Việt Nam có bị tác động khi nhiều nước dừng xuất khẩu nông sản?

Nhiều dự báo cho thấy, thị trường toàn thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng về giá do nhiều mặt hàng thiết yếu, nông sản là nguyên liệu sản xuất đã bị nhiều quốc gia cấm xuất khẩu. Thị trường Việt Nam bị tác động ra sao sau các lệnh cấm này?

Ngày 28/4 vừa qua, Indonesia, quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu dầu cọ đã thông báo quyết định cấm xuất khẩu mặt hàng dầu cọ, điều này khiến cho giá thực phẩm liên quan đến mặt hàng này rơi vào cuộc “bão giá”.

Theo đại diện Bộ Công Thương, Indonesia là một trong những thị trường cung ứng dầu mỡ thực vật lớn của Việt Nam. Năm 2021, Việt Nam chi 711 triệu USD để mua dầu thực vật từ thị trường này.

Do đó, ngay khi xuất hiện thông tin từ Chính phủ Indonesia, Bộ Công Thương đã có khuyến nghị gửi các doanh nghiệp Việt Nam, những công ty đang nhập nguyên liệu này từ Indonesia.

viet-nam-co-bi-tac-dong-khi-nhieu-nuoc-dung-xuat-khau-nong-san-1653360455.jpg
Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ từ ngày 28/4/2022 khiến thị trường dầu cọ thế giới bị ảnh hưởng lớn

Một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu dầu cọ, phân phối cho các đơn vị sản xuất cho biết, 2 năm qua, giá dầu cọ đã tăng gấp 4 lần, điều này tác động khá mạnh đến giá bán sỉ (giá buôn) cho các doanh nghiệp sản xuất liên quan, nhưng sau nhiều lần đàm phán “2 bên cũng chấp nhận buộc phải nâng giá ở mức hợp lý để 2 bên cùng hợp tác, vượt qua giai đoạn khủng hoảng này”.

Tuy nhiên, theo vị đại diện này, do Việt Nam có độ trễ trong các tác động từ thị trường thế giới nên việc Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ sẽ chưa tác động ngay đến thị trường trong nước. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi Indonesia vừa thông báo sẽ dừng lệnh xuất khẩu dầu cọ từ ngày 23/5/2022.

Do đó, những tác động từ lệnh cấm của Indonesia sẽ tác động không lớn đến doanh nghiệp sản xuất. Theo lý giải của đại diện doanh nghiệp là do “chúng tôi cũng được dự báo Indonesia sẽ sớm dừng lệnh này nên đã vừa tận dụng hàng dự trữ và vừa đàm phán với đối tác nên đã không gặp khó khăn gì trong việc cung ứng hàng cho đối tác trong giai đoạn ngắn vừa qua”.

Ngoài việc Indonesia cấm xuất khẩu mặt hàng dầu cọ, nhiều quốc gia khác như Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ… cũng đã thực hiện lệnh cấm xuất khẩu một số mặt hàng như khoai tây, thịt bò, đường, lúa mì, bắp, bột mì và dầu ăn… ít nhất cho tới ngày 31/12/2022.

Trong đó, đáng ngại nhất là mặt hàng lúa mì bởi đây là nguyên liệu khá quan trọng trong sản xuất của Việt Nam. Một số doanh nghiệp cho rằng, nếu không có lúa mì, nhiều ngành sản xuất sẽ gián đoạn sản xuất bởi gần như không có mặt hàng thay thế.

Theo Tổng cục Hải quan, trong quý I/2022, lượng lúa mì nhập khẩu của cả nước đạt trên 1 triệu tấn, tương đương trên 384 triệu USD, tăng gần 20% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái do giá trung bình tăng 36%. Việt Nam nhập khẩu lúa mì phần lớn từ thị trường Úc chiếm trên 70%, tiếp đến là Brazil khoảng 18% và Mỹ đứng thứ 3 chiếm gần 10%.

Chưa kể, lúa mì không chỉ là nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất chế biến bánh kẹo, thực phẩm mà còn là nguyên liệu đầu vào của ngành chăn nuôi.

Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu hơn 22 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong đó nhập khẩu lúa mì khoảng 2 triệu tấn. Nếu thiếu nguồn nguyên liệu lúa mì, trong tình hình giá các nguyên liệu đầu vào khác như bắp, đậu nành… tăng giá thì sẽ tác động lớn đến giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam.

Đại diện Bộ Công Thương đã cảnh báo, nguy cơ về gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang. Bộ này cho rằng, mặc dù kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với Nga và Ukraine không lớn, song đây cũng là 2 quốc gia cung cấp nguồn nguyên liệu cơ bản, các loại nông sản như lúa mì, nguyên liệu như than, phân bón... nên khi xung đột kéo dài sẽ tác động đến giá cả trên thị trường toàn cầu, nhất là giá nguyên liệu đầu vào gia tăng.