Bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật trên thế giới (Phần I)

Nhận thức chung trên thế giới vệ bảo tồn đa dạng sinh học đã được đưa ra từ những năm 70 của thế kỷ trước.
colocasia-esculenta-p1190432-800x445-1657190401.jpg
Nghiên cứu bảo tồn gen cây khoai Môn

Để có thể bảo tồn và sử dụng hiệu quả đa dạng sinh học nông, lâm nghiệp trong đó tài nguyên di truyền thực vật là hạt nhân, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ nhất về môi trường họp tại Stockholme, Thụy Điển, năm 1972, đã kêu gọi khẩn cấp nhiệm vụ bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật.

Hai mươi năm sau, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai họp tại Río de Janero, Brazin, năm 1992, đã thoả thuận Công ước đa dạng sinh học (CBD). Tháng 6/1996 FAO tổ chức Hội nghị kỹ thuật quốc tế lần thứ 4 về bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật tại Lepzich (Đức) đã thống nhất định nghĩa tài nguyên di truyền thực vật phục vụ cho sản xuất lương thực và phát triển nông nghiệp bao gồm các loài và giống cây trồng, các đơn vị phân loại thực vật hoang dại có quan hệ gần gũi với cây trồng và các dạng tài nguyên di truyền thực vật khác có tiềm năng sử dụng hiện tại và trong tương lai cho mục tiêu sản xuất lương thực và sản xuất nông nghiệp.

Hội nghị Lepzig nêu rõ tài nguyên di truyền thực vật lương nông là cơ sở sinh học của sự an toàn lương thực thế giới và hỗ trợ cho sự sinh tồn của loài người trên trái đất. Vậy nên bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật lương nông là vấn đề quan trọng mang tính thời sự quốc tế. Tại Hội nghị này đã thống nhất Kế hoạch hành động toàn cầu (Global Plant of Action, GPA) về bảo tồn quỹ gen cây nông nghiệp. Năm 2001 Đại hội đồng FAO đã thông qua Hiệp ước về Tài nguyên di truyền thực vật phục vụ mục tiêu lương nông (ITPGRFA). Hiệp ước bao gồm 7 chương với 35 điều và 2 phụ lục lớn.

Mục tiêu của Hiệp ước là bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên di truyền thực vật lương nông; chia sẻ lợi ích công bằng và hợp lý từ sử dụng tài nguyên di truyền thực vật lương nông trong sự thống nhất hài hoà với Công ước đa dạng sinh học (CBD) trên cơ sở thừa nhận bản chất đặc biệt của tài nguyên di truyền thực vật lương nông là tất cả các quốc gia ngày nay phụ thuộc lẫn nhau về tài nguyên di truyền thực vật lương nông. Có nghĩa là tất cả các quốc gia đều dựa vào cây trồng có nguồn gốc từ nơi nào đó cho lương thực và nền nông nghiệp của mình.

Thành tựu chính của Hiệp ước là đề xuất được hệ thống tiếp cận và chia sẻ lợi ích đa phương, trong đó danh mục cây trồng được chọn dựa trên tầm quan trọng đối với an ninh lương thực và sự tương hỗ nhau; thoả thuận đa phương về luật đối với tiếp cận ưu tiên và chia sẻ lợi ích. Nhận thức được tầm quan trọng của tài nguyên di truyền thực vật lương nông nhiều nước trên thế giới đã tập trung cho bảo tồn ex situ, cho đến những năm 90 thì bắt đầu quan tâm nhiều đến bảo tồn in situ, hiện nay xu thế là kết hợp 2 phương pháp này thành chiến lược bảo tồn tương hỗ (complement strategy).

Liên Xô cũ là nước đi tiên phong trong nhiệm vụ bảo tồn quỹ gen cây nông nghiệp: Thành lập Viện Nghiên cứu cây trồng liên bang năm 1924, đang lưu giữ 185.204 mẫu giống của 10.707 loài cây trồng. Mỹ đã xây dựng Ngân hàng gen cây trồng đa dạng di truyền nhất thế giới, đang bảo tồn 464.234 giống của 19.007 loài thực vật. Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước có Ngân hàng gen cây trồng lớn nhất thế giới về số lượng giống. Trung Quốc đang bảo tồn 516.505 mẫu giống của 680 loài, Ấn Độ có 412.731 mẫu giống của 1807 loài. Vương quốc Anh hiện cũng có ngân hàng gen lớn về số lượng mẫu giống với 489.802 mẫu của 4368 loài.

Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan mới tiến hành nhiệm vụ bảo tồn quỹ gen cây nông nghiệp từ đầu những năm 1980, nhưng hiện là những nước và lãnh thổ có đầu tư lớn và có trình độ công nghệ tiên tiến trong bảo tồn quỹ gen. Hiện nay, 135 nước đã có Ngân hàng gen cây trồng Quốc gia. Ngân hàng gen cây trồng quốc tế đầu tiên do Nhóm Tư vấn về Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR) của Liên hợp quốc quản lý là Ngân hàng gen lúa quốc tế của Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) tại Philippines, thành lập năm 1964. Sau Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ nhất về môi trường họp năm 1972, nhiều ngân hàng gen cây trồng của các Viện nghiên cứu nông nghiệp Quốc tế được thành lập.

Đó là Ngân hàng gen Ngô và Lúa mỳ tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế về ngô và lúa mỳ (CIMMYT), Mexico; Ngân hàng gen Sắn tại Trung tâm nông nghiệp nhiệt đới (CIAT), Colombia; Ngân hàng gen Khoai tây và Khoai lang tại trung tâm khoai tây Quốc tế (CIP), Peru; Ngân hàng gen Lạc, Kê và Cao lương tại Viện quốc tế về cây màu nhiệt đới (ICRISAT), Ấn Độ; Ngân hàng gen củ mỡ tại Viện quốc tế về nông nghiệp nhiệt đới (IITA), Nigeria v.v... Cho đến nay trên thế giới đang bảo tồn ex-situ trên 6.000.000 nguồn gen cây nông nghiệp, trong đó 87,0% ở các Ngân hàng gen cây trồng cấp quốc gia, 11,0% ở các Ngân hàng gen cấp quốc tế và 2% của các tổ chức phi chính phủ và tư nhân.

Hiện nay Chiến lược bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật là kết hợp hài hoà hai phương pháp ex-situ và in-situ. Để khắc phục những khiếm khuyết của phương pháp bảo tồn ex-situ đối với việc duy trì quá trình tiến hoá tự nhiên của các loài và giống cây trồng được phát hiện từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước, từ đầu thập kỷ 90 các nghiên cứu toàn cầu bắt đầu tập trung vào bảo tồn in-situ, từng bước khôi phục lại vấn đề tiến hoá tự nhiên ở cây trồng như đã có trước thời kỳ Cách mạng xanh. Bảo tồn in-situ các loài và giống cây nông nghiệp ngắn ngày tức là bảo tồn các loài và giống đó trên đồng ruộng của nông dân nên còn được gọi là bảo tồn nông trại.

Các nước kinh tế phát triển đã hình thành đầy đủ cơ sở vật chất của bảo tồn ex-situ nên đang quan tâm nhiều đến bảo tồn in-situ. Ngược lại, các nước đang phát triển chưa tạo lập được ngân hàng gen thích hợp để giữ cho không mất nguồn gen của mình nên phải ưu tiên đến bảo tồn ex-situ.

Cũng như nhiều nước đang phát triển khác, nước ta cần ưu tiên đầu tư cho bảo tồn ex-situ để lưu giữ an toàn và ngăn chặn mất mát nguồn gen đang diễn ra rất nhanh, đồng thời xúc tiến bảotồn in-situ để hỗ trợ cho bảo tồn ex-situ trong việc duy trì quá trình tiến hóa tự nhiên của cây nông nghiệp.

Có hai tổ chức chuyên môn quốc tế về bảo tồn quỹ gen cây nông nghiệp là Viện Tài nguyên di truyền thực vật quốc tế (IPGRI), thành lập năm 1972 do CGIAR quản lý có chức năng tư vấn kỹ thuật cho các nước, chủ yếu là các nước đang phát triển; Hai là Uỷ hội Tài nguyên di truyền thực vật phục vụ mục tiêu lương nông của FAO thành lập năm 1982, làm diễn đàn chung cho các nước đàm phán tất cả các vấn đề liên quan tới đa dạng sinh học nông nghiệp, tài nguyên di truyền thực vật lương nông và các công nghệ sinh học liên quan.

Ngoài ra còn có Tổ chức sở hữu trí tuệ quốc tế (WIPO), là tổ chức liên chính phủ được thành lập năm 1967 nhằm xúc tiến sở hữu trí tuệ toàn cầu. Tháng 3 năm 1998, Ban điều hành của WIPO đã phê chuẩn một chương trình về các vấn đề sở hữu quốc tế toàn cầu bao gồm đa dạng sinh học, quyền con người và sở hữu bản địa được thực hiện thông qua các hoạt động nghiên cứu, xuất bản và tư vấn. WIPO cũng có Uỷ ban liên chính phủ về kiến thức truyền thống, tài nguyên di truyền và văn hoá dân gian./.

Nguyễn Văn Đĩnh