Phát triển bền vững ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số

Cục Bản quyền tác giả vừa phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam và Liên minh Sáng tạo nội dung số tổ chức tại Hà Nội diễn ra tọa đàm Bản quyền và Phát triển bền vững ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số.
noi-dung-so-doanh-nghiepkinh-te-1713368797.jpg
Cục Trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng phát biểu tại tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, Cục Trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng cho biết: Theo số liệu khảo sát công bố năm 2021 của WIPO về đóng góp kinh tế của các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên bản quyền thì tại các nước phát triển như Hoa Kỳ đóng góp này chiếm khoảng 11,99% GDP, Hàn Quốc là 9,89% GDP, Pháp là 7,02% GDP, Australia là 6,8% GDP, Singapore là 6,19%GDP, Canada là 6,15% GDP, Trung Quốc là 7,35% GDP, Malaysia là 5,7% GDP và Thái Lan là 4.48% GDP, Indonesia là 4,11% GDP… Những số liệu này cho thấy việc bảo hộ hiệu quả bản quyền có vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia.

Tại Việt Nam, qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên số liệu có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%. Đến năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).

Hiện nay, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã có những bước phát triển mới về mặt công nghệ và cách thức tiếp cận công chúng; khía cạnh thương mại của các ngành công nghiệp văn hóa cũng đang được chú trọng phát triển.

noi-dung-so-doanh-nghiep-kinh-te-xanh1-1713368825.jpeg
Tại toạ đàm, các đại biểu tham dự đề nghị Nhà nước cũng cần có chế tài xử lý mạnh mẽ hơn nữa đối với các trường hợp vi phạm bản quyền.

"Chính vì vậy, làm tốt công tác bảo hộ bản quyền tác giả, quyền liên quan là một trong những yếu tố quan trọng để chúng ta hướng tới xây dựng nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh; đóng góp ngày càng nhiều vào GDP, tạo thêm nhiều việc làm và tăng kim ngạch xuất khẩu của đất nước", ông Trần Hoàng nhấn mạnh.

Tại tọa đàm các đại biểu, chuyên gia đã trao đổi các vấn đề liên quan đến chính sách bản quyền, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa và các công cụ hỗ trợ thúc đẩy bảo vệ bản quyền cho ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số.

Việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong phát triển công nghiệp văn hóa hiện nay có vai trò ngày càng quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, ngành công nghiệp văn hóa cũng đang đứng trước những thách thức lớn trong việc bảo vệ bản quyền các sản phẩm. Bởi hoạt động sao chép ngày càng trở nên dễ dàng; việc tự bảo vệ quyền của chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý , thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan còn nhiều khó khăn.

noi-dung-so-doanh-nghiep-kinh-te-xanh-2-1713369004.jpgBảo vệ bản quyền các sản phẩm công nghiệp văn hóa sẽ đảm bảo nguồn thu cho các doanh nghiệp.

Bảo vệ bản quyền các sản phẩm công nghiệp văn hóa sẽ đảm bảo nguồn thu cho các doanh nghiệp, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số, Hội Truyền thông số Việt Nam Hoàng Đình Chung cho biết: Thực thi bảo hộ bản quyền nói chung, bản quyền trong công nghiệp văn hóa nói riêng nghiêm túc, hiệu quả, không chỉ những người sáng tạo và doanh nghiệp đảm bảo nguồn thu mà còn góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước. Đồng thời giúp khẳng định thương hiệu quốc gia, thể hiện cam kết mà Việt Nam đã ký với quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan.

Do vậy, để bảo vệ bản quyền đối với các sản phẩm công nghiệp văn hóa hiện nay những người sáng tạo và chủ doanh nghiệp cần nâng cao ý thức về bảo vệ sở hữu trí tuệ trong mọi khâu trong quá trình hình thành, hoạt động và phát triển doanh nghiệp. “Không những bảo vệ quyền của mình mà còn phải dũng cảm từ chối sử dụng tài sản trí tuệ của người khác mà không có thỏa thuận chuyển giao. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chế tài xử lý mạnh mẽ hơn nữa đối với các trường hợp vi phạm bản quyền", ông Chung nhận định./.

Kim Bằng - Trần Minh