12 ngày đêm - trận quyết đấu cuối cùng với không quân Mỹ

Để cứu vãn nguy cơ chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” sắp thất bại, đế quốc Mỹ đã mở cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng (từ ngày 18 đến ngày 29 -12 -1972).
dien-bien-phu3-1670562140184111307428-16705629424051210305243-1672029855.png
Tên lửa SAM 2 một trong những "sát thủ" với B52 của Mỹ

Lầu Năm Góc đã huy động một lực lượng quân sự mạnh chưa từng có, với tổng số 193/400 máy bay chiến lược B.52 (chiếm 46% tổng số máy bay B.52 của Mỹ hiện có) và sử dụng hơn một phần ba số máy bay chiến thuật bảo vệ phấo đài bay B52. Với cả guồng máy tác chiến đồng bộ và tính năng ưu việt của vũ khí như thế, Mỹ nắm chắc phần thắng vì cho rằng, tên lửa “Sam-2” của ta cũng không thể nào “với tới” được và lạc quan động viên các phi công “cứ bám đuôi nhau mà vào Hà Nội, rồi lại sẽ đi về đầy đủ”.

Thiên la địa võng đã sẵn sàng

Một mùa thu nữa lại về trên đất Hà Nội. Khác với mọi năm, năm 1972 mọi người dân Thủ đô từ năm cửa ô, Ba mươi sáu phố phường, đến các huyện ngoại thành đâu đâu cũng tổ chức đón chào kỷ niệm 18 năm ngày giải phóng Thủ đô (10-10) với tinh thần cảnh giác cao độ và lòng quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ. Mỗi người dân Thủ đô đều thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ kính yêu cách đó bốn năm (1968), trong buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân, Người đã tiên đoán: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng đưa B.52 ra đánh phá Hà Nội, rồi mới chịu thua.

Và Mỹ nhất định sẽ thua, nhưng chúng chỉ thua sau khi đã bị đánh bại trên bầu trời Hà Nội”. Bác khẳng định: Dù đế quốc Mỹ lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B.57, B.52 hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh. Mà đã đánh là nhất định thắng. Vâng lời Bác, Hà Nội đã sẵn sàng, cả nước đã sẵn sàng. Lãnh đạo, chính quyền thành phố đã tập trung cao nhất cho việc chỉ đạo công tác phòng không nhân dân trên phạm vi toàn thành phố. Nhất là hai huyện Kim Anh - Đa Phúc thuộc tỉnh Vĩnh Phú - “cửa ngõ Thủ đô”, nơi có sân bay quân sự, các điểm nút giao thông quan trọng và khu vi quân sự trọng yếu đều nằm trong toạ độ rải thảm của B52.

Huyện uỷ Kim Anh - Đa Phúc đã tập trung lãnh đạo nhân dân thực hiện triệt để công tác phòng tránh và sơ tán, được nhân dân chấp hành một cách nghiêm túc. Một cuộc sơ tán lớn nhất trong lịch sử đã diễn ra tại hai huyện Kim Anh, Đa Phúc với hàng trăm nghìn người được sơ tán về các tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Thái, Hà Bắc và các làng quê trong huyện cách xa trọng điểm đánh phá của địch. Đối với những người có nhiệm vụ ở lại, tích cực chuẩn bị hầm hào trú ẩn từ trong nhà, ra ngoài đường, trên đồng ruộng, nơi công sở đều được bố trí hầm hào một cách thuận tiện, hài hoà. Mọi sinh hoạt, nếp sống của người dân Đa Phúc - Kim Anh lúc này lại trở nên bình thường trong hoàn cảnh không bình thường.

Đến tháng 11- 1972, toàn bộ các phương án đánh B52 đã được hoàn tất. Một thế trận phòng không mạnh, chặt, liên hoàn đã được dàn dựng xung quanh và trong lòng Hà Nội bao gồm: 3 trung đoàn tên lửa, 6 trung đoàn pháo, 1 trung đoàn ra-đa... lực lượng dân quân tự vệ có: 106 khẩu pháo cao xạ từ 37 đến 100 mm và hơn 1.300 súng máy các loại. Riêng địa bàn hai huyện Kim Anh - Đa Phúc có gần 500 khẩu pháo và súng máy, hơn 1 vạn súng bộ binh, tổ chức thành 71 trận địa pháo tập trung, 457 tổ bắn máy bay và 214 đài quan sát phòng không nhân dân. Tất cả thiên la địa võng đã sẵn sàng cho cuộc quyết đấu với một niềm tin tất thắng.

Bão lửa trên bầu trời

Trong những ngày đêm đầy thử thách và nguy nan ấy, tất cả các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và thành phố Hà Nội đều có mặt ngay trong lòng Thủ đô để trực tiếp chỉ đạo, động viên toàn quân và toàn dân ta đánh giặc. Ngay cả tổng hành dinh của Bộ Quốc phòng cũng không sơ tán mà vẫn được đặt ngay tại nhà “con Rồng” trong Hoàng thành Thăng Long. Những “đường dây nóng” được thiết lập tới tận các đơn vị tên lửa chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Cũng từ Tổng hành dinh này, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu có thể trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy các mặt trận và các quân, binh chủng trên toàn quốc.

