Gia đình ông Doãn Thanh ở xã Thuận An (huyện Đắk Mil) có 1,2ha trồng cà phê. Sản lượng cà phê gia đình ông Thanh thu được mỗi năm vào khoảng 5 tấn. Trong cao điểm mùa khô hạn như hiện nay, ông Thanh vừa mới tưới đợt 3 cho cà phê. Vườn cà phê của ông chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi khô hạn một phần vì có hệ thống nhiều loại cây che bóng mát như mít, muồng, phượng rừng.
Ông Thanh cho biết hệ thống cây lấy bóng mát dày đặc này được gia đình trồng cách đây trên 20 năm. Hiện nay hầu hết chúng đã lớn, có thể tạo ra bóng mát và chắn gió rất tốt. Nhờ có những loại cây trên nên nhiệt độ cả khu vườn luôn được điều hòa, trở nên mát mẻ hơn so với những nơi khác trong vùng. Đồng thời, số cây che bóng, chắn gió còn tạo ra hệ sinh thái vườn ổn định, làm giảm tốc độ bốc hơi nước. Vì thế nên độ ẩm đất, dinh dưỡng trong đất duy trì tốt hơn.
Thêm vào đó, ông Thanh còn thường xuyên cắt tỉa cành, tạo tán đúng cách cho các loại cây tạo bóng mát. Vườn cà phê của ông vì thế ít bị chịu tác động bởi các loại sâu bệnh phát sinh như rệp sáp hay nấm hồng. Đặc biệt, nhờ hệ thống cây che bóng, chắn gió mà ông Thanh có thể tiết kiệm được nước tưới, vật tư, công lao động. “Có cây che bóng, chắn gió nên vào vườn cà phê tôi cảm giác nhiệt độ thấp hơn khoảng 1 độ C đến 2 độ C so với bên ngoài” - ông Thanh nhấn mạnh.
Áp dụng phương pháp tương tự như ông Thanh, gia đình ông Phạm Ngọc ở xã Nhân Cơ (huyện Đắk R’lấp) cũng bảo vệ vườn cây hồ tiêu với hệ thống cây rừng che bóng mát và chắn gió xung quanh. Cây tạo bóng mát đồng thời cũng là trụ sống để cho cây tiêu leo bám, được ông dùng chủ yếu là cây muồng. Hàng năm, hệ thống cây này, tiết kiệm cho ông Ngọc một khoản chi phí lớn nước tưới cho cây trồng.
Ông Ngọc cho biết 4ha hồ tiêu của gia đình mình được canh tác theo hướng thuận tự nhiên, hữu cơ. Chúng đã thành công tạo ra được hệ sinh thái khá ổn định trong bối cảnh hạn hán, thiếu nước. Điều đó giúp ông Ngọc bảo đảm được năng suất, sản lượng vườn tiêu của ông ổn định trong nhiều năm liền với mức thu hoạch 3 tấn/ha.
Ông Ngọc cho biết thêm trong tình hình khô hạn, thiếu nước trên địa bàn tỉnh ngày càng gay gắt thời gian vừa qua thì việc trồng các loại cây chắn gió, che bóng cho vườn cây lâu năm đã chứng tỏ là một cách làm hiệu quả và phù hợp. Nó đem lại lợi ích về nhiều mặt cho nông dân mà trước hết là lợi ích về kinh tế.
Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), tình hình khô hạn đã làm cho các loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu, điều gặp nhiều trở ngại trong quá trình thụ phấn, tỷ lệ đậu quả thấp và làm giảm năng suất. Ngoài ra, nhiều loại cây trồng khác cũng ảnh hưởng đến sinh trưởng, dễ có nguy cơ mất mùa bởi vì thiếu nước tưới.
Bên cạnh đó, xu hướng thời tiết ngày càng nóng hơn cũng là một tác nhân khiến cho các loài sâu có hại phát triển nhanh và khó dự báo. Một số loài sâu bệnh như bệnh rệp sáp, nấm hồng tấn công cây cà phê; bệnh chết nhanh - chết chậm trên cây tiêu; rầy nâu hại lúa; bọ xít muỗi hại điều, cacao… đã làm thiệt hại đáng kể đến năng suất, chất lượng nông sản của tỉnh trong thời gian qua.
Nhờ vườn cây có che bóng và chắn gió, tác động tiêu cực của khô hạn được hạn chế tối đa. Mật độ cây che bóng nếu được bố trí phù hợp sẽ ít gây ảnh hưởng đến các loại cây công nghiệp chính như cà phê, hồ tiêu. Cây che bóng mát và chắn gió còn giúp ổn định chất lượng nông sản qua từng năm, hạn chế tình trạng “năm nay được mùa, năm sau mất mùa”.
Trồng các loại cây tán rộng, cho bóng mát và chắn gió để bảo vệ các loại cây công nghiệp dài ngày đã được nông dân Đắk Nông chứng tỏ được hiệu quả. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, đây là giải pháp thích ứng đầy sáng tạo cần được nhà nông ở các địa phương khác của Tây Nguyên áp dụng và phổ biến rộng rãi trong nhiều năm sắp tới./.