Vợ chồng trẻ bỏ phố về quê nuôi Cà Cuống, tạo ra sản phẩm nước mắm đặc biệt

Thấy được giá trị dinh dưỡng và cơ hội phát triển sản phẩm của quê hương, vợ chồng chị Lê Thị Thơ (xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đã nuôi, nhân giống và phát triển thành công loài Cà Cuống trong môi trường nuôi nhốt để sản xuất nước mắm.
z5918082027995-880184ba7faa059f10ceeb31e0dc2539-1728700536.jpg
Vợ chồng trẻ bỏ việc ở phố để về quê nuôi Cà Cuống xản xuất nước mắm.

Bỏ phố về quê nuôi Cà Cuống

Sau 4 năm học tập, rèn luyện trên ghế giảng đường Đại học, năm 2017 cô gái trẻ Lê Thị Thơ (SN 1995, sinh ra tại xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đã cầm trên tay tấm bằng của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Ra trường, chị Thơ nhận lời yêu và nên duyên cùng với anh Phan Văn Hiệp (SN 1987, trú tại xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh). 

Hai vợ chồng chị Thơ quyết định ở lại Hà Nội lập nghiệp bằng công việc bán nước mắm truyền thống của gia đình chồng.

z5918081870085-791d0649f24723cd4ab8b9da9e29dd32-1728700340.jpg
Vợ chồng chị Thơ thành công nuôi Cà Cuống để sản xuất nước mắm.

Nói về cơ duyên đến với nghề nuôi cà cuống, chị Lê Thị Thơ chia sẻ: Một lần vô tình, chúng tôi xem được 1 video đánh giá về món bánh cuốn, bún chả chấm với nước mắm cà cuống trên mạng có được lượt tương tác cao. Sau đó, vợ chồng tôi quyết định tìm hiểu về con cà cuống, nhận thấy loài vật này có giá trị kinh tế cao mà thị trường hiện nay lại đang rất khan hiếm hàng.

Theo chị Thơ, gia đình anh Hiệp đã có nghề làm nước mắm truyền thống từ lâu. Nên chị mong muốn tạo ra một sản phẩm nước mắm đặc biệt, có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe từ sản phẩm nước mắm của gia đình. Thấy con cà cuống được nhiều người săn lùng để thưởng thức mà không biết tại sao. Sau khi tìm hiểu, trong đông y, cà cuống có vị ngọt, cay, tính bình và không độc.

Người ta dùng cà cuống để điều chế các loại thuốc, ngâm rượu hoặc làm nước mắm, cà cuống có tác dụng bổ thận, hỗ trợ chữa yếu sinh lý ở nam giới.

Tuy khan hiếm hàng, giá cao, nhưng trên thị trường rất ít nuôi loài vật này. Năm 2022, vợ chồng anh Hiệp quyết định về quê thành lập Công ty TNHH Sản xuất và đầu tư HT để nuôi Cà Cuống, phát triển nghề sản xuất mắm tôm và nước mắm của gia đình.

z5918081853417-4531f6354d0ad3cf00a2b6bdbd3662a4-1728700486.jpg
Xưởng sản xuất nước mắm của chị Thơ được xây dựng hệ thống nhà lưới để đảm bảo vệ sinh.

Sau khi tìm hiểu, anh chị tiến hành xây dựng các ô chuồng để nuôi cà cuống. Ban đầu anh chị mua 10 cặp cà cuống giống về nuôi để phục vụ chế biến nước mắm.

Chị Thơ nhớ lại: Tháng 8/2022 tôi quyết định mua 10 cặp cà cuống tự nhiên ở Lào với giá 2,5 triệu để về nuôi thử nghiệm trong thùng xốp. Cà cuống tự nhiên nuôi trong điều kiện nhân tạo khiến nó bỏ ăn, chết hết trong 1 tháng. Bước đầu thất bại nhưng vợ chồng không nản chí, anh lại mua thêm giống mới vừa nuôi vừa tích lũy kinh nghiệm kỹ thuật ấp trứng. Sau 3 lần thất bại thì vợ chồng tôi cũng đã thành công trong việc nuôi Cà Cuống trong môi trường nuôi nhốt.

