Ấn tượng vị thủ lĩnh ngành dược Việt Nam

Giữa mùa Thu Hà Nội, Thầy thuốc ưu tú Trần Tựu hẹn gặp chúng tôi tại khuôn viên một thư viện trên cao rất thơ mộng, với tầm nhìn ra hồ Hoàn Kiếm. Riêng việc chọn địa điểm đó để gặp nhóm 5 nữ nhà văn, dịch giả Hà Nội cũng đã cho thấy sự tinh tế của ông.

Quả vậy, cuộc đời giàu trải nghiệm, nhiều thăng trầm của Dược sĩ Trần Tựu, một ngôi sao ngành Dược, một vị thủ lĩnh trong đổi mới, sáng tạo của ngành đã tạo nên một danh nhân thật sự ấn tượng trong mắt các nữ sĩ, những người còn chưa kịp ra đời khi ông nhập ngũ chiến đấu, góp phần giải phóng đất nước.

Có lẽ tôi cần viết rõ thêm về cuộc gặp với Trần Tựu, hiện là một doanh nhân uy tín trong ngành sản xuất dược phẩm. Qua nhà thơ Trần Sĩ Tuấn, nguyên Tổng Biên tập báo Sức khỏe và đời sống, ông Trần Tựu muốn ra Hà Nội gặp nhà văn Phạm Vân Anh, một thành viên Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội, để nhờ cô hợp tác trong một dự án viết cuốn sách về con đường thành lập và phát triển của Savipharm, do ông là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc. Do lịch làm việc của Phạm Vân Anh rất bận rộn, nên cô khéo léo gợi ý ông nhập lịch gặp cô với buổi gặp gỡ chụp hình của Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội. Ông đã vui vẻ nhận lời, và thay vì chỉ gặp Phạm Vân Anh, Trần Tựu đã có một buổi gặp gỡ, trò chuyện thân tình với cả nhóm 5 nữ sĩ gồm Phạm Vân Anh, Đỗ Mai Hòa, Khánh Phương, Võ Như Mai và tôi. Nhờ đó, chúng tôi được nghe ông chia sẻ về cuộc đời dài cống hiến cho sự nghiệp phát triển ngành Dược, với khao khát tận dụng nguồn nguyên liệu dược phẩm của Việt Nam để bào chế thuốc phục vụ người bệnh trong và ngoài nước.

Không những vậy, ông còn là một chiến sĩ quả cảm, một doanh nhân giàu sức sáng tạo, một lãnh đạo sáng suốt, có tầm nhìn xa, là tấm gương cho tuổi trẻ ngành dược nói riêng và cả nước nói chung. Chỉ cần được nói chuyện với ông, lắng nghe ông chia sẻ về từng câu chuyện nhỏ đến lớn của cuộc đời ông, tôi tin rằng, không chỉ 5 nữ sĩ trong Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội, mà bất cứ ai có điều kiện nghe Trần Tựu nói, đều gặt hái được những bài học cuộc sống hữu ích, về phát triển bản thân, về con đường đi của cuộc đời, về lòng biết ơn và sự cống hiến năng lực cho cộng đồng…

thay-tuu-1-1673950899.jpg
Thầy thuốc ưu tú - Dược sĩ Trần Tựu (giữa) cùng Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội.

Bố tôi cũng là người gắn bó cả đời với ngành Dược, cho nên tôi có được nghe danh Trần Tựu, và sau này tìm hiểu thì được biết ông từng được coi như ông vua Cao Sao Vàng, khi Xí nghiệp do ông làm Giám đốc đã chiếm tới 50% thị trường sản xuất Cao Sao Vàng trong nước. Không những thế, nhờ sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong quy trình sản xuất Cao Sao Vàng thập niên 80 do ông Trần Tựu khởi xướng, khiến năng suất tăng từ 60-100% và doanh số xuất khẩu Cao Sao Vàng của ngành Dược Việt Nam sang Liên Xô và một số nước Đông Âu cũng tăng vọt.

