Hà Giang: Phát huy vai trò của Hương ước trong bảo vệ và phát triển rừng

Sau 12 năm triển khai công tác trồng rừng, đến nay diện tích rừng của một số địa phương đã cho thu hoạch mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân. Nhờ có nguồn thu nhập từ rừng mà nhiều hộ gia đình ở huyện Vị Xuyên đã vươn lên thoát nghèo.
ha-giang-bao-ve-rung-1715065986.jpg
Một cánh rừng xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên được bảo vệ tốt nhờ Hương ước trong cộng đồng. Ảnh: Mard.gov.vn

Vị Xuyên là huyện có diện tích rừng khá lớn của Hà Giang. Tổng diện tích rừng của Vị Xuyên đạt trên 100.000 ha; trong đó có 89.709 ha rừng tự nhiên, gồm các loại gỗ quý như Nghiến, Thông đá, Pơ mu, Kháo đá…còn lại là các diện tích rừng trồng.

Sau 12 năm triển khai công tác trồng rừng (từ năm 2012 – 2023), toàn huyện Vị Xuyên đã trồng mới được gần 7.470 ha rừng, trong đó rừng thuộc dự án 661 là 3.750 ha, rừng thuộc Chương trình 135 là 1.570 ha, diện tích còn lại là do người dân tự túc và của các doanh nghiệp tham gia trồng rừng.

Chủng loại cây rừng được trồng chủ yếu trên địa bàn huyện Vị Xuyên là cây keo và cây mỡ, số còn lại là rừng thông, xoan và rừng hỗn giao. Để thực hiện tốt các chỉ tiêu về trồng rừng, hàng năm UBND huyện Vị Xuyên đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với các địa phương nhằm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đầy đủ các mục tiêu đã đề ra. Đồng thời huyện cũng tập trung tư vấn về đất rừng, giống cây rừng cho các tổ chức, cá nhân, các hộ gia đình, kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với nông dân để tham gia trồng rừng. Vì vậy, trên địa bàn của huyện Vị Xuyên đã hình thành các mô hình trồng rừng tiêu biểu làm cơ sở để nhân rộng thành phong trào trong quần chúng nhân dân.

Bên cạnh đó, các xã có đất rừng của huyện Vị Xuyên cũng đẩy mạnh công tác triển khai vận động nhân dân xây dựng hương ước, qui ước cấm chăn thả gia súc nhằm bảo vệ các cánh rừng mới trồng. Nếu gia đình nào vi phạm thì tùy theo mức độ cụ thể sẽ phải bồi thường về kinh tế và phải chịu các hình thức phạt khác theo qui định cụ thể mà thôn bản đưa ra…. Từ thực tiễn đó, phong trào trồng và phát triển rừng trên địa bàn huyện Vị Xuyên được phát triển sâu rộng trong quần chúng nhân dân tại các địa phương trong toàn huyện. Phong trào trồng rừng của huyện Vị Xuyên đã thu hút các gia đình đẩy mạnh chuyển đổi đất nương rẫy kém hiệu quả sang trồng rừng sản xuất, điển hình là tại các xã vùng cao như Cao Bồ, Thanh Thủy, Thanh Đức…

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên: Sau 12 năm triển khai công tác trồng rừng, đến nay diện tích rừng của một số địa phương đã cho thu hoạch mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân. Nhờ có nguồn thu nhập từ rừng mà nhiều hộ gia đình ở huyện Vị Xuyên đã vươn lên thoát nghèo, một số hộ đã có nguồn tích luỹ do thu nhập từ kinh tế rừng mang lại. Công tác trồng và phát triển rừng của huyện Vị Xuyên đạt được hiệu quả cao, ngoài các chủ trương, chính sách phù hợp của huyện còn có vai trò lớn của Hương ước trong cộng đồng các thôn bản.

Có thể kể đến một số hộ có thu nhập điển hình từ trồng rừng như hộ gia đình anh Hoàng Văn Chung ở thôn Tân xã Thanh Đức, hộ gia đình anh Lê Văn Đức ở thôn Phú Nam xã Cao Bồ mỗi gia đình có diện tích trên 3 ha rừng keo đến kỳ thu hoạch đã được các doanh nghiệp chế biến lâm sản trên địa bàn thu mua với số tiền gần 200 triệu đồng; gia đình anh Triệu Văn Duy ở thôn Trung Thành xã Thanh Đức có hơn 2 ha rừng keo đến kỳ thu hoạch có trị giá gần 150 triệu đồng…Ngoài ra, còn nhiều hộ nông dân khác cũng có nguồn thu nhập từ rừng kinh tế từ 50 – 100 triệu đồng.

Bên cạnh công tác đẩy mạnh và không ngừng mở rộng diện tích trồng rừng kinh tế, huyện Vị Xuyên đã đề ra các chính sách nhằm giúp các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn phát triển thuận lợi. Điển hình là các chính sách ưu tiên phát triển các cơ sở thu mua và chế biến gỗ dán xuất khẩu, thu mua gỗ để sản xuất bột giấy….Từ đó nhiều cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn huyện Vị Xuyên đã được hình thành và mở rộng qui mô sản xuất.

Nhằm phát huy hiệu quả từ công tác trồng rừng, UBND huyện Vị Xuyên tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn như Hạt Kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông… đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả của công tác trồng rừng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện; các ngành chuyên môn cần nâng cao hiệu quả trong công tác tư vấn về đất rừng, giống cây lâm nghiệp tới các hộ gia đình, các doanh nghiệp tham gia trồng rừng. Khuyến khích các thôn bản có rừng và đất lâm nghiệp xây dựng các hương ước, qui ước của thôn bản nhằm nâng cao hiệu quả của công tác trồng và phát triển rừng trên địa bàn./.

PV