Tỉnh Lâm Đồng lên kế hoạch 8 năm tới nội ô Đà Lạt sẽ không còn nhà kính

Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã lên kế hoạch giảm dần diện tích nhà kính sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững, chuyển dần sang phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn.

Tỉnh Lâm Đồng có diện tích tự nhiên 978.334 ha, trong đó có khoảng 300.000ha đất sản xuất nông nghiệp (SXNN); tổng diện tích gieo trồng đạt 381.688ha, tổng diện SXNN ứng dụng công nghệ cao đạt 60.200ha. Doanh thu bình quân toàn tỉnh đạt 178 triệu đồng/ha, trong đó: diện tích rau ứng dụng công nghệ cao đạt 400-500 triệu đồng/ha/năm; hoa 800 triệu - 1,2 tỉ đồng/ha/năm; chè chất lượng cao đạt 250 triệu đồng/ha/năm, đặc biệt có một số mô hình sản xuất hoa đạt doanh thu từ 8-10 tỉ đồng/ha. Thực tế, diện tích ứng dụng công nghệ cao đã cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với sản xuất thông thường (năng suất bình quân cao hơn 30% - 50%).

nha-kinh-1666345852.jpg
UBND tỉnh Lâm Đồng đã lên kế hoạch giảm dần diện tích nhà kính sản xuất nông nghiệp. Ảnh minh họa

Đạt được kết quả như trên, nhà kính là một trong những giải pháp kỹ thuật được người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã ưu tiên đầu tư xây phục vụ SXNN. Do vậy, diện tích nhà kính có xu hướng tăng hàng năm. Nếu như đến cuối năm 2015 diện tích nhà kính toàn tỉnh đạt 3.147,5ha (trong đó riêng TP.Đà Lạt 2.636ha), diện tích nhà lưới là 510ha thì đến năm 2020 diện tích nhà kính toàn tỉnh đã lên 4.342,8ha (trong đó TP.Đà Lạt chiếm 58,8% với 2.554,3ha và hiện nay là 2.693ha), diện tích nhà lưới 2.458,6ha. Phần lớn diện tích nhà kính chủ yếu được sử dụng để sản xuất hoa với 2.463ha và sản xuất rau 1.771ha còn lại trồng cây khác 108,7ha.

Tuy nhiên, mô hình nhà kính, nhà lưới trồng rau, hoa, củ, quả phát triển “nóng” ở nhiều địa phương của tỉnh Lâm Đồng. Dù mô hình này góp phần cải thiện đời sống kinh tế của nhiều hộ gia đình, cá nhân, nhưng việc phát triển nhà kính, nhà lưới kiểu “mạnh ai nấy làm”, mất kiểm soát đã để lại nhiều hệ lụy về đất đai, quy hoạch.

Do đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có ý kiến về Dự thảo Đề án quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Theo đó, ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan chủ trì xây dựng Đề án) bổ sung mục tiêu cụ thể là giảm dần diện tích nhà kính sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững, chuyển dần sang phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn; giảm dần diện tích nhà kính những vùng nội thị thành phố Đà Lạt, đến năm 2025 giảm 20% diện tích nhà kính và đến năm 2030 giảm 80% diện tích nhà kính so với thực trạng hiện nay.

Đồng thời, ông Phạm S yêu cầu UBND các huyện, thành phố Đà Lạt chịu trách nhiệm triển khai thực hiện việc rà soát, thống kê nhà kính xây dựng trái quy định của pháp luật; lập kế hoạch giải tỏa, di dời theo quy định.

Riêng thành phố Đà Lạt chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện việc rà soát, xây dựng kế hoạch, lộ trình giảm dần diện tích nhà kính trên địa bàn trên cơ sở đánh giá cụ thể tình hình nhà kính sản xuất nông nghiệp theo từng phường để sau năm 2030, các phường nội thị không còn nhà kính.

Hương Lan (t/h)