Thanh Hóa với Điện Biên Phủ: Tự hào dưới lá cờ quyết thắng

Cầu truyền hình “Dưới lá cờ Quyết thắng” được kết nối bằng 5 điểm cầu trực tiếp tại Điện Biên, Hà Nội, Thanh Hóa, Kon Tum và TP.HCM. Qua đó tái hiện lại bức tranh toàn cảnh về Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu.
1-1714924426.jpg
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và địa phương tham dự lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại điểm cầu Thanh Hóa.

Tối ngày 5/5, tại Quảng trường Lam Sơn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức điểm cầu truyền hình trực tiếp về Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) với chủ đề "Dưới lá cờ quyết thắng".

Dự tại điểm cầu Thanh Hóa, về phía lãnh đạo Trung ương: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh; ông Lê Minh Khái, Bí thư TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội; cùng một số  đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm các UB của Quốc hội, Thanh tra Chính phủ, TƯ Hội phụ nữ VN.

2-1714924552.jpg
Điểm cầu Thanh Hóa với chương trình nghệ thuận đường lên Điện Biên.

Lãnh đạo địa phương tỉnh Thanh Hóa: ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa; ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; ông Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa; cùng Lãnh đạo tỉnh, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh Thanh Hóa và đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Tham dự lễ còn có lãnh đạo các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, được Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện tại 5 điểm cầu - Điện Biên, Hà Nội, Thanh Hóa, Kon Tum và TP Hồ Chí Minh với chủ đề "Dưới lá cờ Quyết Thắng", lấy ý tưởng từ lá cờ luân lưu “Quyết chiến - Quyết thắng” Bác Hồ gửi ra mặt trận vào ngày 22/12/1953. Các nội dung tại 5 điểm cầu sẽ ghép lại một bức tranh toàn cảnh về Chiến thắng Điện Biên Phủ, mỗi nơi là những nhân chứng sống, mỗi điểm cầu ghép lại thành bản hùng ca.

3-1714924622.jpg
Điểm cầu tại Thanh Hóa thu hút đông đảo nhân dân và du khách về tham dự.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến công chung của cả dân tộc, được hun đúc bởi khát khao giành độc lập tự do của một dân tộc. Trong đó, con dân tỉnh Thanh Hóa đóng góp 30% người trong độ tuổi lao động tham gia dân công với tổng số dân công lên đến 178.924 người và 27 triệu ngày công; hơn 3.500 xe đạp thồ được huy động lên đến gần 16.000 lượt vận chuyển, 1.126 chiếc thuyền, đặc biệt có cả 31 chiếc ô tô, 180 xe bò, 42 ngựa, 3 thớt voi. Thanh Hóa đã vận chuyển ra mặt trận Điện Biên với 9.000 nghìn tấn gạo chiếm 56% và 450 tấn cá khô, 2.000 con lợn, 1.300 con bò, 250.000 quả trứng, 150 tấn đậu, 20.000 chai, lọ nước mắm cùng hàng trăm tấn rau các loại chiếm 40% số thực phẩm sử dụng trong chiến dịch.

Thông qua cầu truyền hình, và những chứng tích lịch sử, những câu chuyện huyền thoại về chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là lời tri ân của thế hệ trẻ đối với bậc cha ông, những người đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, hy sinh xương máu của mình vì nền độc lập, tự do./.

Hà Khải