Tôi khá ám ảnh khi nghe ông kể về tuổi thơ của mình. Ông sinh ra ở vùng “đồng trắng nước trong” Bình Lục (Hà Nam). Thuở còn nhỏ, nhiều ngày nước ngập trắng cả lối đi, cậu bé Tựu phải dùng cây gậy tre chọc xuống nước dò đường rồi mới dám bước. Đi lại đã khó khăn thế, lại thêm cái đói đeo đẳng gia đình cậu bé cũng như cả làng cậu. Nhà Trần Tựu có 6 anh chị em, và khi cậu lên 6 tuổi thì cha bệnh rất nặng. Thời chiến tranh ác liệt, thuốc men chẳng có, bệnh xá cũng không, cha cậu ho dai dẳng, thế rồi một đêm ông ho rất nhiều và qua đời. Mẹ cậu đã khóc, tiếng khóc xé lòng trong đêm. Trần Tựu khi ấy không chỉ đau đớn, mà trong lòng luôn dày vò bởi câu hỏi lớn “Tại sao cha mình chết?” Cậu tự hỏi rồi lại tự trả lời “Cha chết vì không có thuốc.” Và từ hoàn cảnh không may đó, ngay từ nhỏ, trong tâm trí cậu đã hình thành động lực tìm thuốc cứu người. Sau này lớn lên, động lực ấy thúc đẩy Trần Tựu theo học ngành dược, tận tâm nghiên cứu, suốt đời theo đuổi sự nghiệp phát triển ngành Dược Việt Nam. Năm 1966, anh Trần Tựu nhập học trường Đại học Dược Hà Nội. Đó là những năm cả nước gồng mình trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Anh Tựu cùng bạn học phải về nơi sơ tán tại tỉnh Bắc Giang để học tập. Các anh phải tự xây dựng lán trại để ở, hội trường để học, bếp nấu ăn,… Tựu cùng các bạn vượt núi vào rừng vác nứa về dựng lán. Mọi người chỉ kéo 1-2 bó nứa, riêng Tựu kéo một lúc 6 bó nứa. Nhiều người khen anh tích cực làm việc, có trách nhiệm cao. Nhưng có người ì xèo anh “hâm”, hoặc “diễu võ” để tô điểm cho bản thân. Với Trần Tựu, dù ai muốn nói gì thì nói, anh một mực làm việc theo bản tính chăm chỉ và nỗ lực hết sức, do đã được rèn luyện từ tấm bé. Khi cha anh mất đi, chưa tới 10 tuổi anh từng cùng mẹ “kéo bừa thay trâu” trên cánh đồng làng, được mẹ động viên làm việc với ý chí quật cường, không đầu hàng số mệnh, nên với anh, làm bất cứ việc gì, anh đều vui vẻ, hứng thú để tạo sức mạnh, cho kết quả cao nhất.

Anh học khoa Dược liệu, tiếp cận những môn học dược liệu, bào chế thuốc, sinh hóa, vật lý. Anh yêu thích và tập trung cao độ học các môn: dược liệu, bào chế thuốc, sinh hóa. Lúc ấy, học tập chính là niềm vui, là ý nghĩa sống. Sau khi tốt nghiệp Đại học Dược, anh lập tức tình nguyện đi chiến trường miền Nam, được cử đến phục vụ tại Ban Y tế thuộc Trung ương Cục miền Nam. Đầu xanh tuổi trẻ, với kiến thức ngành Dược, chiến trường B đã trở thành lò luyện vàng đối với anh. Những lần sốt rét rừng, mưa và lũ rừng, lạc đồng đội trên đường hành quân, nguy hiểm rình rập với thú dữ, quân biệt kích đã tôi luyện một người lính chiến dày dạn và dẻo dai. Ngay trong những ngày chiến đấu ác liệt, Trần Tựu đã biến thực tế khắc nghiệt đó thành nguồn cảm hứng, sáng tác những bài hát với những giai điệu tình cảm, tha thiết và truyền đi tình yêu cuộc sống mạnh mẽ, được lan truyền và được hát khắp dẻo Trường Sơn, điển hình là ca khúc “Biển” do anh phổ nhạc từ thơ Xuân Diệu.

