Quảng cáo #128

Xuất khẩu nông sản Việt có nhiều tín hiệu khả quan

Để tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ nông sản, những tháng đầu năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chuẩn bị sẵn sàng phương án đảm bảo các điều kiện xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn trái cây sang những thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU…

Thời gian qua, nhiều nội dung của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đã được Chính phủ triển khai như: Hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hỗ trợ thuê nhà cho người lao động… Những chính sách này đã tác động mạnh đến nông nghiệp. Nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ đang lấy lại đà phục hồi sau COVID-19.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù thiên tai bất thường, giá cả vật tư, xăng dầu tăng cao, nhưng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt gần 18 tỷ USD, tăng gần 16%; nhập khẩu gần 14 tỷ USD, giảm 2,3%. Như vậy, toàn ngành nông nghiệp đã xuất siêu gần 4 tỷ USD, cao gấp 3,2 lần so với 4 tháng đầu năm 2021.

5 sản phẩm và nhóm sản phẩm có giá trị kim ngạch đạt trên 1 tỷ USD, đó là cà phê, gạo, nhóm rau quả, tôm và sản phẩm gỗ.

Một số mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, như tôm đạt trên 1,3 tỷ USD, cà phê đạt gần 1,7 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 5,5 tỷ USD.

Tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ nông sản, những tháng đầu năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã mở rộng ra các thị trường như: Peru, Australia, Brazil, ASEAN, Nga, Czech, Ấn Độ, Argentina, UAE.

Những tín hiệu lạc quan

Niềm vui đến với ngành nông nghiệp khi mới đây Bộ NN&PTNT nhận được thông báo từ các cơ quan chức năng Mỹ, về việc hoàn thành thẩm định các thủ tục và chính thức cho phép nhập khẩu quả bưởi từ Việt Nam. Như vậy, bưởi da xanh sẽ là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam vào thị trường Mỹ. Trước đó, 6 loại trái cây tươi được cấp phép xuất khẩu sang Mỹ, gồm: Xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa.

buoi-da-xanh-1491122567829-1653581079.png
Bưởi da xanh sẽ là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam vào thị trường Mỹ.

Trong nước, nhiều địa phương trọng điểm trồng Bưởi da xanh của Đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn có thể trở thành vùng nguyên liệu chuẩn cả về số lượng và chất lượng. Hiện, cả doanh nghiệp lẫn nhà vườn đều sẵn sàng để đưa loại nông sản này sang Mỹ. Tại Bến Tre - địa phương có diện tích canh tác bưởi da xanh đến 8.000 ha, cũng như nhiều loại trái cây khác, có thời điểm giá bưởi da xanh liên tục sụt giảm, chỉ còn 15.000 đồng/kg.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), muốn xuất khẩu trái cây sang Mỹ phải đáp ứng được 03 tiêu chuẩn chính gồm: Vùng trồng đạt tiêu chuẩn và được phía Mỹ ủy quyền cho Bộ NN&PTNT giao Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng; Nhà máy đóng gói phải được chuyên gia phía Mỹ cấp mã số; Sản phẩm phải được chiếu xạ tại nhà máy được cấp mã số đạt chuẩn.

Đến nay, 6 loại trái cây tươi đã chính thức được cấp phép xuất khẩu sang Mỹ gồm: Xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Thanh Long là loại trái cây đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Mỹ năm 2008. Kể từ đó đến nay, lượng thanh long xuất khẩu vào Mỹ tăng theo từng năm. Chôm chôm là loại trái cây thứ hai của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Mỹ vào năm 2011.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nước này có nhu cầu tiêu thụ lớn về trái cây với mỗi năm lên tới 12 triệu tấn. Sản xuất trái cây tươi nội địa của nước này hiện chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu, 30% còn lại (tương đương với khoảng 3,6 triệu tấn) là phải nhập khẩu. Đây sẽ là dư địa và cơ hội rất lớn cho trái cây Việt Nam.

Trong khi đó tại Bắc Giang, tình hình thời tiết khá thuận lợi nên cây vải thiều ra hoa, đậu quả với tỷ lệ từ 70 - 90%. Diện tích vải thiều toàn tỉnh duy trì 28.300 ha, sản lượng ước đạt 180 nghìn tấn, giảm khoảng 40.000 tấn so với năm 2021. Trong đó, vải chín sớm 6.750 ha, sản lượng ước đạt 60 nghìn tấn; vải thiều chính vụ diện tích 21.250 ha, sản lượng ước đạt 120 nghìn tấn.

Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.200 ha, chiếm 54% tổng diện tích toàn tỉnh, sản lượng ước đạt 112.900 tấn, chiếm 62,7% tổng sản lượng vải; vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Úc có diện tích 218 ha, sản lượng ước đạt 1 nghìn tấn; vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản có diện tích 269,45 ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn.

cc-1622172209879452926173-1653580985.jpg
Vải thiều Việt Nam được doanh nghiệp và người tiêu dùng Nhật Bản đánh giá rất cao. Ảnh minh họa.

Chiến lược tăng trưởng xuất khẩu nông sản

Dù con đường xuất khẩu nông sản Việt Nam đang rộng mở, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề trong sản xuất để có thể đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi của thị trường.

Trong 5 tháng đầu năm nay, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của nông, lâm, thủy sản Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 4,9 tỷ USD. Để có thể gia tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản vào các thị trường khó tính, Việt Nam cần có những chiến lược phù hợp.

Ngành rau quả đặt mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD trong năm nay. Nỗ lực đa dạng hóa thị trường đang chuyển dịch rõ nét khi tỷ trọng xuất khẩu rau quả sang châu Âu và châu Mỹ liên tục tăng.

"Một là chúng ta hình thành những liên minh của những nhà xuất khẩu vì chúng ta không thể đi một mình, nếu doanh nghiệp này không có hàng thì doanh nghiệp kia có hàng. Đi chung như vậy thì chi phí logistics sẽ giảm xuống và có liên minh như vậy để chúng ta xây dựng vùng nguyên liệu để vùng nguyên liệu", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định.

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng: "Chúng ta đã có đà tăng trưởng từ cuối năm 2021 sau khi Nghị quyết 128 ra đời, đặc biệt trong thời gian gần đây Bộ liên tục tổ chức các phiên tư vấn chính sách đối với các thị trường. Theo đó, chúng tôi tập trung vào những thị trường, mặt hàng cụ thể, trong đó có đại diện của các cơ quan thương vụ Việt Nam tại các nước trao đổi về những chính sách của nước bạn, nhu cầu của nước bạn đối với từng mặt hàng. Chúng tôi cho rằng đó là những cái doanh nghiệp thực sự cần",

Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam có nhiều tín hiệu khả quan để có thể đạt 50 tỷ USD về xuất khẩu nông sản trong năm nay. Tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, đa dạng hóa thị trường, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch… là những giải pháp trọng tâm đang được ngành nông nghiệp triển khai.

Để đa dạng hóa thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lên kế hoạch đàm phán xuất khẩu hàng loạt mặt hàng mới, như ớt, sầu riêng, sữa và sản phẩm sữa, bột cá và dầu cá, sản phẩm lông vũ sang Trung Quốc; nhãn sang Nhật Bản; bưởi sang New Zealand, Mỹ và Ấn Độ; sản phẩm động vật sang Hàn Quốc; mật ong sang EU… Đây đều là những thị trường khó tính đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, vì vậy để có được tấm giấy thông hành vào những thị trường này, phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn và vệ sinh.

Anh Vân (t/h)