Quá trình nuôi anh chị đã rút ra được nhiều kinh nghiệm chăn nuôi, sản xuất giống. Đến nay, gia đình anh có 200 cặp cà cuống giống và hàng ngàn con cà cuống thương phẩm.

z5918081895758-e9f256a3cc54758d0e988140e593e088-1728700452.jpg
Những con Cà Cuống chuẩn bị để sản xuất nước mắm.

Anh Phan Văn Hiệp chia sẻ: Cà cuống chế biến được rất nhiều món ngon, thịt cà cuống dai ngon là nguồn dinh dưỡng vô cùng quý giá, đặc biệt tinh dầu cà cuống là một trong những loại tinh dầu quý hiếm mà khó có một loại tinh dầu nào có thể thay thế được.

Theo anh chị, nuôi cà cuống tuy khó mà lại rất dễ, nó là loại chuyên săn mồi do đó thức ăn của nó rất đa dạng là những loài thuỷ sinh như tôm cá, dế…tất cả đều phải tươi sống và sạch, khi thả vào cà cuống sẽ hút hết máu và chất dinh dưỡng của con mồi. Người nuôi có thể tận dụng để vớt bã xác của con mồi để cho gà, vịt ăn. Loài này cũng vô cùng nhạy cảm với hoá chất, do đó môi trường nuôi hầu như phải kín, muốn cà cuống phát triển hiệu quả người nuôi cần phải loại bỏ được hết các loại hoá chất độc hại. Tuyệt đối không để bị nhiễm trong không khí hay quanh khu vực nuôi, chỉ cần sơ sẩy một chút là Cà Cuống có thể chết toàn bộ.

Nguồn thức ăn cho cà cuống là các loại côn trùng, cá nhỏ có thể tận dụng từ môi trường tự nhiên. Chi phí đầu tư ban đầu thấp.

z5918082011142-09431ca2a54c4233342b26ebf0ca6782-1728700667.jpg
Hệ thống chuồng nuôi Cà Cuống của gia đình chị Thơ.

Về nguồn nước cần đảm bảo phải sạch, người nuôi thường xuyên thay nước (2-3 lần/ngày). Bên cạnh đó thường xuyên vớt thức ăn ra ngoài tránh ô nhiễm nguồn nước.

Bắt đầu nuôi từ tháng 8 năm 2022 đến đầu năm 2023, chị Thơ đã bắt đầu bán lứa cà cuống đầu tiên và được người tiêu dùng tiếp nhận tích cực; giá thành cao, vượt ngoài mong đợi, với 1 ổ trứng cà cuống có giá bán 200.000 - 250.000 đồng; 200.000 - 250.000 đồng/ cặp cà cuống giống; nước mắm cà cuống giá 400.000 đồng/lít nhờ vậy con cà cuống đã giúp chị Thơ mang về 1 tỷ đồng/năm.

Chị Thơ chia sẻ: Một con cà cuống từ lúc nở từ trứng đến lúc chế biến được nước mắm chúng trải qua 5 lần lột xác, kéo dài 40 ngày, sau 10 ngày nữa cà cống có phấn trắng ở bụng. Lúc này cà cuống có tinh dầu cao nhất và sẽ được sơ chế để làm nước mắm. Cà cuống được sử dụng để chế biến nước mắm là con cà cuống đực, chỉ có con đực mới có chứa túi tinh dầu. Sau khi con cà cuống đực đạt tiêu chuẩn sẽ được sơ chế, sau đó được cho vào chai nước mắm. Cà cuống được ngâm trong nước mắm nguyên chất để trở thành một loại nước mắm có hương vị thơm, cay đặc biệt.

Khẳng định thương hiệu

Từ một loại côn trùng sống trong môi trường tự nhiên nhưng có giá trị dinh dưỡng cao và tinh dầu có mùi thơm đặc trưng, Cà Cuống đã được chị Thơ sử dụng để chế biến nước mắm mang thương hiệu quê hương.

z5918081814337-5074c7d151e12cacbdabc8e00cd2d057-1728700384.jpg
Mỗi năm, Công ty của chị Thơ thu về hơn 1 tỷ đồng.

Đầu năm 2023, chị Thơ đã bắt đầu bán lứa Cà Cuống đầu tiên, được người tiêu dùng tiếp nhận tích cực, giá thành cao, vượt ngoài mong đợi.