Năm 1973, sau khi ký Hiệp định Paris, phía Ngụy phải trao trả các cán bộ, đồng bào bị tù đày cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Trung Ương Cục quyết định thành lập Ban Đón Tiếp tại khu giải phóng Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Một Bệnh viện Ban đón tiếp, bảy trạm Y tế tại bảy đơn vị đã được xây dựng. Khi đó, anh Trần Tựu nhận nhiệm vụ Trưởng Khoa Dược Bệnh viện Ban Đón Tiếp, đồng thời là Trưởng phòng Dược Ban Đón Tiếp với trách nhiệm tiếp nhận, quản lý thuốc men, y dụng cụ từ miền Bắc gửi vào chiến trường thông qua một đơn vị tiếp nhận (C13). Cơ sở Dược của anh cũng được giao nhiệm vụ tổ chức pha chế, sản xuất tại chỗ các loại dịch truyền, một số loại thuốc tiêm để cung cấp cho Bệnh viện và các Trạm Y tế. Trong lúc cơ sở vật chất vô cùng khó khăn, anh đã có những sáng kiến mới tạo ra các dụng cụ để pha chế, sản xuất như: sử dụng các tấm dù pháo sáng làm vật liệu lọc thuốc, sử dụng các loại chai penixilin đem rửa sạch, hấp tiệt trùng để đóng các loại thuốc tiêm, vitamin…

Nhiên liệu dùng cho cất nước, hấp thuốc, xử lý chai, lọ, bao bì đóng dịch truyền và các loại thuốc tiêm… đều từ cây khô trong rừng. Chủ nhật là ngày anh Tựu cùng toàn Khoa vào rừng kiếm củi khô, chuẩn bị cho cả một tuần sản xuất. Các cán bộ nhân viên làm việc liên tục, không có ngày nghỉ để đảm bảo các loại dịch truyền, các loại thuốc tiêm được sản xuất và cung ứng đầy đủ cho Bệnh viện và các Trạm Y tế. Các loại dịch truyền và thuốc do Khoa Dược sản xuất luôn đảm bảo chất lượng, được sự tin tưởng của các bác sĩ và bệnh nhân. Hoạt động sản xuất của Khoa Dược Bệnh viện và Phòng Dược Ban Đón Tiếp luôn đáp ứng yêu cầu của điều trị với một số lượng lớn như một xưởng sản xuất.

thay-tuu-2-1673952746.jpg
Thầy thuốc ưu tú Trần Tựu.

Sau giải phóng, anh Trần Tựu được UBND thành phố bổ nhiệm Giám đốc Xí nghiệp Dược phẩm 2/9. Trong công tác quản lý, Giám đốc Trần Tựu luôn quan tâm, tạo điều kiện và khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phát triển. Trước những khó khăn do cấm vận, thiếu ngoại tệ nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất, Dược sĩ Trần Tựu đã đưa ra chủ trương thúc đẩy nghiên cứu nguồn dược liệu của Việt Nam để sản xuất thuốc. Đây là một chủ trương quan trọng, có tầm nhìn và ảnh hưởng lâu dài tới ngành dược Việt Nam. Ngay lúc đó, với sự hợp tác của các Giáo sư, tiến sĩ trường Đại học Dược, Xí nghiệp 2/9 đã triển khai thành công nghiên cứu chiết xuất từ cây vàng đắng chất berberin, cây cỏ sữa lớn lá làm thuốc chữa bệnh lỵ và đường ruột rất hiệu quả, chiết xuất cây atiso sản xuất ra sản phẩm Phytol chữa bệnh gan, nghiên cứu cây rau mèo sản xuất betasiphon làm thuốc lợi tiểu, các cây tinh dầu Việt Nam sản xuất dầu gió nâu, dầu gió xanh sử dụng rộng rãi cho người dân. Trước chủ trương của TP.HCM trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong SXKD, xây dựng, triển khai cơ chế chính sách phù hợp, Xí nghiệp 2/9 do Dược sĩ Trần Tựu làm Giám đốc đã có những bước tiến dài đáng kể. Điển hình là việc đề xuất của Trần Tựu để Xí nghiệp 2/9 được sản xuất Cao Sao Vàng xuất khẩu đã được chấp nhận. Anh đã quyết tâm nghiên cứu, cải tiến quy trình sản xuất Cao Sao Vàng, căn bản là cơ giới hóa hai công đoạn xử lý tá dược, pha chế và chiết rót, phù hợp với các điều kiện vật tư hiện có trên thị trường.

