Theo đó, 14 hiệp hội đại diện cho nhiều ngành kinh tế chủ chốt như: Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam... đã có văn bản góp ý đến Bộ Tài nguyên và Môi trường về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì (gọi tắt là dự thảo Fs).
Các hiệp hội cho rằng, dự thảo Fs có nhiều điểm chưa hợp lý. Trong đó, có định mức cao bất hợp lý do dữ liệu có nhiều bất cập, chưa trừ đi giá trị sản phẩm thu hồi được theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn. Hơn nữa, Fs đề xuất trong dự thảo đang cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước khác, khi chỉ tính trung bình của 2 nghiên cứu có đề xuất Fs cao nhất, bỏ qua 2 nghiên cứu khác có Fs thấp hơn nhiều.
Theo các hiệp hội, công thức tính Fs như trong dự thảo hiện nay hoàn toàn bỏ qua yếu tố lợi nhuận của doanh nghiệp tái chế từ vật liệu tái chế, hay giá trị thu hồi của bao bì. Theo đó, Fs đề xuất chưa theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn do chưa trừ đi giá trị vật liệu thu hồi được. Bên cạnh đó, định mức Fs rất cao như đề xuất có thể dẫn đến nguy cơ gây tăng giá lớn đối với rất nhiều sản phẩm, hàng hóa. Đơn cử, giá có thể tăng thêm 1,36% với nước uống đóng chai; 0,6% với bia lon; 0,2% đối với bịch sữa. Từ đó, gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như cho người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.
Liên quan đến thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị trong 2 năm đầu tiên (2024 và 2025), tập trung vào hướng dẫn thi hành, chưa áp dụng xử phạt, chỉ truy thu khoản nộp thiếu nếu doanh nghiệp kê khai chưa đủ hoặc chưa đúng, trừ trường hợp cố tình không kê khai hoặc cố tình gian lận.
EPR là một chính sách rất mới, đa số các nước châu Á còn chưa áp dụng bắt buộc. Việc thực thi cho hàng nghìn loại bao bì, sản phẩm là rất phức tạp, cần hướng dẫn chi tiết, các hiệp hội cho biết thêm.
Hiện nay, nhiều loại bao bì, sản phẩm còn chưa có công nghệ tái chế, chưa có nhà tái chế nên nhiều doanh nghiệp không có sẵn giải pháp. Nếu áp dụng ngay việc xử phạt với mức phạt rất cao sẽ rất khó khăn và bất cập cho doanh nghiệp khi chưa được hướng dẫn đầy đủ về quy định mới.
Các hội, hiệp hội cho rằng, phí tái chế có nhiều định mức cao bất hợp lý, do chưa trừ đi giá trị sản phẩm thu hồi được theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn. Các hội, hiệp hội đề xuất áp dụng hệ số 0 cho các vật liệu có giá trị khi thu hồi cao hơn chi phí tái chế như: Bao bì giấy, bao bì nhựa cứng, bao bì kim loại, thiết bị điện - điện tử và phương tiện giao thông.
Các hội, hiệp hội kiến nghị cho phép các doanh nghiệp thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế trong cùng năm, thay vì bắt buộc chọn một trong 2 hình thức. Kiến nghị thay đổi cách nộp từ tạm ứng trước vào đầu năm sang quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm, để vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm với môi trường và giảm được khó khăn cho doanh nghiệp.