Tăng cường kết nối chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên

Tây Nguyên là một trong những trung tâm sản xuất nông sản hàng hóa lớn của cả nước. Vì thế, việc tăng cường kế nỗi chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản khu vực này sẽ góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế vùng, nâng cao chất lượng nông sản, thu nhập cho người dân.

Tây Nguyên có tổng diện tích đất nông nghiệp trên 5 triệu ha, chiếm 91,75% diện tích đất tự nhiên. Phát huy những điều kiện thuận lợi của tự nhiên, khu vực này tập trung phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, cây dược liệu có chất lượng cao, sản lượng lớn và khả năng cạnh tranh, như cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, cao su, sắn, gỗ, sâm Ngọc Linh....; phát triển chăn nuôi đại gia súc, nuôi trồng thủy sản cá nước lạnh.

Trong đó nhiều nông sản dẫn đầu cả nước về sản lượng như cà phê (651.000 ha, chiếm 91% diện tích cà phê cả nước), hồ tiêu (82.000 ha, chiếm 64%), bơ (15.000 ha, chiếm 78%), chanh leo (6.700 ha, chiếm 70%)... Hiện khu vực Tây Nguyên có 141 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm với nhiều sản phẩm đặc trưng như cà phê, mắc ca, mật ong… 583 sản phẩm OCOP được công nhận.

cf-hoang-liem-1653211567.gif
Tây Nguyên là khu vực sản xuất nông sản phong phú với sản lượng dồi dào, nhiều loại nông sản dẫn đầu cả nước. Ảnh: Hoàng Liêm

Đến nay, hệ thống hạ tầng giao thông Tây Nguyên cơ bản đã thông suốt, thuận lợi kết nối khu vực, liên vùng về đường bộ, Tây Nguyên còn có ba cảng hàng không. Dự kiến, giai đoạn 2021-2025 sẽ khởi công ba tuyến đường bộ cao tốc kết nối nội vùng và liên vùng, gồm Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, Tân Phú - Bảo Lộc; Bảo Lộc - Liên Khương.

Ngoài ra, khu vực này có hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật, thương mại, du lịch thuận lợi cho phát triển nông sản nội vùng, liên vùng, xuất khẩu. Hội tụ đầy đủ các yếu tố để kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên. Nhờ vậy, sản xuất kinh doanh nông nghiệp vùng Tây Nguyên liên tục phát triển theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế vùng, địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với cơ chế thị trường. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 tăng 6,05%/năm, năm 2021 tăng 5,8% và chiếm gần 12,8% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp cả nước.

trong-xen1-1653211606.jpg
Nhiều địa phương tại Tây Nguyên mở rộng diện tích trồng xen canh cây công nghiệp với cây ăn quả nhằm nâng cao sản lượng nông sản

Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp và nông sản Tây Nguyên đang phải đối diện với nhiều khó khăn như: Tác động biến đổi khí hậu làm gia tăng tình trạng thiếu nước tưới trong mùa khô; sâu bệnh nhiều, dẫn đến phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ cây trồng, tăng đầu vào sản xuất, gây khó khăn cho sản xuất chứng nhận và quản lý chất lượng sản phẩm...

Cùng với đó, hiện nay diện tích nuôi, trồng vẫn chưa thực sự lớn; công nghệ canh tác, thu hoạch còn thủ công, lạc hậu; chất lượng giống cây trồng vật nuôi chưa cao, công tác quản lý giống cây trồng chưa thực sự tốt,...

gia-tang-1653211624.png
Đẩy mạnh kết nối chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ nông sản góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất

Để khắc phục những tồn tại trên và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất-chế biến tiêu thụ nông sản bền vững, nâng tầm giá trị nông sản vùng Tây Nguyên trên toàn cầu, Bộ NN&PTNT cho rằng: Khu vực này cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng, đổi mới cơ cấu cây trồng, chuyển đổi cây trồng kém thích nghi, hiệu quả kinh tế thấp; ưu tiên phát triển các cây trồng có lợi thế và nhu cầu lớn.

Cùng với đó phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ và hoạt động khuyến nông, hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, phát huy vai trò liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp và xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, tạo mọi điều kiện thuận lợi, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn vào Tây Nguyên để khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của vùng...