Mới đây, Công ty Simexco DakLak đã tổ chức lễ công bố vùng sản xuất cà phê tuân thủ Quy định về sản phẩm không gây mất rừng và suy thoái rừng của Liên minh châu Âu (EUDR). Tại buổi lễ, đại diện Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trao 2 chứng nhận của tổ chức 4C chứng nhận về 2 vùng trồng đáp ứng tiêu chuẩn EUDR với gần 8.000 nông dân, diện tích 9.500 ha và sản lượng trên 35.000 tấn cho lãnh đạo Simexco DakLak.
Tại lễ công bố, đánh giá cao những nỗ lực của Simexco DakLak trong những năm vừa qua, ông Nguyễn Thiên Văn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: Simexco DakLak được công nhận có 2 vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn EUDR đầu tiên của thế giới còn góp phần nâng tầm vị thế nông sản của địa phương nói riêng và cả nước nói chung trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, sự kiện này đánh dấu một "thông điệp" qua trọng gửi đến doanh nghiệp, hộ nông dân trong và ngoài tỉnh rằng yêu cầu của thị trường, đối tác là mệnh lệnh cho nhà sản xuất phải cố gắng thực hiện bằng được. Hiện, đang có 2 vấn đề nóng bỏng toàn cầu mà nước ta đang chịu ảnh hưởng là xung đột vũ trang giữa một số quốc gia và môi trường sinh thái đang chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Từ đó, để hướng tới những yêu cầu khắt khe của thị trường, đặc biệt là khu vực Châu Âu, Simexco DakLak phải hướng đến việc xây dựng vùng nguyên liệu bền vững (chú ý những quy định ngặt nghèo liên quan đến bảo vệ rừng tự nhiên - PV), dây chuyền sản xuất đạt chuẩn được cấp có thẩm quyền chứng nhận... để đưa nông sản của địa phương tiếp tục có chỗ đứng trên thị trường quốc tế.
“UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn tất cơ sở dữ liệu liên quan đến đất đai, thiết lập vùng trồng cà phê trên địa bàn phải tuân thủ quy định EUDR; các địa phương phải tập trung cải thiện sinh kế, chuyển đổi cây trồng cho người dân... Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm bảo đảm uy tín của nông sản địa phương, tuyệt đối không đưa sản phẩm trồng, lấn chiếm đất rừng tự nhiên ra thị trường quốc tế”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Lê Đức Huy – Tổng Giám đốc Simexco DakLak khẳng định “Đơn vị đã sẵn sàng mọi nguồn lực để đáp ứng yêu cầu mới của Châu Âu. Chúng tôi hy vọng rằng đây cũng sẽ là tiền đề và động lực để nhân rộng quy mô đến những vùng trong chuỗi liên kết bền vững của Công ty. Simexco tin rằng với sự nổ lực của tất cả các đối tác, các bên liên quan, cùng nhau chúng ta sẽ đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong đáp ứng yêu cầu của Châu Âu về sản xuất cà phê không gây mất rừng và suy thoái rừng-EUDR”.
Simexco đã đạt thỏa thuận biên bản ghi nhớ (MoU) đưa sản phẩm cà phê tuân thủ quy định EUDR đến các doanh nghiệp nhập khẩu tại cảng Châu Âu. Sự hợp tác này nhận được sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, các cơ quan hữu quan, và các hiệp hội của 8 đơn vị tham gia ký kết.
Thời gian đến, Simexco cam kết tiếp tục nỗ lực cùng các hộ sản xuất sẽ tiên phong về những sáng kiến phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; cụ thể chúng tôi đa xây dựng đến năm 2030 vùng nguyên liệu 5000 ha sẽ cân bằng phát khí thải, và 1000 ha có thể bán chứng chỉ carbon. Canh tác bền vững và bảo vệ môi trường sẽ giúp cho bàn con nông dân có được thu nhập tốt và tốt hơn từ nay trở đi.- ông Lê Đức Huy nhấn mạnh.
Chứng nhận EUDR tại Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị và triển khai ban đầu, với nhiều doanh nghiệp và ngành công nghiệp đang tìm cách hiểu và thích ứng với các yêu cầu của quy định này. Kể từ khi quy định EUDR được thông qua vào năm 2021 và dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2024, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những người hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu các sản phẩm có nguy cơ cao như cà phê, cao su, gỗ, và dầu cọ, đã phải đối mặt với áp lực lớn để đáp ứng các tiêu chuẩn mới./.