Nhiều hoạt động đưa hàng Việt đến người tiêu dùng
Trong hơn 20 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã liên tục tăng trưởng với tốc độ khá cao; sản xuất trong nước ngày một đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và tiêu dùng xã hội. Giá trị tổng sản phẩm trong nước tăng nhanh, thu nhập bình quân GDP đã đạt trên 1.000 USD người/năm.
Chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam ngày một cao hơn, sản phẩm đã có sức cạnh tranh trên thị trường như: Cà phê, gạo, hạt điều, thủy sản… Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn những yếu kém, hàm lượng trí tuệ và công nghệ trong sản phẩm hàng hóa còn thấp, thị trường nội địa chưa được quan tâm khai thác, tâm lý sính dùng hàng ngoại vẫn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng.
Trước thực tế trên, năm 2009, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương tổ chức Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và trong nỗ lực đưa hàng Việt Nam tới gần hơn với người tiêu dùng Việt, Ban chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã tổ chức chương trình Bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" để vinh danh, lan tỏa thương hiệu, sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước.
Năm 2023 là năm chương trình Bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" được tổ chức lần thứ 13. Chương trình tiếp tục trở thành một trong những hoạt động quan trọng của TP. Hà Nội nhằm xây dựng văn hóa, thói quen tiêu dùng của người Việt với hàng Việt, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp có ý thức sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh cho thương hiệu Việt…
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP. Hà Nội cho biết, qua 13 năm triển khai Cuộc vận động, trước đòi hỏi khắt khe của thị trường, nhiều nhà sản xuất, kinh doanh dịch vụ đã sáng tạo trong xây dựng sản phẩm hàng hóa, cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao được người tiêu dùng yêu thích.
Năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội và các tổ chức thành viên đã đẩy mạnh truyên truyền trong cán bộ, đảng viên để thực hiện phục hồi và phát triển kinh tế. "Chúng ta đẩy mạnh chương trình đưa hàng Việt về với người dân và người tiêu dùng, đồng thời tích cực tham gia bình ổn thị trường sau tác động đại dịch và tác động lạm phát. Đây là cố gắng lớn của Thủ đô và cả hệ thống chính trị", ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo đó, đã tổ chức 7 chương trình Phiên chợ hàng Việt tại những địa bàn khác nhau và tổ chức các hội chợ để kích cầu người tiêu dùng. Các quận cũng triển khai kết nối giao thương với các đơn vị trong cả nước để đưa hàng nông sản trên địa bàn, giới thiệu, quảng bá tới người tiêu dùng; tiếp tục mở rộng các điểm quảng bá các sản phẩm OCOP. Hiện, Hà Nội có hơn 1.000 sản phẩm OCOP, các sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô.
Năm 2022, trong bối cảnh tác động sau đại dịch, kết quả đạt được rất đáng ghi nhận khi nhận được hơn 220 doanh nghiệp gửi hồ sơ với 288 sản phẩm, dịch vụ có chất lượng. Số lượng bình chọn tham gia chương trình bình chọn năm sau cao hơn năm trước, cả từ bình chọn trực tuyến đến trực tiếp. Đây là con số có ý nghĩa, khẳng định sự quan tâm của người tiêu dùng đối với cuộc vận động.
Từ kết quả của năm 2022, có thể khẳng định Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong những năm qua được Hà Nội triển khai bài bản, có hiệu quả, tác động lớn đến sự phát triển của Thủ đô.
Giúp doanh nghiệp Việt lan tỏa thương hiệu
Chia sẻ thêm về sự khác biệt trong sức tiêu thụ của các sản phẩm được vinh danh so với những sản phẩm không được vinh danh cũng như hiệu quả chính sách ưu đãi của Thành phố đối với các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong nước, xây dựng các thương hiệu lớn, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, các doanh nghiệp được vinh danh có sự khác biệt lớn bởi chiến lược xây dựng sản phẩm cũng như sự chủ động trong quảng bá thương hiệu.
Các hoạt động truyền thông của doanh nghiệp gắn với hoạt động truyền thông của Ban Tổ chức, tạo hiệu ứng kép cho Chương trình. Từ đó, tạo được mức tăng trưởng trung bình hằng năm là 20%. Với các doanh nghiệp được vinh danh khác thông qua các kênh truyền thông, quảng bá sản phẩm dịch vụ, số lượng người biết đến, sản phẩm dịch vụ tăng từ 5%-10%.
Ngoài lợi thế về chất lượng, các sản phẩm tham dự Chương trình còn được đánh giá cao bởi tốc độ tăng trưởng doanh số của sản phẩm.
Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Vietsense Nguyễn Văn Tài cho hay, doanh nghiệp có tour Phú Quốc trọn gói được bình chọn trong chương trình. Kết quả cho thấy, cuộc bình chọn của người tiêu dùng khách quan và sản phẩm chất lượng. Kết quả bình chọn mang lại hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp, khẳng định giá trị tinh túy của sản phẩm mà chúng tôi dày công xây dựng.
"Qua sản phẩm này, chúng tôi nhận thấy khách hàng rất quan tâm đến doanh nghiệp trong nước và có ưu ái hơn so với doanh nghiệp quốc tế, độ phủ thương hiệu của doanh nghiệp cũng rộng hơn", ông Tài nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Tâm Bình chia sẻ, việc tham gia và hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", cũng như chương trình bình chọn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp công ty lan tỏa thương hiệu. Thông qua việc tham gia các Hội chợ, Tuần hàng Việt, các chương trình bình chọn…, sản phẩm của doanh nghiệp đã được đông đảo người tiêu dùng Thủ đô và cả nước tin tưởng, lựa chọn.
Ở góc độ là một người tiêu dùng, chị Phương Thảo (Cầu Giấy, Hà Nội) mong muốn, thời gian tới, Chương trình sẽ được truyền thông phong phú, hấp dẫn hơn nữa để đông đảo người tiêu dùng có thể biết đến về Cuộc vận động về hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích và tham gia bình chọn. Từ đó, đưa hàng Việt đến gần với người tiêu dùng hơn.