Lễ hội Mường Khô được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Hội Mường Khô là một trong lễ hội truyền thống của người Mường cổ tại Bá Thước (Thanh Hóa). Trải qua hàng trăm năm gìn giữ và phát triển, Lễ hội đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
muong-kho-1708332529.jpg
Lễ hội Mường Khô được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2024.

Sáng 19/2, tại thôn Muỗng Do, xã Điền Trung huyện Bá Thước đã long trọng tổ chức Lễ hội Mường khô năm 2024 và đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Mường Khô.

Dự buổi lễ có: Bà Cao Thị Xuân - Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, ông Trịnh Tuấn Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa, ông Đầu Thanh Tùng - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo Cục Di sản văn hóa và một số sở, ban, ngành cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố.

Lễ hội Mường Khô hình thành từ thế kỷ 18, bắt nguồn từ một dòng họ nổi tiếng của người Mường Khô nay là xã Điền Trung huyện Bá Thước, với bao bậc văn nhân, chí sĩ đã có những công lao to lớn, đóng góp vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

muong-kho-1-1708332621.jpg
Ông Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư tỉnh Thanh Hóa đánh cồng khai hội.

Nơi đây đã xuất hiện một vị lang Mường ưu tú, đó là Quận công Khâm sai Chánh thống lãnh Thượng đạo trấn Thanh Hóa Hà Công Thái - ông là người có công lao rất lớn đối với vương triều Nguyễn. Quan hệ của ông và chúa Nguyễn Ánh được xây dựng từ khi còn ở trấn biên Gia Định.

Ông không những đã giúp vua Gia Long gìn giữ vùng biên cương phía Tây Thanh Hóa, mà còn giúp vua trong cuộc trường trinh tiến quân ra Bắc Hà giành lấy Thăng Long, thống nhất đất nước. Công lao và tên tuổi của ông đối với triều Nguyễn được sử sách lưu danh mãi muôn đời sau.

Để ghi nhớ công lao vị Quận Công đất Mường Khô, người anh hùng của dân tộc và các anh hùng, sỹ phu đất Mường Khô đã có công với nước, cuối thế kỷ 19, Nhân dân và dòng họ Hà Công đã lập đền thờ ông (hay còn gọi là chùa Mèo), tại thôn Muỗng Do, xã Điền Trung.

muong-kho-2-1708332668.jpg
Ông Đầu Thanh Tùng, Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa phát biểu trong buổi lễ.

Từ đó đến nay, nơi đây đã trở thành chốn tâm linh của đất Mường Khô nói riêng, huyện Bá Thước nói chung và Lễ hội Mường Khô bắt đầu xuất hiện từ đây. Hằng năm, vào ngày 10 tháng Giêng, các xã thuộc xứ Mường Khô và huyện Bá Thước lại hân hoan tổ chức Lễ hội Mường Khô.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa, những năm qua, huyện Bá Thước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, một trong những động lực tạo nên bản sắc và sức mạnh nội sinh trong quá trình phát triển của huyện.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng chúc mừng và biểu dương Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Bá Thước nói chung, đặc biệt là các thế hệ nghệ nhân và người dân của 5 xã: Điền Trung, Điền Lư, Điền Quang, Điền Hạ, Điền Thượng đã nỗ lực, chung sức, đồng lòng gìn giữ, bảo tồn, duy trì và phát huy di sản văn hóa quý giá của Lễ hội Mường Khô để hôm nay Lễ hội Mường Khô được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và sẽ tiếp tục tỏa sáng trong dòng chảy văn hóa của dân tộc.

Sự kiện đón nhận và vinh danh Lễ hội Mường Khô là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia hôm nay, vừa là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cao về trách nhiệm của các cấp, các ngành của tỉnh và huyện Bá Thước; về trách nhiệm của các thế hệ nghệ nhân và cộng đồng các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Bá Thước trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản.

Để tiếp tục tạo sức sống mới, sự lan tỏa và truyền cảm hứng mạnh mẽ các giá trị lịch sử - văn hóa của Lễ hội Mường Khô, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Bá Thước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị có liên quan triển khai nghiêm túc, hiệu quả việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản, đồng thời tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ hơn nữa các giá trị của Lễ hội Mường Khô.

Đặc biệt, cần xác định phải gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản bằng tâm huyết, tấm lòng, niềm tự hào, nội lực, để các giá trị lịch sử - văn hóa của Lễ hội Mường Khô được gìn giữ, phát triển và lan tỏa mạnh mẽ, rộng rãi hơn nữa trong cộng đồng.

Nâng cao ý thức về bản sắc và trách nhiệm của người dân địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quảng bá, giới thiệu rộng rãi về Lễ hội Mường Khô nói riêng và các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện Bá Thước nói chung để cả tỉnh, cả nước biết đến nhiều hơn, qua đó thêm yêu quý, trân trọng về lịch sử - văn hóa, đất và người huyện Bá Thước./.

Hà Khải