*Tại Lai Châu: Tính đến 14h ngày 22/2, số lượng gia súc bị chết do rét trên địa bàn tỉnh Lai Châu gồm 13 con trâu, bò, bê. Số gia súc bị chết tập trung ở hai huyện Sìn Hồ 8 con và huyện Tân Uyên 5 con. Ngoài ra, trong đợt rét đậm, rét hại này tại xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn có 1 bê con bị chết nhưng nguyên nhân được xác định là do gia súc mắc bệnh tiêu chảy từ những ngày trước đó.
Để tăng cường công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp; xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn kiểm tra công tác phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Trong đợt rét từ ngày 19/2 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu đã thành lập đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống, đói rét trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản tại các huyện trên địa bàn tỉnh; các huyện, thành phố đã cử cán bộ trực tiếp xuống các xã, thị trấn, tới tận thôn, bản đôn đốc, hướng dẫn người dân phòng chống đói, rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương tăng cường đôn đốc, hướng dẫn người dân trong công các phòng, chống đói, rét cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Hướng dẫn tới các hộ chăn nuôi, trồng trọt thực hiện các biện pháp xây dựng, củng cố chuồng trại, tránh gió lùa. Khuyến cáo người dân không thả rông, chủ động đưa trâu, bò về chỗ nuôi nhốt, che chắn chuồng kín gió, nền chuồng khô ráo, sưởi ấm vào ban đêm. Ngoài ra, khi nhiệt độ xuống thấp nên mặc áo chống rét bằng bao tải, áo rơm hoặc chăn cũ để giữ ấm cho trâu, bò và không cho trâu, bò làm việc, không chăn thả ngoài trời.
Mặt khác, các địa phương thường xuyên cập nhật, theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết, khí hậu để kịp thời thông tin và đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn. Thống kê thiệt hại hàng ngày, tổng hợp báo cáo về Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và UBND tỉnh Lai Châu để có biện pháp chỉ đạo, khắc phục kịp thời.
*Tại Yên Bái: Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái, tính đến 15h ngày 22/2, số trâu, bò, lợn bị chết rét trên địa bàn tỉnh là 38 con. Cụ thể, số gia súc chết tại huyện Lục Yên là 4 con, Mù Cang Chải 16 con, Trạm Tấu 18 con. Gia súc chết rét chủ yếu là những con già yếu và con non, sức đề kháng yếu.
Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, để chủ động hơn nữa trong phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, tỉnh Yên Bái yêu cầu các địa phương và người dân trong tỉnh cần tiếp tục chủ động phòng chống rét cho đàn gia súc, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi.
Ngành nông nghiệp Yên Bái đã đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo tới các xã, thị trấn trên địa bàn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân gia cố, che chắn chuồng trại và chăm sóc, nuôi nhốt đàn gia súc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt; dự trữ đủ lượng thức ăn thô xanh, tinh bột, muối khoáng cho đàn gia súc; phân công cán bộ thường xuyên bám địa bàn các xã, thôn để trực tiếp hướng dẫn người dân che chắn, sửa chữa chuồng trại; thực hiện nuôi nhốt trâu, bò tại chuồng khi nhiệt độ xuống quá thấp, cần bổ sung thêm thức ăn tinh và nước muối pha loãng để bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, đảm bảo cho đàn gia súc phát triển khỏe mạnh.
Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, hiện, tổng đàn gia súc chính trên toàn tỉnh có khoảng trên 755.000 con; trong đó, đàn trâu đạt gần 100.000 con, đàn bò đạt trên 35.000 con, đàn lợn đạt trên 620.000 con, cơ cấu ngành chăn nuôi chiếm gần 25% của cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp của tỉnh. Do vậy, việc phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc là nhiệm vụ rất quan trọng, không chỉ tác động đến tăng trưởng của ngành nông nghiệp mà trực tiếp ảnh hưởng đến kinh tế hộ gia đình của phần lớn nông dân Yên Bái./.