Xuất khẩu mặt hàng thủy sản Việt Nam sang thị trường EU: Cơ hội và thách thức

Trong nhiều năm qua, Liên minh châu Âu (EU) luôn là một trong 5 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Về phía EU, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản đứng thứ hai trong khu vực châu Á, chỉ xếp sau Trung Quốc.

1. Đặt vấn đề

Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của EU là rất lớn, trên 50 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, đây là thị trường khó tính đòi hỏi chất lượng và có tính bảo hộ rất cao với hàng rào thuế quan, đặc biệt là các rào cản nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh, an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật, tiêu chuẩn kĩ thuật đối với thực phẩm, tiêu chuẩn an toàn cho người sử dụng, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường...

Một trong những vấn đề nan giải nhất là giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất. Trong khi đó, những hạn chế, yếu kém nội tại về sản xuất còn quá thủ công và nhỏ lẻ, mặc dù đã được khắc phục nhiều nhưng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU trong những năm gần đây gặp nhiều khó khăn, nhất là từ tháng 10/2017 - thời điểm Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) áp thẻ vàng IUU (khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định). Đây cũng là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu thủy sản sang EU sụt giảm liên tiếp trong giai đoạn 2018-2020, cho dù những năm trước luôn ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá. Đến tận năm 2022, ngành Thủy sản Việt Nam vẫn phải chịu nhiều tác động tiêu cực của thị trường thế giới như chiến tranh, lạm phát.

EU luôn là đối tác nhập khẩu lớn, với sức mua đứng thứ hai thế giới và là thị trường trọng điểm của xuất khẩu Việt Nam. EU có 27 quốc gia thành viên với dân số là 446,8 triệu người (tháng 1/2022 theo thống kê của Eurostat). EU rất cao và là khu vực thị trường có nhu cầu và yêu cầu tiêu dùng, nhập khẩu thủy sản cao nhất thế giới hiện nay. Theo EUMOFA, mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người ở EU năm 2022 đạt khoảng 23,97 kg/người/năm. Tổng lượng tiêu thụ thủy sản ở EU lên tới 12,77 triệu tấn/năm. Nguồn cung thủy sản từ ngoài khối EU chủ yếu đến từ các quốc gia đang phát triển, chiếm 73% tổng giá trị nhập khẩu từ bên ngoài EU là các nước Trung Quốc, Ecuador, Việt Nam, Marốc và Ấn Độ. Đây có thể nói là cơ hội tốt cho ngành thuỷ sản Việt Nam.

Tuy nhiên, đặc điểm nổi bật của thị trường EU là quyền lợi của người tiêu dùng rất được bảo vệ. Hàng hoá được nhập khẩu vào thị trường này phải đảm bảo đầy đủ về chất lượng, nguồn gốc, mẫu mã, vệ sinh an toàn cao. Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, chính quyền EU thường xuyên tiến hành kiểm tra các sản phẩm ngay từ nơi sản xuất và có hệ thống cảnh báo giữa các thành viên, đồng thời bãi bỏ việc kiểm tra các sản phẩm ở biên giới.

2. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU trong giai đoạn từ 2017-2022

2.1. Về kim ngạch xuất khẩu

Trong giai đoạn 2017-2020: Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU có xu hướng giảm mạnh kể từ năm 2017, giá trị xuất khẩu giảm từ 1,481 tỷ USD năm 2017 xuống 1,22 tỷ USD năm 2022. Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng hải sản sang EU giảm 6%. Năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đạt khoảng 1,3 tỷ USD, trong đó sản phẩm hải sản khai thác đóng góp khoảng 387 triệu USD. So với năm 2018, thì kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU năm 2019 giảm 12%.

Xuất khẩu thuỷ sản sang khối EU năm 2020 giảm 26% đạt khoảng 960 triệu USD, nguyên nhân chính là do Brexit, Anh rời khỏi thị trường. Trong giai đoạn 2015-2018, EU luôn là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Nhưng từ năm 2019, vị trí này đã xuống mức thứ tư (sau Mỹ, Nhật Bản và trung Quốc), xuất khẩu thủy sản sang EU năm 2019 đạt 1,297 tỷ USD giảm 11,9% so với năm 2018 và giảm 12,4% so với năm 2017.