Hiện nay, Công ty của chị đã sản xuất thành công nước mắm cà cuống mang tên: Nước mắm Cà Cuống Làng Xưa. Một lít nước mắm được bán ra với giá 400 ngàn đồng. Sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho khách hàng.

Nguồn nguyên liệu đưa vào sản xuất như: Cá, Tôm, Cà Cuống… được công ty lựa chọn kỹ càng, tươi, sạch.

Từ thành công bước đầu, hiện nay, gia đình anh Hiệp đang mở rộng diện tích xây dựng các bể nuôi nhân đàn với số lượng lớn. Xây dựng nhà lưới, mở rộng diện tích sản xuất nước mắm.

Ngoài bán cà cuống giống, cà cuống thương phẩm, việc sử dụng tinh dầu cà cuống trong sản xuất nước mắm đang từng bước mở ra nhiều cơ hội nâng cao giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc sản của địa phương.

screenshot-2023-12-27-163025-1728700499.png
Quy trình sản xuất nước mắm Cà Cuống.

Đến nay, các sản phẩm cà cuống được khách hàng nhiều nơi đón nhận nhiệt tình, được bán với giá cao, luôn trong tình trạng "cháy" hàng, cung không đủ cầu, nhờ đó đã giúp gia đình chị thu về tiền tỷ 1 năm.

Với tốc độ sinh sản nhanh, số lượng lớn và đẻ trứng quanh năm. Mỗi tháng có thể sinh sản 1 đến 2 lần, tỷ lệ nở con thành công đạt gần 100%. 

Đến nay, cơ sở của chị Thơ có diện tích khoảng 400m2, với 200 cặp giống, hơn 1.000 con giống và thương phẩm. Mỗi đợt sản xuất, cơ sở của chị Thơ dùng 500 con Cà Cuống để chế biến nước mắm.

Chia sẻ với phóng viên, chị Thơ vui vẻ: Hiện tại các sản phẩm liên quan đến cà cuống của cơ sở tôi luôn cháy hàng, được thị trường đón nhận nhiệt tình. 

Thời gian qua, cơ sở của chị Thơ thường xuyên có người dân từ khắp các địa phương đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Anh chị đã nhiệt tình chuyển giao kỹ thuật để bà con trong địa phương nuôi loài vật kinh tế này, chúng tôi sẽ bao tiêu sản phẩm giúp bà con, giúp họ có thêm nguồn thu nhập.

Hiện tại, sản phẩm mắm ruốc của Công ty TNHH Sản xuất và đầu tư HT đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, còn sản phẩm nước mắm Cà Cuống đang được Công ty xây dựng hồ sơ để đăng ký sản phẩm OCOP của địa phương.

z5918081684072-effbc6cd6904ad12ea055f1bac1797e2-1728700466.jpg
Sản phẩm nước mắm Cà Cuống của Công ty TNHH đầu tư và sản xuất HT.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Bắc - Chủ tịch UBND xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà cho biết: Vợ chồng chị Thơ là người trẻ, năng động, dám nghĩ dám làm và nhạy bén trong kinh doanh. Tại xã Mai Phụ trước đây có nghề nước mắm truyền thống nổi tiếng, tuy nhiên nay đã mai một. Với nước mắm cà cuống, vợ chồng chị Thơ đã góp phần gìn giữ, phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương. Anh chị vừa phát triển kinh tế cho gia đình, vừa tạo công ăn việc làm cho 5 - 10 lao động tại địa phương.  Họ đã tiên phong nuôi con cà cuống tại Hà Tĩnh để phát triển kinh tế.

Cà cuống là loại côn trùng sống trong môi trường tự nhiên và khá quen thuộc với nhiều người sống ở vùng nông thôn. Với giá trị dinh dưỡng cao và tinh dầu có mùi thơm đặc trưng, Cà Cuống đã được sử dụng để chế biến các món ăn. Tuy nhiên, do môi trường tự nhiên chịu nhiều tác động nên Cà Cuống ngày càng khan hiếm.  Xuất phát từ ý tưởng nuôi thương phẩm phục vụ sản xuất nước mắm, vợ chồng chị Thơ đã nhân giống và phát triển thành công loài Cà Cuống trong môi trường nuôi nhốt./.

Nguyễn Duyên