Quảng cáo #128

Nâng tầm giá trị vị thế thương hiệu Việt từ nỗ lực kết nối sâu chuỗi giá trị toàn cầu

Việt Nam ngày càng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống và đạt thặng dư thương mại. Tới nay, Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản đã trở thành đối tác thương mại chủ lực của Việt Nam. Điều này cho thấy, sự phát triển bền vững và năng lực cạnh tranh của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên thị trường toàn cầu.
vi-the-thuong-hieu-viet-1-1733385841.jpg
Tới nay, Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.(Ảnh minh họa)

Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng hợp tác kinh tế và thương mại quốc tế

Các chuyên gia cho rằng, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu truyền thống sang nhiều nước trên thế giới nhưng phần lớn các sản phẩm xuất khẩu lại ở dạng nguyên liệu hoặc bán thành phẩm. Đối tác nước ngoài sau khi thu mua sẽ tiến hành chế biến, đóng gói và gắn thương hiệu của họ. Điều này không chỉ làm giảm giá trị gia tăng mà còn làm mất đi cơ hội quảng bá thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế.

Đơn cử như mặt hàng cà phê Việt Nam là một trong những loại cà phê nổi tiếng thế giới nhưng rất ít người tiêu dùng quốc tế biết rằng đang uống cà phê xuất xứ từ Việt Nam. Phần lớn cà phê xuất khẩu của Việt Nam ở dạng hạt cà phê sống, chưa qua rang xay và đóng gói. Thế nhưng, người tiêu dùng thế giới lại biết đến các thương hiệu cà phê từ các quốc gia như Hoa Kỳ (Starbucks) hoặc Thụy Sĩ (Nestlé), trong khi nguyên liệu lại được nhập khẩu từ Việt Nam.

Tương tự, với truyền thống lâu đời trong sản xuất đồ gốm sứ và là một trong những nước xuất khẩu đồ gốm sứ lớn trên thế giới nhưng phần lớn sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam ở dạng phôi gốm, chưa qua trang trí, vẽ men và nung…. Nhiều sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc châu Âu và sau đó được bán dưới tên thương hiệu của các nước này mà người tiêu dùng quốc tế thường không biết rằng những sản phẩm mua từ Việt Nam.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, tại các nền tảng thương mại điện tử nhiều sản phẩm như hạt điều, tiêu đen và các loại gia vị khác từ Việt Nam được bán dưới thương hiệu của nhà nhập khẩu nước ngoài. Có lẽ điều này đã khiến người tiêu dùng quốc tế không hề biết rằng sản phẩm đang sử dụng có nguồn gốc từ Việt Nam. Vì vậy, thương hiệu Việt cũng vì thế mà mất đi cơ hội quảng bá cũng như gia tăng giá trị từ nguồn gốc xuất xứ.

vi-the-thuong-hieu-viet-3-1733385826.jpg
Hàng Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường mới, mở rộng hơn nữa hợp tác kinh tế và thương mại quốc tế.(Ảnh minh họa)

Theo ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, kiêm Chánh Văn phòng Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế thương mại quốc tế cho biết, sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã tích cực ký kết và tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương (FTA) với các đối tác chiến lược như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...

Tiến trình này đã giúp Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường mới, mở rộng hơn nữa hợp tác kinh tế và thương mại quốc tế. Việc gia nhập WTO còn mang lại những ảnh hưởng tích cực tới xã hội, nhất là trong việc giảm nghèo và nâng cao đời sống của người dân. Đồng thời, giúp tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới, cải thiện thu nhập và nâng cao mức sống của người lao động.

Theo ông Trịnh Minh Anh, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ, thể hiện qua các chỉ tiêu như từ mức 48,5 tỷ USD vào năm 2007, tăng lên khoảng 264 tỷ USD vào năm 2019 và ước tính xấp xỉ 336 tỷ USD trong 10 tháng năm 2024. Tới nay, Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản đã trở thành đối tác thương mại chủ lực của Việt Nam.

Nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Intel và LG đã đầu tư vào Việt Nam, giúp nâng cao năng lực sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu, đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Quan trọng là yếu tố tăng trưởng xuất khẩu cũng đã giúp cải thiện cán cân thương mại của Việt Nam từ chỗ thường xuyên nhập siêu trước khi gia nhập WTO đã dần chuyển sang xuất siêu, nhất là trong giai đoạn từ 2011 trở đi. Điều này chứng tỏ năng lực sản xuất và cung ứng của Việt Nam được cải thiện, nhờ vào cơ hội thương mại mà WTO mang lại.

Nỗ lực kết nối hợp tác, gia tăng giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết: Thương mại điện tử ở Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá cao; trong đó, thương mại điện tử bán lẻ trực tuyến tăng trưởng với mức tăng khoảng từ 16 - 30% trong 4 - 5 năm vừa qua và cũng là một trong những tốc độ tăng trưởng hàng đầu của thế giới. Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện nay đứng thứ 3 sau Indonesia và Thái Lan về giá trị bán lẻ trực tuyến thông qua các nền tảng giải pháp.

Dự báo của Công ty Nghiên cứu thị trường Zion Market Research cho thấy, từ năm 2020 - 2027, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử xuyên biên giới toàn cầu sẽ đạt hơn 28%/năm. Tại Việt Nam, trong 5 năm qua, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng lên nhanh chóng; trong đó, xuất khẩu trực tuyến giúp mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ.

Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, với vai trò xúc tiến thương mại, từ những chủ trương, chiến lược về thương mại, xuất nhập khẩu đã được Bộ Công Thương cụ thể hóa bằng những hành động để có thể nâng cao khả năng nhận biết của người tiêu dùng đối với hàng hóa, sản phẩm; kết nối được người sản xuất với người tiêu dùng; cung cấp các thông tin về nhu cầu, thị hiếu của thị trường, xu hướng thị trường một cách kịp thời, chính xác cho nhà sản xuất. Trong 15 năm qua, hoạt động xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương đã đóng góp tích cực trong hành trình khát vọng chinh phục của hàng Việt.

Cùng với sự đồng hành của Chính phủ, Bộ Công Thương, các bộ, ngành, địa phương và sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp, các thương hiệu hàng đầu của Việt Nam không chỉ có những cải tiến vượt bậc về giá trị thương hiệu và chỉ số sức mạnh thương hiệu. Các doanh nghiệp còn dần bắt kịp với xu thế toàn cầu, đầu tư vào giá trị vô hình trong doanh nghiệp, góp phần đáng kể trong việc gia tăng giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

vi-the-thuong-hieu-viet-2-1733385944.jpg
Năng lực sản xuất và cung ứng của Việt Nam được cải thiện, nhờ vào cơ hội thương mại mà WTO mang lại. (Ảnh minh họa)

Mới đây nhất, việc Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) (Hiệp định CEPA) là sự kiện mang tính dấu mốc lịch sử, tạo đột phá lớn trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước; mở ra con đường lớn cho Việt Nam tiến sâu vào thị trường Trung Đông-châu Phi. Quan trọng hơn, Hiệp định này giữ vai trò là điểm nhấn ghi nhận kết quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trong năm nay của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Đây là hiệp định FTA truyền thống với toàn bộ các nội dung vẫn thường có trong các hiệp định thương mại tự do khác nhưng với tiêu chuẩn cao và bao gồm nhiều yếu tố để chuẩn bị cho các xu thế phát triển của thế giới trong tương lai. Với những cam kết mang tính ưu đãi, cân bằng lợi ích giữa hai bên, hiệp định này sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại-đầu tư song phương giữa Việt Nam và UAE trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ hiệp định, UAE cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực đối với nhiều ngành hàng chủ lực và có tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam; mở cửa cho gần như toàn bộ các mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu.

Có thể nói việc ký kết Hiệp định CEPA với UAE được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy quan trọng cho Việt Nam trong việc tận dụng cơ hội thương mại và đầu tư tại khu vực thị trường Trung Đông. Đây là khu vực có nhiều nền kinh tế rất năng động, có quy mô kinh tế lớn nhưng lại chưa được doanh nghiệp Việt Nam để ý trong giai đoạn trước đây./.

Trọng Bình