Sự cải tiến này đã khiến năng suất tăng từ 60-100 lần so với cách chiết rót thủ công. Dây chuyền mới đưa vào sản xuất khiến năng suất tăng vọt, sản lượng năm cao nhất đạt 59 triệu hộp Cao Sao Vàng xuất khẩu, chiếm hơn 50% tổng sản lượng của tất cả các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm này. Nhờ thành tích này, Dược sĩ Trần Tựu đã được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Sau “Sự kiện Đà Lạt” năm 1983, mở đầu cho công cuộc đổi mới, ông Trần Tựu được bổ nhiệm Tổng Giám đốc Liên hiệp các Xí nghiệp Dược TP.HCM. Ông đã nghiên cứu, xây dựng phương án sắp xếp lại cơ sở vật chất của các đơn vị, tiến hành điều chuyển các cơ sở bao gồm nhà xưởng của một số đơn vị chưa khai thác hoạt động hiệu quả cho các đơn vị có tiềm năng nhưng thiếu cơ sở vật chất, tạo động lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh chung của toàn Liên hiệp.

Liên hiệp các Xí nghiệp Dược TP.HCM cũng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển, nhiều sản phẩm được sản xuất từ nguồn dược liệu, nguyên liệu trong nước, tạo ra nhiều nhóm dược phẩm mới phong phú, góp phần giải quyết khó khăn về thuốc tại TP. HCM và các tỉnh trong khu vực. Năm 1990, ông Trần Tựu được điều động về Bộ Y tế nhận nhiệm vụ mới tại Liên hiệp các Xí nghiệp Dược Việt Nam (trực thuộc Bộ Y tế). Ông đã xây dựng thành công Đề án chuyển Liên hiệp các Xí nghiệp thành Tổng Công ty Dược Việt Nam với cơ cấu, tổ chức, hoạt động phù hợp, hiệu quả, được Bộ Y tế thông qua, Ban đổi mới doanh nghiệp phê duyệt cho phép triển khai. Trong quá trình phát triển, đã xuất hiện các doanh nghiệp đầu đàn với các hoạt động SXKD hiệu quả, nhưng còn có những doanh nghiệp khó khăn do thiếu vốn, công nghệ sản xuất lạc hậu. Dược sĩ Trần Tựu cùng Hội đồng quản trị Tổng Công ty đã thảo luận và nhất trí chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp này với giải pháp: bổ sung nguồn tài chính, thúc đẩy hoạt động đầu tư, đổi mới công nghệ, đổi mới quy trình quản lý sản xuất và kinh doanh, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển nguồn dược liệu và sản xuất các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước. Hoạt động SXKD của Tổng Công ty Dược giai đoạn 1995-2005 đã có bước phát triển mạnh với doanh thu tăng trưởng bình quân trên 10%/năm, góp phần cùng ngành Dược cả nước đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho phòng và chữa bệnh, trong đó gần 50% tổng giá trị thuốc chữa bệnh được sản xuất trong nước.