Xu hướng giảm này tiếp tục kéo dài đến năm 2020, đặc biệt do bị tác động kép bởi dịch Covid-19 và Brexit (Anh rời khỏi EU) khiến giá trị nhập khẩu chung của cả khối sụt giảm đáng kể, EU tụt xuống vị trí thứ 5 trong các thị trường nhập khẩu của Việt Nam. Đến năm 2021, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đã lội ngược dòng ngoạn mục trong những tháng cuối năm đưa kết quả cả năm 2021 vượt trên trên 8,9 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2020. Trong đó, riêng xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU đạt trên 1 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020, đồng thời, chiếm 12% thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đứng vị trí thứ ba, xếp sau Hoa Kỳ và Trung Quốc (VASEP, 2022)[1]

Tuy nhiên, EU đang khủng hoảng bởi lạm phát do đó xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường EU bắt đầu chững lại từ tháng 9 và sẽ tiếp tục khó khăn hơn trong những tháng cuối năm 2022. Tuy vậy, nhờ tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu sang thị trường EU nên đến hết năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đạt gần 1,3 tỷ USD, vẫn tăng 20%, riêng trong tháng 12, thị trường này giảm 32% nhập khẩu thủy sản Việt Nam.

[1] VASEP (2022), Xuất khẩu thủy sản năm 2022 cán đích 11 tỷ USD.

2.2. Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu

Bảng 1: Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU giai đoạn 2017-2021 (ĐVT: Triệu USD)

Sản phẩm

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

9T/2021

Tổng cộng

1480,717

1471,806

1297,2

959

744

Tôm

862,818

838,295

652,16

516,328

408

Cá tra

203,023

243,958

287,75

190,5

78

Cá ngừ

141,936

158,274

315,63

136

106

Mực, bạch tuộc

106,102

83,055

72,258

57,8

42,3

Các hải sản khác

166,838

148,224

144,762

58,372

109,7

Nguồn: VASEP, 2022

Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ yếu vào thị trường EU bao gồm tôm, cá tra, nhuyễn thể và cá ngừ, trong đó tôm là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn. EU vẫn là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 23,6% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường.

Giai đoạn 2017-2020: trong năm 2018, giảm chủ yếu ở sản phẩm cá ngừ bị giảm 6,3%, mực và bạch tuộc giảm hơn 13%. Năm 2019, xuất khẩu cá ngừ giảm khoảng 5%, mực và bạch tuộc giảm 13%, tôm giảm 17%, riêng xuất khẩu một số mặt hàng hải sản như cá biển và hải sản khác vẫn tăng 11%. Năm 2020, xuất khẩu một số mặt hàng thủy sản tôm, cá ngừ tăng trở lại sau Hiệp định EVFTA. Nhờ đó, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang EU trong cả năm 2020 lên 136 triệu USD, tăng 2,4% so với năm 2019.

Sang quý 3 năm 2021, xuất khẩu cá các loại như: cá tra, cá đông lạnh, cá ngừ, cá khô, cá đóng hộp là những mặt hàng bị tác động mạnh bởi đợt dịch Covid-19, xuất khẩu tôm chịu tác động nhẹ hơn. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tôm sang EU đạt gần 408 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ. Xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng mạnh nhất 30% so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm hải sản xuất khẩu sang EU tăng 23%, chỉ bị giảm ở một số loài nhập khẩu để chế biến và xuất khẩu như cá tuyết, cá minh thái… Xuất khẩu cá tra sang EU giảm 13% do chi phí đầu vào quá cao (đặc biệt là logistic, container, đường biển). Năm 2021, sau khi EU mở cửa lại thị trường, xuất khẩu thủy sản sang EU tăng mạnh, đạt trên 1 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2020. Năm 2022, xuất khẩu sang EU tính đến hết tháng 11 ghi nhận tăng trưởng cao 26%, tuy nhiên riêng trong tháng 12, thị trường này giảm 32% nhập khẩu thủy sản Việt Nam.

Những thuận lợi của năm 2022 như nhu cầu cao, giá xuất khẩu tăng, nguồn cung ổn định đã và sẽ không còn tiếp tục trong quý I năm tới. Lạm phát ngấm sâu vào nền kinh tế các nước, khiến nhu cầu và đơn hàng giảm mạnh.

2.3. Về thị trường xuất khẩu

Năm 2017, lần đầu tiên EU vượt qua Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản số một của Việt Nam, với tổng kim ngạch đạt mức 1,46 tỷ USD, tăng 22,1% so với năm 2016. Năm 2018, do ảnh hưởng của thẻ vàng IUU đã khiến cho tổng xuất khẩu thủy sản sang EU chỉ tăng nhẹ lên 1,47 tỷ USD. Anh, Hà Lan, Đức là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất trong khối EU. Xuất khẩu sang Anh và Đức năm 2018 tăng trưởng lần lượt là 13% và 11%, xuất khẩu sang Hà Lan giảm 15% so với năm 2017. Trong các năm tiếp theo là 2019, 2020, giá trị xuất khẩu thủy sản sang các thị trường này bị giảm do nhóm hàng thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu tới EU chịu ảnh hưởng bởi “thẻ vàng” IUU và dịch bệnh Covid 19. Sang đến năm 2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang các thị trường EU đã có dấu hiệu tích cực khả quan hơn do bứt phá từ Hiệp định EVFTA.

