Vựa đào phai nổi tiếng xứ Thanh “thay áo mới” đón Tết

Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nhưng tại làng nghề trồng hoa đào cảnh Xuân Du (xã Xuân Du, huyện Như Thanh) - nơi được nhắc đến như vựa đào phai lớn nhất xứ Thanh thì không khí Xuân như đã cận kề.

Có mặt tại xã miền núi Xuân Du những ngày này ai ai cũng cảm nhận được niềm vui rạng ngời trên gương mặt của các hộ trồng đào. Tại đây, hầu hết các gia đình đều trồng đào, nhà ít thì chục gốc, nhà nhiều lên đến cả vài trăm gốc, thậm chí một vài nghìn gốc. Thường cứ vào thời điểm giữa tháng 11 âm lịch hàng năm, người trồng đào Xuân Du sẽ bắt tay vào việc tuốt lá, tỉa cành khô, cành vụn cho các cây đào. Đây được xem là công đoạn “làm mới”, “thay áo” cho các gốc đào, cũng là công đoạn cuối cùng để chuẩn bị cho đào ra hoa vào dịp Tết nguyên đán.

Tại đồi đào gần 2.000 gốc ở thôn 6, xã Xuân Du, anh Bùi Văn Duy đang cùng vợ và 2 người làm công khác đang tất bật với các công đoạn “thay áo” cho các gốc đào. Mô hình trồng đào của gia đình anh Bùi Văn Duy là một trong những mô hình điểm được UBND xã Xuân Du chọn để giới thiệu cho các hộ dân trong và ngoài xã đến học tập, tham quan.

Anh Duy cho biết: Thời tiết năm nay thuận lợi cho cây đào phát triển. Thông thường, khoảng giữa tháng 11 âm lịch, người trồng đào bắt đầu thực hiện công đoạn tuốt lá. Mỗi người trồng đào sẽ có kinh nghiệm riêng để nhận biết thời điểm thích hợp nhất cho việc tuốt lá hay để đào tự xuống lá. Và việc tuốt lá đào phải được thực hiện đúng thời gian để đào có thể nẩy lộc, bung chồi và cho ra những lứa hoa to, đẹp vào dịp Tết Nguyên đán.

dao-phai-su-thanh-21122021a-1640080146.jpeg
Vựa đào phai xứ Thanh “thay áo mới” chuẩn bị đón Tết nguyên đán Nhâm Dần. Ảnh: TTXVN phát

Theo những người trồng đào lâu năm ở Xuân Du, công đoạn tuốt lá đào đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ bởi tuốt lá không cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến các mắt hoa, các chồi nụ của cây đào. Vì thế toàn bộ công đoạn tuốt lá, tỉa cành đều được thực hiện hoàn toàn theo phương pháp thủ công. Được biết, thời điểm này rất nhiều hộ trồng đào ở Xuân Du phải chi hàng chục triệu đồng cho việc thuê nhân công tuốt lá, tỉa cành, hiện tiền thuê nhân công thời vụ dao động từ 170.000 đến 200.000 đồng/người/ngày.

Tương tự, gia đình anh Quách Văn Tiến tại thôn 6, xã Xuân Du cũng đang tất bật cho chăm sóc vườn đào cảnh. Anh Tiến cho biết gia đình anh có khoảng 1500 gốc đào, Tết năm nay dự tính bán ra thị trường gần 1.000 gốc. "Tính đến thời điểm hiện tại có thể xem đào năm nay sẽ được mùa và đã có một số thương lái đến xem và đặt trước những gốc đào ưng ý. Với giá trung bình dự kiến từ 500.000-700.000/gốc đào, Tết này gia đình tôi có thể thu nhập khoảng 500-600 triệu đồng từ việc bán đào cảnh", anh Tiến nhẩm tính.

Là một người buôn đào Xuân Du lâu năm, anh Nguyễn Ngọc Năm, phường Tân Sơn, thành phố Thanh Hóa cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID nên chúng tôi dự đoán sức mua của thị trường sẽ có giảm sút. Tuy nhiên, trước nay vẫn có một lượng khách nhất định năm nào cũng đặt hàng mua đào Xuân Du. Vì thế, để chọn được những cây đào đẹp, chất lượng cho khách nên anh Năm đã đi khắp các vườn đào ở đây để “thăm” trước đồng thời chụp ảnh, live stream (phát trực tiếp trên Facebook)  cho khách xem và chọn trước.

Xuân Du được biết đến là “thủ phủ” đào phai ở xứ Thanh. Hơn chục năm trở lại đây, chính quyền xã Xuân Du đã thực hiện việc quy hoạch và định hướng cho người dân mở rộng diện tích trồng đào, đưa cây đào thành một trong những cây kinh tế chủ lực của địa phương.

Vào dịp giáp Tết, nơi đây nhộn nhịp người đến mua đào. Sở dĩ đào phai thu hút người chơi là do hoa có màu hồng nhạt mang vẻ đẹp thuần khiết, cộng với thân cành được người trồng tạo thành nhiều thế độc, lạ trông mộc mạc và hấp dẫn. Những cây đào ở Xuân Du khỏe khoắn, đặc biệt nụ hoa to, cánh đẹp, lâu tàn, màu sắc bắt mắt, chồi lá xanh biếc, vì thế mà hoa đào Xuân Du luôn được khách hàng ưu thích mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Ông Hoàng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Du, huyện Như Thanh khẳng định, xã Xuân Du hiện có khoảng 290 ha diện tích đất trồng đào. Hiện nay xã Xuân Du đang tiếp tục tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ dân, khuyến khích người dân tiếp tục phát triển nghề trồng hoa cây cảnh; trong đó trọng tâm là cây đào để vừa phát triển được nghề truyền thống của địa phương, vừa giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Để chuẩn bị cho Tết nguyên đán 2022, xã đang xây dựng kế hoạch mở Hội chợ hoa đào đảm bảo an toàn về phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho người dân và du khách đến thăm quan, mua bán đào. Năm nay thời tiết rất thuận lợi để cây đào phát triển tốt, ước tính tổng thu nhập từ cây đào toàn xã là khoảng 45 tỷ đổng.

Rời vựa đào trong một chiều nắng đẹp, một mùa xuân mới đang về, hàng trăm hộ trồng đào ở Xuân Du đang đếm ngược từng ngày trong tâm thế phấn khởi hướng tới vụ đào Tết bội thu./.