Bà Rịa - Vũng Tàu mở rộng diện tích cây ăn trái được cấp mã số vùng trồng

Để nâng cao giá trị cũng như ổn định đầu ra cho các loại cây ăn trái, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đang đẩy mạnh việc xây dựng mã số vùng trồng cho vùng chuyên canh cây ăn trái chủ lực, nhằm đáp ứng tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu và có đầu ra ổn định hơn.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp và nông dân hình thành các vùng chuyên canh, xây dựng mã số vùng trồng.

Được biết, hiện nay tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có 12 vùng trồng cây ăn trái được cấp mã với tổng diện tích hơn 528ha, sản lượng ước trên 10.730 tấn và 2 cơ sở đóng gói nông sản đã được cấp mã. Trong năm 2023, tỉnh sẽ hỗ trợ cấp mã số vùng trồng cho một số loại cây ăn trái chủ lực như: Thanh long, sầu riêng…

Ông Phạm Văn Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cao su Thống Nhất cho biết, từ năm 2019 doanh nghiệp đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 220ha cao su sang trồng chuối Nam Mỹ tại xã Đá Bạc, huyện Châu Đức. Hiện mỗi năm doanh nghiệp xuất khẩu hơn 3.300 tấn chuối sang thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc, đồng thời mở rộng diện tích chuối, trồng thêm sầu riêng, hướng đến việc cấp mã vùng trồng cho 2 sản phẩm này.

"Trong quá trình canh tác chuối thì nhìn chung có lãi, dự kiến trong năm 2023 sẽ mở rộng thêm 11ha chuối. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu, khảo sát thổ nhưỡng vùng đất này, vì đây là vùng đất đỏ bazan rất thích hợp cho trồng sầu riêng, do đó chúng tôi quyết định tiếp tục chuyển 200ha cao su sang trồng sầu riêng. Dự kiến sang năm 2024 chúng tôi sẽ bắt đầu xuống giống", ông Thành cho biết.

images1751729-6634a65f-de0a-41c4-a1a9-45c63420a2ae-1677686802.jpeg

Ảnh minh họa.

Theo ông Nguyễn Chí Đức, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, lợi thế cạnh tranh của nông sản Bà Rịa - Vũng Tàu là có, nhưng để tiến đến xuất khẩu cần phải thay đổi phương thức canh tác, sản xuất, trong đó các loại nông sản phải được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn, chứng nhận VietGAP, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu.

Do đó, năm 2023, ngành tiếp tục triển khai văn bản của tỉnh về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, trong đó đẩy mạnh hỗ trợ cấp mã số vùng trồng cho một số loại cây ăn trái chủ lực trên địa bàn tỉnh như: thanh long, sầu riêng...

“Ngành cũng tiếp tục triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất; tăng cường truyền thông, đào tạo, tập huấn, kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực, nhận thức của người dân, doanh nghiệp tuân thủ, chuẩn hóa vùng trồng và cơ sở đóng gói. Đây là những giải pháp căn cơ nhằm đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng trái cây của tỉnh”, ông Nguyễn Chí Đức thông tin thêm.

Thi Nguyên (t/h)