Bắc Ninh tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi

Nhằm chủ động ngăn chặn nguy cơ và có biện pháp cấp bách phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản số 1754/UBND-NN yêu cầu các địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung nguồn lực, thực hiện quyết liệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh.
dich-ta-lon-chau-phi-1716784783.jpg
Dịch tả lợn châu Phi vẫn luôn là mối lo đáng ngại trong chăn nuôi. Ảnh minh họa

Trong văn bản nêu rõ, từ tháng 4/2024 đến nay, bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có dấu hiệu bùng phát. Dịch bệnh đã xảy ra tại 16 hộ chăn nuôi thuộc địa bàn 8 thôn, khu, 6 xã, phường của 4 huyện, thị xã, thành phố: Lương Tài, Gia Bình, Thuận Thành, Từ Sơn, làm 140 con lợn mắc bệnh, chết, buộc tiêu hủy.

Trước tình hình trên, để chủ động ngăn chặn nguy cơ bệnh DTLCP phát sinh, lây lan, UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập các Đoàn công tác do lãnh đạo Sở làm trưởng đoàn đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống bệnh dịch bệnh động vật tại các huyện, thị xã, thành phố. Bố trí cán bộ chuyên môn tăng cường bám sát cơ sở để nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh; tổ chức lấy mẫu giám sát, lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại vắc xin, vật tư, hóa chất phục vụ công tác tiêm phòng, phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường phối hợp với lực lượng Thú y, Công an, Thanh tra giao thông của tỉnh... tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch trên thị trường nhằm ngăn chặn bệnh DTLCP và các dịch bệnh động vật khác.

Đối với Báo Bắc Ninh, Đài PT&TH tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh DTLCP cho đàn vật nuôi nói chung, đàn lợn nói riêng để người dân không hoang mang; chủ động áp dụng các biện phòng bệnh, thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng dẫn của cơ quan Thú y.

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh DTLCP tại các xã, phường, thị trấn. Trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ bệnh, không để dịch bệnh phát sinh; tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết.

Ngoài ra, tăng cường cán bộ chuyên môn kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn lợn, đặc biệt lưu ý những nơi có ổ dịch, nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, phát hiện sớm các ổ dịch và xử lý kịp thời không để lây lan ra diện rộng; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác lợn chết ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây bức xúc cho nhân dân và cộng đồng; báo cáo kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh theo đúng quy định.

Dịch tả lợn Châu Phi có thể lây lan nhanh và xảy ra ở mọi loài lợn, mọi lứa tuổi của lợn và tỉ lệ chết gần như 100% với lợn nhiễm bệnh. Virus gây bệnh dịch tả lợn có trong máu, cơ quan, dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh dịch tả Châu Phi. Các phương pháp phòng tránh bao gồm: Thường xuyên vệ sinh, sát trùng tại cơ sở chăn nuôi, các phương vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi, các chợ điểm bán buôn, giết mổ lợn và các sản phẩm thải của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất; Vệ sinh cá nhân những người tham gia chăn nuôi; Phát hiện cách ly lợn bị bệnh và nghi bị bệnh; Diệt các nguồn bệnh như ruồi, muỗi để tránh mang mầm bệnh phát tán ra bên ngoài; Không mua, bán thịt lợn không có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng thức ăn thừa hay chưa được nấu chín từ lợn./.

Trần Quỳnh