Xây dựng mã số vùng trồng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp

Việc mã hóa vùng trồng mang lại nhiều ích lợi thiết thực cho nông dân như: Chuẩn hóa quá trình chăm sóc, quản lý cây trồng, vật nuôi, quản lý được diện tích trồng, đưa ra quy trình chuẩn trong chăm sóc; cảnh báo tình hình dịch bệnh, lên kế hoạch chăm sóc, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và ước lượng năng suất…

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động phối hợp với các địa phương hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở dữ liệu cấp, đăng ký mã số vùng trồng để kết nối, nâng cao hiệu quả giữa sản xuất, thị trường, người tiêu dùng và coi đây là tấm “hộ chiếu” đưa nông sản của tỉnh ra các thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế.

Mã số vùng trồng là mã định danh cho một vùng trồng trọt nhằm giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xác định quy trình sản xuất của nông sản. Việc mã hóa vùng trồng mang lại nhiều ích lợi thiết thực cho nông dân như: Chuẩn hóa quá trình chăm sóc, quản lý cây trồng, vật nuôi, quản lý được diện tích trồng, đưa ra quy trình chuẩn trong chăm sóc; cảnh báo tình hình dịch bệnh, lên kế hoạch chăm sóc, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và ước lượng năng suất…

Từ đó, cây trồng cho năng suất, chất lượng ngon, đồng đều, đáp ứng được tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để sản phẩm nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch.

Theo chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã ban hành các văn bản hướng dẫn thủ tục cấp mã số; phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn các bước triển khai thực hiện; tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký; thành lập các đoàn khảo sát, kiểm tra, đánh giá, giám sát, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất trồng trọt thực hiện đăng ký mã số vùng trồng.

Đến nay, toàn tỉnh đã được Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp 26 mã số vùng trồng và 2 cơ sở đóng gói với tổng diện tích hơn 200 ha, trong đó, trên 170 ha đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch đi một số nước Úc, Newzealand, Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc…

Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận, so với tiềm năng, lợi thế sẵn có, quy mô những vùng sản xuất vẫn “manh mún, nhỏ lẻ” và chưa kết nối đầy đủ thông tin giữa sản xuất và thị trường, nhất là trước nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và quốc tế về truy xuất nguồn gốc, chất lượng nông sản.

trai-cay-1-3375-1678981877.jpeg

Ảnh minh họa.

Rào cản lớn nhất là do tiêu chuẩn về quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng cần quy mô, diện tích vùng trồng lớn, nông dân phải tuân thủ các quy định sản xuất an toàn, đặc biệt là phải ghi nhật ký sản xuất nhưng đây là lĩnh vực mới, số đông người dân chưa hiểu hết lợi ích của việc cấp mã số vùng trồng. Mặt khác, việc ứng dụng các công nghệ số trong sản xuất, sản xuất theo hướng liên kết, theo quy trình hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị còn nhiều hạn chế.

Xác định cấp mã số vùng trồng là một trong những giải pháp quan trọng để hướng tới nền nông nghiệp số hoàn chỉnh, trước mắt là đưa hàng hóa nông sản của tỉnh vươn xa ra thị trường thế giới, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc tiếp tục hướng dẫn các địa phương, đơn vị rà soát, quy hoạch những vùng sản xuất chuyên canh tập trung, ổn định đối với những loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện từng vùng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích tụ ruộng đất xây dựng các “cánh đồng lớn”, áp dụng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, GloballGap và hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất để có số lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao...

Đặc biệt, nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung toàn ngành và cơ sở dữ liệu chuyên ngành trồng trọt, qua đó, từng bước phát triển đồng bộ nền tảng hạ tầng số, chính quyền số nông nghiệp, kinh tế số nông nghiệp và nông dân, nông thôn số, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025.

Trong đó, ngân sách tỉnh sẽ dành hơn 4,6 tỷ đồng hỗ trợ các vùng trồng cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt; hỗ trợ thiết lập mã số vùng trồng, cung cấp nền tảng cấp, quản lý mã số vùng trồng trực tuyến; ghi chép nhật ký điện tử; khai thác cơ sở dữ liệu vùng trồng; truy xuất nguồn gốc nông sản.../.

Thi Nguyên (t/h)