Ngay sau khi nghỉ nhiệm vụ tại Tổng Công ty Dược Việt Nam, năm 2006 Dược sĩ Trần Tựu đã bắt tay xây dựng doanh nghiệp Savipharm chuyên sản xuất, cung ứng thuốc chuẩn mực cao. Qua 17 năm phát triển, ban đầu đội ngũ chỉ có 5 người, tới nay Savipharm đã trở thành doanh nghiệp Dược có thương hiệu, uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế, đóng góp thiết thực vào việc xây dựng và phát triển ngành Công nghiệp Dược Việt Nam. Savipharm là một trong số ít doanh nghiệp dược đạt cả hai tiêu chuẩn cao GMP Nhật Bản, GMP châu Âu. Savipharm đã nghiên cứu phát triển thành công 11 nhóm thuốc với 250 số đăng ký và 1 nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, được cấp Giấy chứng nhận Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ với 222 sản phẩm được công nhận là sản phẩm Khoa học và Công nghệ.

Dù được coi là một "ông vua" trong ngành Dược, nhớ lời mẹ dặn về lòng biết ơn, Thầy thuốc ưu tú, Dược sĩ chuyên khoa cấp II Trần Tựu và Savipharm đã luôn đi đầu trong các hoạt động xã hội, từ thiện. Riêng năm 2020, dịch Covid-19 hoành hành, Savipharm đã tài trợ tổng cộng hơn 5,3 tỉ đồng cho ngành Y tế TP.HCM để chống dịch. Năm 2021, Savipharm tiếp tục hỗ trợ ngành Y Tế Trung ương, TP.HCM và các địa phương với tổng giá trị trên 5 tỉ đồng gồm thuốc và tài trợ Quỹ vaccine… Hiện nay, dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng Dược sĩ Trần Tựu vẫn trẻ trung, tràn đầy sức sống, khát khao làm việc, cống hiến, và hỗ trợ cộng đồng. Ông chia sẻ với Nhóm Nữ dịch giả chúng tôi tin vui về việc Savipharm đang nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ các sản phẩm công nghệ sinh học, các thuốc điều trị ung thư công nghệ cao. Và điều thật thú vị mà chúng tôi được biết ở vị doanh nhân ngành dược này, đó là dù có bận bịu việc kinh doanh đến đâu, con người ông vẫn đầy chất nghệ sĩ, đời sống tinh thần cực kỳ phong phú. Ông làm thơ, sáng tác nhạc, chơi cây cảnh với tâm hồn bay bổng.

Trong chiều thu Hà Nội, chúng tôi được thưởng thức những bài hát trữ tình do ông sáng tác, trong đó ấn tượng mạnh với bài “Tháng Năm” và bài ca Savipharm. Khi chúng tôi hỏi ông, điều gì khiến ông trẻ trung và tràn trề nhựa sống khi đã bước qua tuổi 70, Dược sĩ Trần Tựu vui vẻ trả lời, rằng do ông yêu nhiều. Ông có tới 4 “người yêu”. Đó là: Gia đình, Savipharm, âm nhạc và cây cảnh. Bốn “người yêu” này luôn đoàn kết với nhau.

Chia tay chúng tôi sau bữa tối ấm áp tại Hà Nội, ông hẹn Nhóm Nữ dịch giả Hà Nội, rằng bất cứ khi nào chúng tôi vào TP.HCM, ông sẽ đón tiếp và đưa chúng tôi tới thăm gia đình Savipharm, thưởng thức nhạc trong phòng âm nhạc của ông, nơi ông thư giãn sau mỗi ngày làm việc, ngắm cây cảnh mà ông chăm sóc và coi như những người bạn trong gia đình. Chỉ qua chừng 3 tiếng đồng hồ cùng ông trò chuyện, ăn bữa tối, mà tôi thấy học được từ ông những bài học quý giá về sống và cống hiến. Và cũng thật may mắn, khi chúng tôi được biết ông, một trong nhóm tinh hoa của Việt Nam từng trải qua thời chiến tranh khốc liệt, tới giải phóng đất nước, thời bao cấp khó khăn và giai đoạn đổi mới với nền kinh tế thị trường mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức và rủi ro… Cách ông vượt lên để chiến thắng trong từng giai đoạn cam go ấy thật đáng ngưỡng mộ.

Kiều Bích Hậu