Nội dung trên là một trong những chủ đề được nhấn mạnh tại Hội thảo "Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Báo Tuổi Trẻ và UBND tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp tổ chức ngày 10/12. Hội thảo có sự tham gia của hơn 150 đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp.
Sóc Trăng đã đóng góp không nhỏ cho quá trình xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam
Phát biểu tại Hội thảo, ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, nhấn mạnh, đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần quảng bá “thương hiệu gạo Việt”, đặc biệt là trong giai đoạn các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang tích cực triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Theo ông Nam, Sóc Trăng có diện tích gieo trồng lúa đứng thứ 5 trong 13 tỉnh, thành của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hàng năm gieo trồng trên 330 ngàn ha, với sản lượng đạt trên 2,1 triệu tấn/năm. Đặc biệt, tỷ lệ lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm hơn 93%, riêng giống lúa ST24 và ST25 chiếm 18,1% một giống lúa có chất lượng gạo được xếp vào hạng “Gạo ngon nhất thế giới” qua các kỳ dự thi Quốc tế. Năm 2024, giá trị xuất khẩu gạo đạt khoảng 789 triệu USD.
“Qua việc phát triển các giống lúa đặc sản, thơm, sản xuất, xuất khẩu, dự thi, Sóc Trăng đã đóng góp không nhỏ cho quá trình xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên trường quốc tế; trong thời gian tới, khi chúng ta có cách quản trị, tổ chức sản xuất tốt và phương pháp tiếp cận thị trường bài bản, khoa học hơn sẽ hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển, mở rộng xuất khẩu và quảng bá “thương hiệu gạo Việt” trên trường quốc tế”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh.
Ông Nam cũng nhận định: Sự ra đời của Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 là bước ngoặt mới, là nền tảng mở đường cho sự phát triển ngành hàng lúa gạo Việt Nam giai đoạn mới.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay của Việt Nam đạt gần 8,5 triệu tấn với giá trị 5,31 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá gạo xuất khẩu bình quân ước đạt 627,9 USD/tấn, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất từ trước đến nay.
Việt Nam đã trở thành một trong những cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới cả về lượng và chất. Tuy nhiên, nhìn ở quy mô quốc tế, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu gạo quốc gia có sự nhận biết rộng rãi, cũng như thiếu vắng các thương hiệu gạo của doanh nghiệp trên kệ bán lẻ thế giới.
Thành công của ST25 là minh chứng cho tiềm năng lớn của ngành gạo Việt Nam
Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, đại diện chính quyền địa phương, công ty, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lúa gạo, trong và ngoài nước đã có những tham luận, thảo luận đóng góp nhiều ý kiến, kinh nghiệm chia sẻ nhằm đưa ra các giải pháp hướng tới xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt.
Ông Lê Thanh Hòa - phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết ngành lúa gạo Việt đã trải qua quá trình phát triển ấn tượng trong những thập kỷ qua. Từ một nước nhập khẩu, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới, được tổ chức lương thực thế giới (PAO) xếp là quốc gia đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Vụ lúa gạo 2024, cả nước có 7,09 triệu ha, năng suất trung bình 61,2 tạ/ha, và sản lượng 43,4 triệu tấn. 10 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu gạo Việt sang Phillipines tăng 59,1%, sang Indonesia 20,2% và Malaysia tăng 2,2 lần.
Ông Hòa cho biết thêm, vai trò của thương hiệu trong phát triển ngành gạo là yếu tố gia tăng giá trị sản phẩm và tính cạnh tranh, gắn kết mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng.
Ông cũng nêu một số thực trạng phát triển thương hiệu gạo tại Việt Nam hiện nay đã mang lại kết quả. Cụ thể là một số doanh nghiệp gạo Việt Nam đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu và tạo dựng chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Điển hình là các thương hiệu như gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua. Trong đó, gạo ST25 đã mang lại niềm tự hào cho ngành nông nghiệp Việt Nam khi giành danh hiệu "Gạo ngon nhất thế giới".
Thành công của ST25 là minh chứng cho tiềm năng lớn của ngành gạo Việt Nam, tạo tiền đề để ngành gạo Việt Nam nâng tầm thương hiệu trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, việc phát triển thương hiệu gạo Việt còn một số khó khăn, như xây dựng lòng tin về chất lượng, thiếu hỗ trợ pháp lý trong việc bảo hộ thương hiệu quốc tế và chưa chú trọng thị trường nội địa.
"Cần nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng phát triển thương hiệu gạo và chỉ dẫn địa lý, đa dạng hóa sản phẩm gạo xuất khẩu. Phát triển sản phẩm gạo giá trị gia tăng, đổi mới công nghệ trong sản xuất gạo và đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế, khẳng định vị thế thương hiệu", ông Hòa nêu 6 giải pháp để khắc phục và xây dựng thương hiệu gao Việt.
Ông Lê Thanh Tùng, nguyên phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng trong 30 năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang làm bước xây dựng thương hiệu gạo với các nền tảng khác nhau, về giống, quy trình canh tác, thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Theo ông Tùng, trong 30 năm, Việt Nam đã xuất khẩu gạo với nhiều chủng loại, đang đi dần tới gạo Việt Nam trắng, trong, hạt dài mà Việt Nam dày công xây dựng trong 20 năm gần đây.
Trước đây gạo trắng, trong, hạt dài chỉ chiếm 15-20%, hiện tại đã chiếm khoảng 75%. Còn lại 10% là nếp, 10% gạo cho chế biến, còn lại khoảng 10% gạo đặc thù (như gạo giảm đường, gạo canh tác theo Viet GAP, Global GAP).
"Xây dựng thương hiệu gạo phải từ doanh nghiệp, không đi từ quốc gia, xây dựng thương hiệu gạo từ quốc gia đều thất bại. Nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn sẽ làm hẹp đi sự sáng tạo của các doanh nghiệp.
Gạo cũng giống các mặt hàng khác, đánh giá thương hiệu từ mức độ an toàn, độ đồng đều, về thời gian, giá cả phù hợp, về thân thiện thị trường, cách tiếp cận chuỗi thị trường…
Không ai làm được chuyện này ngoài doanh nghiệp. Trong hội thảo hôm nay có nhiều doanh nghiệp đã làm được. Những cái này mà làm thành khối thì thành thương hiệu quốc gia.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai đề án 1 triệu hecta gạo chất lượng cao, phát thải thấp cũng là cách để theo định hướng đó xây dựng thương hiệu gạo: đi vào canh tác, có doanh nghiệp, xây dựng nhãn mác, xây dựng thương hiệu, bán giá ổn định… Đó đều là thương hiệu gạo Việt Nam", ông Tùng bày tỏ quan điểm.
Hội thảo “Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt” là hoạt động đầu tiên trong chuỗi chương trình truyền thông xây dựng thương hiệu gạo Việt do báo Tuổi Trẻ khởi xướng. Mục tiêu của chương trình là tạo ra một diễn đàn mở, kêu gọi sự tham gia tích cực của các chuyên gia hàng đầu, các doanh nghiệp và các nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm, để đưa ra được những đề xuất thiết thực, góp phần xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam ngày càng vững mạnh trên thị trường quốc tế./.