Bắc Giang: Chú trọng quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu

Việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản là yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế nhằm bảo đảm tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Hướng tới mục tiêu nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông sản, thời gian tới tỉnh Bắc Giang tiếp tục thực hiện thẩm định, cấp mã số cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Đồng thời, giám sát, quản lý chặt chẽ các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số, đảm bảo các yêu cầu quy định của nước nhập khẩu.

Trong những năm vừa qua, công tác thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế và tăng kim ngạch xuất khẩu.

Năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bắc Giang đã cấp mới mã số vùng trồng nội địa cho 94 vùng trồng với diện tích khoảng 474 ha, bao gồm các loại cây trồng như: rau màu, lúa, cây ăn quả, chè, dược liệu.

Với mã số vùng trồng phục vụ cho xuất khẩu, Sở NN&PTNT sẽ tổ chức rà soát cấp mới 21 mã số vùng trồng vải thiều với diện tích 725 ha (huyện Tân Yên 16 mã với diện tích 675 ha, huyện Yên Thế 5 mã với diện tích 50 ha) để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Tiến hành rà soát, tổ chức cấp mới  02 mã số vùng trồng bưởi với diện tích 20 ha tại huyện Lục Ngạn, nâng tổng số vùng trồng bưởi trong tỉnh là 03 vùng với diện tích khoảng 30 ha, phục vụ xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đồng thời, rà soát cấp mới 5 mã số vùng trồng nhãn với diện tích 50 ha xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

ma-vung-1675827375.jpg)
Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang tăng cường công tác quản lý đối với mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: TN&MT)

Đối với vùng trồng nội địa được cấp mã số phải có quy mô tối thiểu đối với cây trồng lâu năm là 1ha; đối với cây trồng hằng năm là 0,1 ha; ưu tiên cấp mã số đối với vùng trồng sản xuất tập trung quy mô từ 5 ha trở lên để phục vụ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Vùng trồng xuất khẩu được cấp mã phải đáp ứng yêu cầu theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật như: Quy mô diện tích đối với cây ăn quả tối thiểu 10 ha, các cây trồng khác theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu; quản lý sinh vật hại theo yêu của nước nhập khẩu; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam; có nhật ký canh tác ghi chép chi tiết; áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) trong trồng trọt, đảm bảo thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón theo quy định.

Được biết, ngoài việc cấp mới các mã vùng trồng cho các địa phương có thế mạnh, trong năm 2023, Sở NN&PTNT tiếp tục tổ chức kiểm tra, giám sát toàn bộ 26 vùng trồng nội địa đã được cấp mã số năm 2022, với diện tích 40 ha để đảm bảo phục vụ sản xuất. Đồng thời, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát 19 mã vùng trồng vải thiều xuất khẩu sang Mỹ; 38 mã vùng trồng vải thiều xuất khẩu sang Nhật; 133 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc tập trung tại các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Yên Thế và Sơn Động.

Với mã số vùng trồng bưởi, Sở NN&PTNT tiếp tục tổ chức kiểm tra, giám sát toàn bộ 19 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Nga với diện tích khoảng 211,5ha; 01 mã số vùng trồng với 10ha tại thị trường Mỹ. Cùng đó, tổ chức kiểm tra, giám sát đối với 7 mã số vùng trồng dưa hấu tại huyện Lục Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và 01 mã số vùng trồng vú sữa tại huyện Tân Yên với diện tích 10 ha xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đồng thời, Sở NN&PTNT tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát đối với 317 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong đó huyện Lục Ngạn là 256 cơ sở, Lục Nam 25 cơ sở, Tân Yên 16 cơ sở, Yên Thế 18 cơ sở, thành phố Bắc Giang 02 cơ sở. Kiểm tra, giám sát 01 cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản theo quy định.

Nhằm triển khai hiệu quả công tác cấp và quản lý mã vùng trồng, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng NN&PTNT (Phòng Kinh tế) chủ trì, phối  hợp với các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT tổ chức thực hiện công tác thiết lập, giám sát, quản lý mã vùng trồng, cơ sở đóng gói tại các địa phương. Đồng thời, đề nghị cấp có thẩm quyền cấp mới, thu hồi hoặc hủy bỏ đối với vùng trồng, cơ sở đóng gói không đảm bảo quy định. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các chủ được cấp mã vùng trồng, cơ sở đóng gói tuân thủ nghiêm các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Các doanh nghiệp và người sản xuất chủ động xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng quy định của nước nhập khẩu. Bảo đảm luôn duy trì tình trạng đáp ứng quy định của nước nhập khẩu tại vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đặc biệt, chủ động có các biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý khi có thay đổi thông tin liên quan đến vùng trồng, cơ sở đóng gói hay khi phát hiện vi phạm liên quan đến sử dụng mã số để có biện pháp xử lý kịp thời.

Ánh Dương (t/h)