Cụ thể, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) mới đây đã tổng hợp báo cáo và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn có liên quan cho ngành thuỷ sản giai đoạn hiện nay. Theo VASEP, cần điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4%/năm và lãi suất vay VNĐ xuống dưới 7%/năm để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) thủy sản được giãn nợ từ 4 đến 6 tháng cho các khoản vay đến lịch phải trả trong quý II-III/2023 và tiếp tục được vay theo hạn mức trong bối cảnh giảm xuất khẩu của 6 tháng đầu năm để các doanh nghiệp có thể thu gom ổn định nguồn nguyên liệu của nông-ngư dân và chế biến, trữ hàng chuẩn bị cho xuất khẩu ở các quý tiếp theo trong năm 2023.
Cùng với đó, hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên bao gồm thủy sản, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thủy sản và DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh và tạo cơ sở thúc đẩy sinh kế cho chuỗi nông-ngư dân phía trước.
Đề xuất sửa đổi lại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP để hủy bỏ quy định coi giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, giúp doanh nghiệp không phải bị áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
VASEP cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quan tâm và xem xét có gói kích cầu 10.000 tỷ đồng cho thủy sản nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long. Gói kích cầu dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu thực sự mua dự trữ nguyên liệu từ nay để xuất khẩu sau 3-6 tháng nữa trong năm 2023 và quý 1/2024, ứng phó với tình trạng đơn hàng xuất khẩu không có trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện kích cầu sớm sẽ khiến người nuôi thủy sản có tâm lý yên tâm tiếp tục thả nuôi thay vì treo ao trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài ra, Hiệp hội cũng đề xuất giảm chi phí kinh doanh thông qua chính sách thuế, phí, mức đóng BHXH và thời điểm đóng BHXH; giảm chi phí, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và xuất - nhập khẩu, duy trì chuỗi cung ứng, việc làm; vướng mắc trong quy định về phòng cháy chữa cháy và thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng dự án cũ của doanh nghiệp.
Theo VASEP, các doanh nghiệp thủy sản chủ yếu sản xuất hàng xuất khẩu nên thường vay USD. Từ quý III/2022, nhiều ngân hàng đã thông báo và áp dụng ngay sau đó việc tăng lãi suất vay USD từ 2,1 - 2,8%/năm lên mức 3 - 3,3%/năm và thậm chí đến 4,5%/năm và hiện tại thì đa phần đang ở mức cao 4,1 - 4,9%/năm; có những doanh nghiệp nhận lãi suất cao hơn 5%/năm trong bối cảnh sụt giảm của sản xuất - xuất khẩu thủy sản.
Ngoài lãi suất đã cao, doanh nghiệp thuỷ sản còn đang chịu thêm các khoản phí khác như phí chuyển tiền từ nước ngoài về (0,05%), phí thanh toán L/C (0,1%), phí ký hậu Bill (10 USD), phí xử lý chứng từ (10 USD), phí chấp nhận L/C trả chậm (50 USD),…
Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất là đối tượng cần được hỗ trợ về vốn để đầu tư, phát triển nhưng còn chịu thêm việc áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của doanh nghiệp trong các năm đầu khi mới đầu tư.
Việc hạn chế cho vay dưới mức tín dụng được cấp, các khoản vay mới chỉ được giải ngân tương ứng với khoản vay cũ khi phải trả nợ trước đó cũng là vấn đề đáng quan ngại. Từ bối cảnh khó khăn trên đã gây ra áp lực và căng thẳng với các doanh nghiệp thuỷ sản.