Đúng 18 giờ, ngày 18-12-1972, các đài ra-đa cảnh giới của ta bỗng đồng loạt thông báo hiện tượng nhiễu với cường độ ngày càng tăng. 18 giờ 50 phút cùng ngày, các lực lượng phòng không - không quân bước vào báo động một. Cả Hà Nội bỗng vang lên hối hả từng hồi còi báo động. Tiếng nói dõng dạc, bình tĩnh của nữ phát thanh viên được truyền đi qua các hệ thống loa phóng thanh: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội 100 cây số. Các lực lượng vũ trang vào vị trí chiến đấu. Đồng bào nhanh chóng xuống hầm trú ẩn....”

19 giờ 15 phút, Đại đội 45 ra-đa phát hiện có nhiều B.52 đang bay ở độ cao 9.000 mét vào vùng trời Hà Nội. 19 giờ 44 phút, quả đạn tên lửa Sam - 2 đầu tiên của tiểu đoàn 78, Trung đoàn 257 rời bệ phóng, xé màn đêm, mở màn cho trận đánh B.52 trên bầu trời Hà Nội. Từ các trận địa khác, những Con rồng lửa cũng đua nhau bay lên sáng rực trời đêm. Theo đó, các cỡ pháo cao xạ, súng bắn máy bay bay thấp đồng loạt nhả đạn, trong tiếng máy bay gầm rú và bom rơi ầm ầm rung chuyển mặt đất ... Cả Hà Nội bỗng sáng loà trong Mưa bom, bão đạn. Thủ đô thiêng liêng của cả nước bỗng nhiên hoá thành Thăng Long chiến địa. Ngay sau đó một tin vui đã bay về làm nức lòng quân và dân Thủ đô 23 giờ 13 phút, Tiểu đoàn tên lửa 59 thuộc Trung đoàn 261 (trận địa ở Cổ Loa - Đông Anh) đã bắn trúng chiếc B.52G, rơi xuống cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Kim Anh (nay là huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội). Để ghi nhớ chiến công oanh liệt của quân và dân ta và khắc sâu mối thù quân Mỹ xâm lược, nhân dân huyện Sóc Sơn đã xây dựng bia chiến thắng B52 tại cánh đồng Chuôm (Phù Lỗ - Sóc Sơn).

Các thế hệ người Việt Nam nói chung và nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng mãi mãi sẽ không bao giờ quên những tội ác man rợ của đế quốc Mỹ đã gây ra. Chỉ tính riêng ở Hà Nội, bom B.52 đã rơi trúng nhiều khu dân cư thuộc phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai, Gia Lâm, Yên Viên, Uy Nỗ... Bom Mỹ đã làm sập 5.480 ngôi nhà, sát hại 2.368 dân thường và 1355 người khác bị thương. Thiệt hại nặng nhất là khu phố Khâm Thiên, bom rải thảm kéo dài hàng ki lô mét, khiến 2.265 ngôi nhà bị phá sập hoàn toàn, 287 người bị chết và 290 người khác bị thương. Riêng ở Kim Anh - Đa Phúc, đế quốc Mỹ đã ném xuống 5.542 quả bom tấn (Kim Anh: 4,546 quả), cùng 78 thùng bom bi bằng trên 30.000 quả; 600 quả bom xuyên; bắn 13 quả tên lửa…làm chết 374 người, thiệt hại nặng nề nhất là thôn Ninh Kiều, xã Tân Dân, trên 300 ngôi nhà bị san phẳng, hàng trăm người dân vô tội bị giết hại.

Biến căm thù thành sức mạnh, ngay đêm đầu (đợt 1) ta bắn rơi 2 máy bay B.52, ( đợt 2) ta bắn rơi 8 máy bay B.52. Cả chiến dịch phòng không Hà Nội, Hải Phòng, ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B.52, 5 máy bay F111, nhiều chiếc rơi tại chỗ, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái. Trong thành tích chung đó, bộ đội tên lửa bắn rơi 30 máy bay B52, lực lượng phòng không, dân quân tự vệ bắn rơi 11 máy bay chiến thuật trong đó có 2 chiếc F111. Leđơ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phải cay đắng thừa nhận rằng: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử cuộc chiến tranh Việt Nam, lực lượng máy bay B.52 của Bộ chỉ huy không quân chiến lược Mỹ đã vấp phải một hệ thống phòng không có hiệu quả đến như thế....

Trước những tổn thất to lớn trong một thời gian ngắn (12 ngày đêm), Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bơm từ Bắc vĩ tuyến 20 trở ra, nối lại cuộc hoà đàm và chính thức ký kết Hiệp định Paris (ngày 27-1-1973), chấp nhận rút quân, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ nước ta. Trận “Điện Biên Phủ” trên không đánh thắng B52 trên bầu trời Hà Nội làm nức lòng nhân dân cả nước và bạn bè khắp năm châu, tôn vinh hình ảnh anh hùng của Thủ đô, phẩm giá con người Thăng Long ngàn năm văn hiến quật cường./.

Văn Học TH