Kỳ vọng xuất khẩu thủy sản tăng trưởng trong những tháng cuối năm

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), mặt hàng có khả năng phục hồi sớm nhất là xuất khẩu cá tra do giá cả phù hợp với người tiêu dùng.

Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ đạt hơn 3,2 tỷ USD, tiếp tục giảm mạnh gần 30% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu từ 10 - 50% tại tất cả các thị trường xuất khẩu chính. Trong đó, thị trường giảm mạnh nhất là thị trường Mỹ hơn 50% so với cùng kỳ, thị trường EU giảm gần 32% và Trung Quốc giảm hơn 25%. Các mặt hàng chính của xuất khẩu thủy sản Việt Nam đều giảm như tôm giảm gần 36%, cá tra giảm gần 40% và cá ngừ giảm hơn 30%.

Dự báo, các thị trường thuỷ sản vẫn tiếp tục giảm trong quý 3/2023, cuối năm xuất khẩu chỉ đạt 8,6 tỷ USD.

Thông tin trên vừa được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm do Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam tổ chức, diễn ra vào ngày 12/6 tại TP.HCM.

Theo VASEP, mặt hàng có khả năng phục hồi sớm nhất là xuất khẩu cá tra do giá cả phù hợp với người tiêu dùng. Ước tính xuất khẩu thủy sản năm 2023 cố gắng duy trì mức 9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm đạt 3,5 tỷ USD, xuất khẩu cá tra đạt 1,9 tỷ USD và xuất khẩu hải sản đạt 3,6 tỷ USD.

Mục tiêu đặt ra trong nửa cuối năm là tiếp tục giữ được thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn dự báo sẽ phục hồi từ quý III như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Đồng thời, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của doanh nghiệp Việt.

ca-tra-0409-1686559434.jpg

Xuất khẩu thuỷ sản năm 2023 dự báo đạt 8,6 tỷ USD. Ảnh minh họa

Về phía doanh nghiệp cho biết, các doanh nghiệp đang nỗ lực để tìm kiếm các thị trường mới cho sản phẩm thủy sản. Trong giai đoạn này chấp nhận bán với giá thấp hơn để giữ thị trường với hy vọng vượt qua thách thức đang diễn ra.

Với triển vọng phục hồi nửa cuối năm, ngành thủy sản của Việt Nam vẫn có sự lạc quan tại các thị trường có nền kinh tế tăng trưởng trong năm nay như khu vực châu Á, Trung Đông… để bù đắp những khó khăn trong giai đoạn đầu năm.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, từ nay đến cuối năm 2023, các doanh nghiệp cần thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất các giải pháp, kịp thời thông tin để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp; tăng cường sự hợp tác, đoàn kết giữa các doanh nghiệp trong việc tiếp cận, duy trì và mở rộng, đa dạng hóa thị trường.

"Khi có các vướng mắc trong xuất khẩu, VASEP kịp thời thông tin bộ, ngành để có giải pháp xử lý kịp thời; tiếp tục chủ động đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các chính sách để tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất; đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả; giữ vững và phát triển thị trường đầu ra, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết thêm.

Thi Nguyên (t/h)