Giá đấu thầu cao gấp đôi giá nhập khẩu
Trên thực tế, trong quá trình phân phối hàng hóa cho bệnh viện Truyền máu huyết học (thuộc sở Y tế TP.HCM), chắc chắn phía doanh nghiệp phải trả thêm phí vận chuyển, kho bãi, lắp đặt… chứ không thể cung cấp nguyên theo giá nhập khẩu hải quan bởi yếu tố lợi nhuận là rất quan trọng với một doanh nghiệp.
Thế nhưng, chênh lệch với con số 2,8 tỷ đồng là không hề nhỏ, rất đáng để suy ngẫm. Bởi bên cạnh việc thể hiện sự hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn thì quyền lợi của người bệnh cũng sẽ ảnh hưởng nếu như vật tư y tế không được mua sắm tương xứng giữa giá thành và chất lượng.
Nhiều chuyên gia về lĩnh vực đấu thầu đã và vẫn đang rất trăn trở trước thực trạng có nhiều vụ việc vi phạm quy định về đấu thầu không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước mà còn khiến tổ chức mất đi những cán bộ chuyên môn giỏi, người dân thì xói mòn lòng tin… Xét cho cùng, yếu tố đầu tiên dẫn đến thực trạng này xuất phát từ sự thiếu minh bạch, công khai trong hoạt động đấu thầu, từ đó tạo điều kiện cho các hành vi “thông thầu”, dàn xếp, “gọt chân cho vừa giày” để tạo điều kiện cho một đối tượng trúng thầu.
Trở lại với gói thầu của Bệnh viện Truyền máu Huyết học, theo Quyết định số 2391/QĐ-BV.TMHH, ngày 9/8/2022, ông Phù Chí Dũng – Giám đốc bệnh viện Truyền máu Huyết học (Sở Y tế TP.HCM) phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, gói thầu Mua sắm Túi đựng máu gói 1 (năm 2022). Công ty TNHH Dược phẩm Quang Dương là nhà thầu duy nhất tham gia dự thầu và trúng thầu với giá 12.177.840.000 đồng, tiết kiệm được 108.080.000 đồng sau đấu thầu, đạt tỉ lệ 0,9% so với giá dự toán 12.285.920.000 đồng.
Công ty Quang Dương có địa chỉ trụ sở tại 105 đường 320 Bông Sao, phường 5, quận 8, TP.HCM với mã số thuế là 0306310369. Công ty này chỉ tham gia đấu thầu ở địa bàn TP.HCM và Cà Mau với việc trúng 68 gói, trượt 6 gói, 4 chưa có kết quả, 3 gói đã bị huỷ trong tổng số 81 gói thầu đã từng tham gia. Đa số các gói thầu của Quang Dương là ở các bệnh viện như: Chợ Rẫy, Bình Dân, Phạm Ngọc Thạch, Ung Bướu, Thống nhất, Quân y, Tai mũi họng, ĐH Y dược TP.HCM; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP…
Tại bệnh viện Truyền máu Huyết học, đơn vị này tham gia 7 gói thầu với tổng giá trị trúng thầu là 58.594.158.554 đồng (Bằng chữ: Năm mươi tám tỷ, năm trăm chín mươi tư triệu, một trăm năm mươi tám nghìn, năm trăm năm mươi tư đồng). Ngoài 1 gói thầu vào năm 2018, còn lại 6 gói trúng thầu năm 2022, công ty Quang Dương là nhà thầu duy nhất tham gia dự thầu và trúng thầu.
Qua bảng số liệu tổng hợp trên có thể thấy, 4/4 mã hàng hóa được mua sắm trong gói thầu có dấu hiệu chênh lệch số tiền 2.810.082.000 đồng (Bằng chữ: Hai tỷ, tám trăm mười triệu, không trăm tám mươi hai nghìn đồng).
Giá thiết bị y tế cao thấp, khác nhau ở từng địa phương, đơn vị, đôi khi còn phụ thuộc vào linh phụ kiện theo kèm, chức năng, phần mềm, quản lý, đào tạo, thời gian bảo trì, bảo hành… nên chưa thể vội vàng kết luận là có sự “thổi giá, nâng khống” ở đây. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng liên quan cần sớm vào cuộc thanh kiểm tra, làm rõ. Việc làm này không những minh bạch được thông tin mà còn xóa được điều tiếng cho chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tham gia định giá gói thầu.
Chênh lệch hàng tỷ đồng thì nên xem xét
Như đã đề cập từ đầu bài viết, doanh nghiệp không thể không có lợi nhuận khi luôn cố gắng đạt các yêu cầu của chủ đầu tư đưa ra để trúng thầu. Và cũng cần nhắc lại rằng, giá so sánh của PV là giá sản phẩm nhập về Việt Nam, việc cung cấp sản phẩm tới bệnh viện đương nhiên còn “cõng” thêm nhiều chi phí cơ bản như vận chuyển, lắp đặt, thuê kho bãi… Thế nhưng, số tiền chênh lệch tới 2,8 tỷ đồng cho 4 sản phẩm là điều rất băn khoăn.
Theo một chuyên gia kinh tế, đấu thầu nếu không được quy định và quản lý một cách chặt chẽ sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, trục lợi. Thực tế, những năm gần đây, hàng loạt các vụ án, tiêu cực liên quan đến hoạt động đấu thầu đã bị các cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng, điển hình như: Vụ án đấu thầu mua chế phẩm Redoxy-3C của công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội; vụ án kit test của công ty Việt Á; vụ án xảy ra tại trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội;...
“Doanh nghiệp cung cấp sản phẩm cho dự án đương nhiên phải có lợi nhuận, nhưng nếu như số tiền chênh lệch hàng tỷ đồng giữa giá sản phẩm trong gói thầu và giá thị trường thì tôi nghĩ chủ đầu tư nên xem xét và cho bộ phận chuyên môn rà soát lại. Việc chi tiêu mua sắm công thì một đồng cũng phải minh bạch và rõ ràng”, vị chuyên gia này nói.
“Hiện nay, việc xử lý các vi phạm về nâng giá trị sản phẩm trong gói thầu nhằm chia chác lợi ích và thâm hụt ngân sách Nhà nước đang được xử lý rất nghiêm, không có vùng cấm. Tuy nhiên để sức răng đe được lan tỏa thì việc thanh kiểm tra cần phải vào cuộc nhanh chóng, chính xác, hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền trong việc xử lý vi phạm về mặt hành chính hoặc hình sự. Cần truyền thông rộng rãi để việc hạn chế và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến đấu thầu được hạn chế hơn”, chuyên gia nói thêm.
Theo Luật sư Vi Văn Diện (Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: “Nếu hoạt động đấu thầu có dấu hiệu nâng khống, đội giá, gây thiệt hại cho Nhà nước thì tùy từng trường hợp khác nhau có thể bị xử lý theo các chế tài khác nhau. Sự việc ở mức độ nhẹ có thể chỉ bị xử lý hành chính. Tuy nhiên, các hành vi thông thầu, có hành vi cố ý làm trái, dấu hiệu trục lợi làm thất thoát, thiệt hại cho tài sản Nhà nước thì còn có thể bị xử lý hình sự về các tội danh khác nhau theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 như: Điều 222. Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Điều 220. Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; Điều 219. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Điều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Điều 353. Tội tham ô tài sản; Điều 355. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản…”.