“Bản hòa âm trên cao nguyên” – Ngày thơ Việt Nam giàu cảm xúc tại Đắk Lắk

Hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 năm 2024, ngày 24/2 vừa qua Đắk Lắk đã tổ chức thành công Ngày thơ Việt Nam với chủ đề “Bản hoà âm trên cao nguyên”.

Ngày thơ Việt Nam tại Đắk Lắk được tổ chức bởi Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk phối hợp với Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch, UBND TP Buôn Ma Thuột. Tham dự sự kiện này có bà Huỳnh Thị Chiến Hòa - Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Huỳnh Chiến Thắng - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; ông Nguyễn Thiên Văn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tại địa phương. Ngoài ra, nhiều văn nghệ sĩ và đông đảo công chúng yêu thơ cũng đến góp mặt.

tho-1-1708937188.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - ông Nguyễn Thiên Văn phát biểu khai mạc Ngày thơ Việt Nam tại Đắk Lắk.

Phát biểu khai mạc chương trình, đồng chí Nguyễn Thiên Văn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết “Bản hòa âm cao nguyên” của Ngày thơ Việt Nam tại Đắk Lắk năm nay là một hoạt động ý nghĩa chào mừng 94 năm Ngày thành lập Đảng và kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh (22/11/1904- 22/11/2024). “Mong rằng các văn nghệ sĩ sẽ tiếp tục có thêm nhiều tác phẩm mới, đóng góp cho sự nghiệp phát triển của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và nền văn học nghệ thuật chung của nước nhà”.

tho-1708937270.jpg
“Sắc xuân vùng cao H’Mông” - tiết mục múa đặc sắc tại Ngày thơ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk.

Không gian Ngày thơ Việt Nam tại Đắk Lắk lần này là một “bữa tiệc” văn hóa đầy màu sắc và cảm xúc. Chương trình là sự kết nối hòa nhịp giữa trình diễn thơ, âm nhạc, hội họa; nền văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên cùng hoạt động văn học nghệ thuật phong phú. Một số hoạt động đáng chú ý như: trình diễn cồng chiêng; múa rồng, trình diễn trích đoạn các tác phẩm văn học; trưng bày, giới thiệu tác phẩm thơ ca của các tác giả; hoạt động kết nối giữa nhà thơ với công chúng yêu thơ ca và văn học nghệ thuật; triển lãm ảnh, tác phẩm mỹ thuật, điêu khắc, trưng bày sách…

tho-7-1708937298.jpg

Hoạt động viết chữ thư pháp nghệ thuật tại chương trình.

Bên cạnh đó, chương trình còn có nhiều hoạt động đặc sắc khác như thư pháp nghệ thuật; giới thiệu nghệ thuật đan móc bằng len, sợi; nặn tò he; ký họa chân dung; giới thiệu nhạc cụ truyền thống giao lưu đánh chiêng. Đặc biệt, nhiều đoạn thơ được Ban tổ chức thiết kế in trên phướn, pano, tranh thư pháp, … nhận được sự yêu thích và đánh giá cao. Nó giúp công chúng dễ dàng tiếp nhận các tác phẩm thơ ca các nhà thơ lớn một cách dễ dàng.

tho-4-1708937330.jpg
Ngoài công chúng yêu văn học nghệ thuật, Ngày thơ Việt Nam tại Đắk Lắk cũng thu hút sự quan tâm của các em học sinh.

Chủ tịch Hội văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk, nhà văn Niê Thanh Mai cho biết Ngày thơ tại Đắk Lắk là sự kiện khởi đầu cho một năm mới với các hoạt động văn học nghệ thuật đặc sắc, có nhiếp ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, văn nghệ dân gian... “Ngày thơ Việt Nam tại Đắk Lắk là sự kiện đặc biệt có ý nghĩa, đậm đà bản sắc văn hoá các dân tộc, góp phần lan tỏa đến công chúng tình yêu thơ nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung”, bà Niê Thanh Mai khẳng định.

tho-3-1708937358.jpg
Các đại biểu thực hiện nghi thức thả thơ tại sự kiện.

Nhân sự kiện này, Hội văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk đã phát động đợt sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh, đồng thời trao giấy chứng nhận cho các tác giả đạt giải đồng hạng tại cuộc thi Ảnh nghệ thuật Marathon “Mùa xuân trên thành phố Buôn Ma Thuột”; thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”. Ngoài ra, UBND TP Buôn Ma Thuột còn trao tặng bộ chiêng cho đội chiêng Mường, xã Hòa Thắng.

tho-6-1708937580.jpg
Phần trao Giấy chứng nhận Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Marathon “Mùa xuân trên thành phố Buôn Ma Thuột”.

Hồng Giang