Nghệ An: Hàng trăm héc ta lúa xuân bị nhiễm bệnh rầy nâu

Theo số liệu báo cáo của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Nghi Lộc, trên địa bàn một số xã đã xuất hiện bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng trên cây lúa. Số diện tích lúa bị bệnh lên đến hàng trăm héc ta, nếu không kịp thời xử lý thì vụ lúa xuân tại các địa phương này có nguy cơ thiệt hại rất lớn.
12-1-1715051563.jpeg
Nhiều diện tích lúa xuân tại huyện Nghi Lộc bị nhiễm rầy nặng dẫn đến hiện tượng "cháy rầy".

Theo đó, hiện nay tại ở các xã Nghi Văn, Nghi Kiều, Nghi Yên có hơn 30 ha bị nhiễm rầy nặng với mật độ rầy cao, đã xảy ra hiện tượng “cháy rầy” cục bộ, xuất hiện trên tất cả các giống lúa như: lúa Bắc Thịnh, VNR20, KD8, Bắc Thơm, VT868…

Vừa qua, lãnh đạo UBND huyện, Phòng NN&PTNT huyện Nghi Lộc, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Nghi Lộc đã về các xã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa vụ xuân 2024.

Để chủ động phát hiện, phòng trừ kịp thời, hiệu quả, hạn chế tối đa thiệt hại do sâu bệnh gây ra đối với lúa Xuân 2024, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn của huyện, các xã, thị trấn cử cán bộ chuyên môn bám sát đồng ruộng để điều tra, theo dõi, dự tính, dự báo chính xác hướng dẫn bà con các biện pháp phòng trừ, kịp thời những diện tích lúa Xuân bị rầy gây hại. Đặc biệt, tập trung phun phòng trừ rầy trên các diện tích lúa xuân đang ở giai đoạn chín sữa trở về trước có mật độ rầy cao từ 2.000 con/m2 trở lên bằng các loại thuốc có tác dụng tiếp xúc như: Fenobucarb (Bassa 50EC, Nibas 50EC...); Nitenpyram (Elsin 10EC...); Dimethoate + Cypermethrin (Diditox 40 EC)...

Khi phun cần đảm bảo đủ lượng nước thuốc (24-30 lít/500m2) rẽ lúa thành băng và phun ướt đều vào phần thân, lá lúa. Để kéo dài và tăng hiệu quả phòng trừ có thể phối hợp thuốc tiếp xúc với thuốc có tác dụng nội hấp như: Pymetrozine (Titan 600WG, Chess 50WG...); Dinotefuran (Oshin 20WP...); Clothianidin (Dantotsu 16WSG...) để phun trừ.

Tính đến thời điểm này, bà con nông dân trên địa bàn huyện Nghi Lộc đã phun phòng trừ được 130/200 ha./.

Quốc Cường