise Apartments Halong, ra mắt dự án Royal Lotus Halong Resort & Villas và phát triển cộng đồng dân cư khép kín đầu tiên tại Halong Green Bay Village.

Năm 2015, BIM Group ký hợp tác với IHG để phát triển 2 dự án InterContinental Phu Quoc Long Beach Resort và hạng mục khách sạn - dịch vụ dưới thương hiệu Holiday Inn Hotel & Suites tại Viêng Chăn - Lào.

Năm 2016, dự án Little VietNam của BIM Group đi vào hoạt động, đồng thời, khởi công chung cư Green Bay Premium, ra mắt dự án Biệt thự Pearl Villas, phát triển Khu phức hợp du lịch Phu Quoc Marina và ra mắt dự án Phu Quoc Waterfront.

Năm 2017, BIM ra mắt dự án Citadines Marina Halong do The Ascott Limited quản lý và vận hành, ra mắt Chung cư Green Bay Garden, khởi công dự án Regent Phu Quoc, khai trương khách sạn Crowne Plaza Vientiane và tổ hợp trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê cao cấp Royal Square - Lào.

Trong đó, đáng chú ý là BIM Group đầu tư xây dựng tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê cao cấp Royal Square tại Lào và khách sạn Crowne Plaza Vientiane nằm trong tổ hợp này. Đây cũng là khách sạn 5 sao quốc tế đầu tiên tại Lào.

Năm 2018, BIM ra mắt khu phức hợp du lịch Phu Quoc Marina rộng 155 ha, bao gồm nhiều hạng mục, như khách sạn tiêu chuẩn quốc tế, bãi biển, khu mua sắm ven biển, khu phố đi bộ và khu biệt thự cao cấp. Điểm nhấn đặc biệt của trung tâm du lịch này chính là khu nghỉ dưỡng InterContinental Phu Quoc Long Beach Resort với 336 phòng khách sạn 5 sao, 115 căn hộ cao cấp và 5 biệt thự đẳng cấp, sang trọng.

Đến tháng 3/2019, BIM Group đề xuất lập quy hoạch 1/500, dự tính chia dự án khu đô thị dịch vụ Hùng Thắng thành các dự án thành phần, bao gồm khu đa giác số 1, khu đa giác số 2, khu hỗn hợp chung cư, dịch vụ và biệt thự nghỉ dưỡng tại bán đảo số 2.

5 tháng sau, BIM Group đã được UBND thành phố Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) đồng ý về chủ trương để doanh nghiệp này nghiên cứu, đề xuất dự án đầu tư phát triển xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp rộng 2.000 ha trên địa bàn thành phố.

Và mới đây nhất (tháng 5/2023), BIM Group hé lộ thông tin đề xuất xây dựng sân golf tại vùng biên giới An Giang. Cụ thể là dự án Khu đô thị sinh thái, dịch vụ du lịch, sân golf Tịnh Biên, với quy mô lên tới hàng 100 ha.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh An Giang phạm vi nghiên cứu của dự án thuộc khu vực biên giới, có công trình quốc phòng, núi Dài, núi Két, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và cũng là khu kinh tế cửa khẩu…. liên quan đến quy hoạch đất rừng, quy hoạch quốc phòng an ninh, quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu. Vì vậy, tỉnh này đang phải rà soát, xem xét mức độ phù hợp để trình cơ quan thẩm quyền điều chỉnh các quy hoạch liên quan, đảm bảo phát triển kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường, sinh thái.

Như vậy có thể thấy, đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn BIM Group vẫn không ngừng thực hiện tham vọng của mình trong việc mở rộng quỹ đất đến các thành phố và điểm đến du lịch tiềm năng trong cả nước, cũng như vươn ra nước ngoài. Với việc thiết lập tiêu chuẩn mới về những đô thị, hệ sinh thái du lịch nghỉ dưỡng và các loại hình bất động sản đa dạng khác theo chuẩn mực quốc tế. 

BIM Group được thành lập vào năm 1994 tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) bởi doanh nhân Đoàn Quốc Việt, một doanh nhân thành công trong nhiều lĩnh vực tại Ba Lan, trước khi quyết định trở về Việt Nam đầu tư. Sau nhiều năm định hình và phát triển, đến nay BIM Group đầu tư chính trong lĩnh vực lương thực và thực phẩm, đầu tư bất động sản, khách sạn và du lịch, thương mại và dịch vụ, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và năng lượng.
Tổng tài sản của BIM Group tính đến hết năm 2021 đạt mức 40.586 tỷ đồng. Tính đến thời điểm ngày 31/12/2021, tổng vay nợ tài chính của BIM Group ở mức 16.955 tỷ đồng. Trong số nợ vay, vay và nợ thuê tài chính dài hạn chiếm tới hơn 79%, ở mức 13.449 tỷ đồng.
Khánh Hà