Bảng 2: Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các nước EU giai đoạn 2016-2020

(ĐVT: Triệu USD)

Thị trường

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Đức

176

183

194

189

181

Italia

135

148

117

105

92

Hà Lan

204

334

297

215

218.7

Tây Ban Nha

85

61

81

79

64

Pháp

95

103

107

99.56

80

Bỉ

124

165

149

128

134

Anh

205

283

321

280.3

345

EU

1209

1460

1472

1291

959

Nguồn: Tổng cục Hải quan

3. Đánh giá chung

3.1 Cơ hội

Tận dụng các lợi thế về thuế quan để tăng xuất khẩu: Cơ hội về thuế xuất nhập khẩu với EU, có lợi thế cạnh tranh hơn khi tham gia các FTAs cũng là cơ hội tốt cho thủy sản Việt Nam tăng sức cạnh tranh, tăng cường hợp tác liên doanh để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến chuỗi giá trị.

Mở rộng thị trường, đa dạng hóa và dịch chuyển nguồn nguyên liệu, tận dụng nguồn lao động và công suất chế biến trong nước.

Cơ hội tiếp cận công nghệ sản xuất chế biến hiện đại, công suất cao từ các nước phát triển ở Mỹ, EU, Nhật Bản. Ngoài ra, còn là cơ hội để tiếp cận và áp dụng công nghệ của các nước trong sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Cải cách thủ tục hành chính, khung pháp lý, quy định kiểm tra chuyên ngành,... theo yêu cầu từ các hiệp định sẽ tạo cơ hội thuận lợi, thông thoáng hơn cho các nhà sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản.

3.2 Thách thức

Ngoài việc mang lại cơ hội về thuế xuất nhập khẩu nhưng cũng tạo ra những thách thức cho ngành Thủy sản Việt Nam, liên quan đến các vấn đề như quy tắc xuất xứ, rào cản kỹ thuật, bảo hộ thương mại, sự gia tăng cạnh tranh, vấn đề lao động, nguồn nguyên liệu có giá thành sản xuất cao, thị trường sẽ đặt ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn, không chỉ với sản phẩm mà với cả doanh nghiệp, rào cản kỹ thuật và bảo hộ thương mại, chịu cạnh tranh mạnh mẽ: Tham gia vào các hiệp định thương mại đồng nghĩa với việc mở cửa và hội nhập hơn nữa vào tất cả các thị trường. Đây cũng chính là những rào cản không nhỏ đang giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại các thị trường nhập khẩu lớn. Bên cạnh đó là thách thức về vấn đề lao động khi thực trạng lao động trong ngành không ổn định.

3.3. Những mặt hạn chế cần khắc phục

Thứ nhất, chất lượng thủy sản Việt Nam còn thấp.

Thứ hai, trong lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản các doanh nghiệp, trang trại, hộ nông dân phát triển nhanh, nhưng tư duy sản xuất manh mún, thiếu định hướng dẫn đến cường độ cạnh tranh lớn và suy giảm nguồn lợi thủy sản.

Thứ ba, công nghệ chế biến thủy sản của chúng ta vẫn lạc hậu cho nên thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào EU chủ yếu vẫn là hàng thô, sơ chế, những mặt hàng chế biến sâu và giá trị gia tăng còn ít cho nên chưa vận dụng những ưu đãi về thuế mà hiệp định EVFTA đem lại.

Thứ tư, các quy định áp dụng đối với thủy sản nhập khẩu vào thị trường EU là rất phức tạp và khắt khe và với xu hướng ngày càng tăng lên.

Thứ năm, Hiệp định EVFTA yêu cầu sản phẩm thủy sản phải có xuất xứ thuần túy từ Việt Nam hoặc sử dụng nguyên liệu có xuất xứ thuần túy được nhập khẩu từ EU.

Thứ sáu, hệ thống chính sách phát triển xuất khẩu thủy sản chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, chất lượng các văn bản chưa cao.

3.4. Nguyên nhân của những hạn chế

Thứ nhất, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU ngày càng mờ nhạt và thu hẹp vì ảnh hưởng thẻ vàng IUU, thủ tục làm Giấy xác nhận và Chứng nhận gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, ngành Thủy sản Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn trong chiến lược phát triển theo chiều sâu.

Thứ ba, công tác xúc tiến thương mại cho sản phẩm trên thị trường EU chưa được chú trọng.

Thứ tư, công tác quản lý nhà nước về thủy sản còn nhiều bất cập.

Thứ năm, một số nguyên nhân khách quan từ thị trường EU.

(Ghi chú: Ảnh đại diện bài mang tính chất minh họa. Nguồn ảnh: Bộ Công Thương).

Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Hoàng Ngọc Quang (Khoa Kinh tế Chính trị - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội)