Bắc Ninh xử lý 46 trường hợp vi phạm về đê điều và công trình thủy lợi

Nhằm tăng cường xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều và công trình thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh Bắc Ninh xây dựng, ban hành Kế hoạch xử lý vi phạm Luật Đê điều, Luật Thủy lợi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2024, đồng loạt ra quân cao điểm xử lý vi phạm từ ngày 1/8 đến ngày 1/9/2024.
de-dieu-1717130112.jpg
Tăng cường công tác kiểm tra, bảo vệ an toàn hành lang đê điều và công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Ảnh minh họa

Từ đầu năm 2024 đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh đã phát hiện, lập biên bản và kiến nghị chính quyền các địa phương xử lý 46 trường hợp hợp vi phạm pháp luật về đê điều và công trình thủy lợi mới phát sinh.

Cụ thể, các vi phạm chủ yếu là xây dựng công trình kiên cố, nhà cấp 4, công trình phụ, nhà tạm, tường rào, tường bao, đào ao, xẻ đê làm dốc lên xuống, đổ rác thải, vật liệu xây dựng trên thân đê, công trình thủy lợi...

Trong đó, xử lý dứt điểm được 5 trường hợp cố tình tập kết bìa cát tông, dựng cột thép, trồng cây trên bờ kênh tiêu và xây tường, đắp ao lấn chiếm lòng sông thuộc địa bàn các xã: Phú Lâm, Tân Chi (huyện Tiên Du); Quảng Phú, Lâm Thao (huyện Lương Tài).

Trước tình hình trên, để tăng cường xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều và công trình thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh Bắc Ninh xây dựng, ban hành Kế hoạch xử lý vi phạm Luật Đê điều, Luật Thủy lợi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2024. Trong đó, tập trung tổ chức rà soát, phân loại vi phạm về đê điều, công trình thủy lợi; đánh giá mức độ vi phạm đối với từng trường hợp và đưa ra các mốc thời gian, các trường hợp cụ thể phải xử lý trong năm 2024, 2025 và năm 2026; đồng loạt ra quân cao điểm xử lý vi phạm từ ngày 1/8 đến ngày 1/9/2024.

Bên cạnh đó, xác định rõ trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp xã, ngành Nông nghiệp trong công tác phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm Luật Đê điều, Luật Thủy lợi trên địa bàn.

Đối với UBND cấp huyện xây dựng, ban hành Kế hoạch chi tiết xử lý các vi phạm, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi cho các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, bố trí, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, phương án tổ chức cưỡng chế các trường hợp vi phạm cố tình không tự giác tháo dỡ theo quy định.

Đặc biệt là trong mùa mưa lũ 2024, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, đe dọa tới an toàn đê, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Để góp phần bảo vệ an toàn cho hệ thống đê điều và công trình thủy lợi cũng như cuộc sống của người dân, rất cần sự tập trung cao của các cấp, các ngành chức năng, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cấp cơ sở, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm ngay từ khi mới phát sinh.

Trước đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn đã ký Văn bản số 227/QĐ-UBND, phê duyệt Kế hoạch tu bổ đê điều năm 2024 với tổng kinh phí đầu tư dự kiến 115 tỷ đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao kiểm tra, chỉ đạo chủ đầu tư (Chi cục Thủy lợi) và các đơn vị có liên quan trong quá trình thực hiện. Trong đó, Chi cục Thủy lợi chịu trách nhiệm về việc đề xuất danh mục các công trình; tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch theo đúng quy định, trình tự về đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành./.

Trần Quỳnh