Bắc Ninh xây dựng 3 vùng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản tập trung

Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương sẽ xây dựng, hình thành 3 vùng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản tập trung. Trong đó, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là định hướng chính trong phát triển nông nghiệp.
screenshot-2024-06-03-122003-1717392057.png
Sản xuất thủy sản theo hướng đa dạng hóa đối tượng và phương pháp nuôi gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Ảnh PV

Với mục tiêu phấn đấu tăng trưởng bình quân thời kỳ 2021-2025 đạt khoảng 1 - 2%/năm, thời kỳ 2026-2030 đạt khoảng 1-1,5%/năm. Giảm tỷ trọng đóng góp trong GRDP của tỉnh xuống còn 2,3% năm 2025, và 1,66% năm 2030; giảm số lao động hoạt động trong ngành còn dưới 10%. Trong đó, tốc độ tăng năng suất lao động của ngành đạt bình quân 15% giai đoạn 2021-2025 và 14% giai đoạn 2026-2030.
 
Đối với vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung ở khu vực Nam sông Đuống, gồm thị xã Thuận Thành, huyện Gia Bình và Lương Tài gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, làng nghề. Định hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp; chuyển đổi sang các loại sản phẩm hàng hóa mới, làm gia tăng giá trị sản phẩm nông sản, thích ứng với nhu cầu thị trường bên cạnh những sản phẩm đã có thương hiệu.

Trong đó, phát triển vùng sản xuất và chế biến lúa chất lượng cao (huyện Lương Tài, huyện Gia Bình) với quy mô khoảng 5.000 ha; các vùng sản xuất rau, củ quả an toàn tập trung quy mô lớn tại các huyện: Gia Bình (khoảng 600 ha), Lương Tài (khoảng 550 ha), thị xã Thuận Thành (khoảng 400 ha). Hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung, quy mô từ 5 ha trở lên tại  huyện Gia Bình, thị xã Thuận Thành, chuyên trồng cam canh, cam các loại, bưởi Diễn, bưởi da xanh, chuối, ổi, táo...

Về vùng chăn nuôi, thủy sản tập trung có diện tích từ 10 ha trở lên tại các huyện Lương Tài, Gia Bình, kết hợp ứng dụng công nghệ cao đẩy mạnh nuôi cá thâm canh, siêu thâm canh trong ao. Phát triển vùng chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư quy mô khoảng 40.000 con. 
 
Ngoài ra, chủ động nguồn giống vật nuôi theo hướng ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới và công nghệ sinh học trong sản xuất con giống; nuôi giữ, bảo tồn, nhân giống, phát triển giống gà Hồ đặc sản của tỉnh để cung cấp cho thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
 
Qua đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án: Sản xuất, chế biến và bảo quản các sản phẩm nông sản tại huyện Lương Tài; thu hút đầu tư nhà máy giết mổ tập trung và chế biến thực phẩm tại khu công nghiệp huyện Gia Bình; xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô nhỏ tại huyện Lương Tài; xây dựng các trang trại chăn nuôi kết hợp nuôi trồng thủy sản tại huyện Gia Bình, Lương Tài; phát triển các khu sản xuất rau, củ quả theo hướng hữu cơ. Tăng cường số hóa công tác quản lý các hoạt động chăn nuôi, các cơ sở chăn nuôi, đánh giá cung cầu để phát triển theo cơ chế, nhu cầu thị trường.

Vùng nông nghiệp đô thị tập trung bao gồm thị xã Quế Võ, các huyện Tiên Du, Yên Phong, thành phố Bắc Ninh và thành phố Từ Sơn với định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng hệ thống trang trại quy mô lớn, hiện đại. Chú trọng áp dụng các mô hình canh tác thông minh kết hợp thương mại, dịch vụ, hướng tới phát triển nông nghiệp tuần hoàn nhằm giảm thiểu chất thải và tác động môi trường, nâng cao năng suất và rút ngắn chuỗi cung ứng.

Tại các khu vực này sẽ phát triển các vùng sản xuất rau, củ, quả an toàn tập trung tại thị xã Quế Võ, các huyện Tiên Du, Yên Phong; ổn định vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại thị xã Quế Võ; xây dựng khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (thị xã Quế Võ và huyện Tiên Du); thu hút đầu tư xây dựng 1 cơ sở chăn nuôi gia súc ứng dụng công nghệ cao tại huyện Yên Phong; thu hút đầu tư các dự án áp dụng mô hình canh tác thông minh (huyện Yên Phong, Tiên Du, thành phố Từ Sơn); xây dựng nhà máy giết mổ tập trung và chế biến thực phẩm tại KCN Quế Võ...

Đối với vùng nông nghiệp - dịch vụ ven sông Đuống, tận dụng đất bãi bồi 2 bên bờ sông Đuống kết hợp với cảnh quan sông nước để phát triển nông nghiệp kết hợp dịch vụ và du lịch. Quy mô vùng đất bãi khoảng 2.500 ha nằm 2 bên bờ sông Đuống, vị trí thuận lợi gần các khu, cụm công nghiệp của thị xã Thuận Thành, Quế Võ và các huyện Gia Bình, Tiên Du. 

Tại khu vực này sẽ phát triển các vùng trồng nguyên liệu ứng dụng công nghệ cao với các loại cây công nghiệp ngắn ngày, các cánh đồng hoa, các loại cây dược liệu, cây gia vị, cây ăn quả... Xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến, chiết xuất, xây dựng 1 khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

Cùng với đó, tập trung phát triển nhóm sản phẩm đặc sản theo chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm (OCOP); phát triển các vùng sản xuất tập trung với các cây trồng, vật nuôi có lợi thế của tỉnh như: lúa năng suất cao, chất lượng cao, cây cà rốt, khoai tây, hành tỏi, rau các loại, lúa, lợn, gà, cá...

Thời gian tới, Bắc Ninh tập trung thực hiện các giải pháp về quy hoạch, đất đai; tổ chức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản; ứng dụng KH&CN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn; phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và các giải pháp về cơ chế, chính sách, thông tin tuyên truyền, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường hàng hóa nông lâm thủy sản

Phấn đấu đến 2050, tỉnh Bắc Ninh có nền nông nghiệp phát triển với ngành công nghiệp chế biến nông sản và thực phẩm hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hoà với đô thị./.

Trần Quỳnh