Theo báo cáo của Ban quản lý các khu công nghiệp, trên địa bàn tỉnh có 9 khu công nghiệp đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy trên 81%/ tổng diện tích đã có mặt bằng; 6 khu công nghiệp đang thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng gồm: khu công nghiệp Sơn Lôi, Sông Lô I, Sông Lô II, Tam Dương I - khu vực 2; Thái Hòa-Liễn Sơn - khu vực 2 (giai đoạn 1), Nam Bình Xuyên.
Năm 2022, thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ BTV Tỉnh ủy giao liên quan đến phát triển các khu công nghiệp, Ban quản lý các khu công nghiệp đã tập trung rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các khu công nghiệp; trình UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập khu công nghiệp Bình Xuyên; hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư các khu công nghiệp: Phúc Yên, Bình Xuyên 2 - giai đoạn 2, khu công nghiệp Đồng Sóc; trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh vị trí quy hoạch phát triển khu công nghiệp Lập Thạch I, Lập Thạch 2; bổ sung vào quy hoạch phát triển khu công nghiệp Bình Xuyên - Yên Lạc. Đồng thời, tổ chức khởi công xây dựng 3 khu công nghiệp là Sơn Lôi, Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa khu vực 2 (giai đoạn 1) và khu công nghiệp Nam Bình Xuyên để thu hút các dự án thuộc lĩnh vực tỉnh ưu tiên như điện, điện tử, linh kiện điện tử, cơ khí, chế tạo thiết bị, chế tạo máy...
Chủ động tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, nhất là các khu công nghiệp mới được thành lập, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh thường xuyên trao đổi với các chủ đầu tư, nắm bắt tình hình thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng; đôn đốc các địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng.
Cụ thể, khu công nghiệp Nam Bình Xuyên do Công ty TNHH phát triển Nam Bình Xuyên Green Park làm chủ đầu tư có tổng diện tích 295,74ha, tổng vốn đầu tư trên 2.200 tỷ đồng thuộc địa phận các xã, thị trấn: Hương Canh, Đạo Đức, Phú Xuân, Tân Phong. Ngay khi được khởi công xây dựng, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bình Xuyên đã tiến hành đo vẽ, kiểm kê, kê khai, rà phá bom mìn, khoan khảo sát địa chất công trình, báo cáo tác động môi trường; nghiên cứu thực địa, chuẩn bị các phương án tổ chức thi công, san lấp mặt bằng diện tích đất thuộc giai đoạn 1 của dự án đã được đền bù, giải phóng mặt bằng.
Đối với khu công nghiệp Sơn Lôi do Công ty TNHH đầu tư xây dựng An Thịnh làm chủ đầu tư, ngay khi được khởi công tháng 6/2022, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bình Xuyên đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, thực hiện chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đến nay, đơn vị đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 75ha/257,35ha và đã giao 60ha cho chủ đầu tư. Để tăng quỹ đất sạch, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, giai đoạn 2021-2030, Vĩnh Phúc sẽ phát triển thêm 4 khu công nghiệp, nâng tổng số các khu công nghiệp lên 23 khu và sau năm 2030 tăng lên 27 khu với tổng diện tích khoảng 6.200-7.000 ha.
Hiện thực hóa mục tiêu này và để phù hợp với quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh sẽ hợp với các sở, ngành, địa phương tiến hành rà soát, hoàn thiện bổ sung các quy hoạch; tham mưu UBND tỉnh lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Phúc Yên theo Quyết định số 124 của Thủ tướng Chính phủ; đôn đốc các nhà đầu tư và các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và các khu công nghiệp mới có quyết định thành lập; tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho khu công nghiệp Lập Thạch I, Lập Thạch II, trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cùng với đó, rà soát những khó khăn vướng mắc, nguyên nhân chậm trễ đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp; giám sát chặt chẽ các chủ đầu tư hạ tầng về năng lực và cam kết triển khai dự án; kiên quyết thu hồi hoặc tìm kiếm nhà đầu tư mới đủ năng lực tiếp tục thực hiện dự án hoặc điều chỉnh quy hoạch giảm diện tích khu công nghiệp…./.