Việt Nam sẽ có nhà máy sản xuất hydro xanh đầu tiên tại Bến Tre và Trà Vinh

Ngày 10/6/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre và tỉnh Trà Vinh về triển khai dự án Nhà máy sản xuất hydro xanh tại Việt Nam.

Tham gia buổi làm việc còn có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và lãnh đạo UBND tỉnh và các Sở, ban ngành hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh.

hop-du-an-hydro-xanh-2-1686617188.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Bộ Công Thương và tỉnh Bến Tre, tỉnh Trà Vinh về sự án sản xuất hydro xanh tại Việt Nam

Hydro là hóa chất quan trọng, được sử dụng phổ biến trong ngành công nghiệp luyện kim, lọc dầu, chất bán dẫn, mỹ phẩm, đồng thời cũng là nguyên liệu cơ bản để sản xuất các hóa chất khác phục vụ nhiều ngành công nghiệp.

Gần đây, hydro được nghiên cứu, sử dụng là một nguồn năng lượng, được đánh giá là nhiên liệu lý tưởng thay thế nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng trong tương lai gần, là chìa khóa cho chiến lược chuyển đổi năng lượng của thế giới theo xu hướng bền vững và thân thiện với môi trường, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu hoá thạch cũng như cắt giảm tác động của khí thải cacbon.

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có định hướng “Nghiên cứu công nghệ, xây dựng một số đề án thử nghiệm sản xuất và khuyến khích sử dụng năng lượng hydro phù hợp với xu thế chung của thế giới”. Việc sản xuất hydro xanh từ năng lượng tái tạo đã được định hướng phát triển theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 ban hành kèm theo Quyết định số 726/QĐ-TTg ngày 16/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Đại diện tỉnh Trà Vinh và Bến Tre cho biết, với đường bờ biển dài khoảng 65km, cả hai địa phương có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào: Số giờ nắng trung bình đạt gần 1.600 giờ/năm; tốc độ gió trung bình đạt khoảng 7m/s. Đây là điều kiện tốt và thuận lợi để quyết định lựa chọn hai tỉnh này để phát triển các dự án sản xuất hydro xanh đầu tiên tại Việt Nam.

hop-du-an-hydro-xanh-11-1686617209.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng các dự án sản xuất hydro xanh cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn trong lưu trữ, bảo quản, vận chuyển hydro quy mô lớn không chỉ là vấn đề mới đối với Việt Nam mà còn đối với các cả nước trên thế giới. 

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, cùng với xu thế của thế giới, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng, lợi thế để sản xuất hydro xanh, đặc biệt là hai tỉnh Trà Vinh và Bến tre. Việc triển khai các dự án sản xuất hydro xanh tại Việt Nam sẽ góp phần nâng vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và thế giới, tiềm năng xuất khẩu sản phẩm là rất lớn khi các nước phát triển đang thực hiện nhiều nỗ lực chuyển đổi để hướng tới phát thải ròng về 0.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế sẵn có, Bộ trưởng cũng chỉ ra một số những vấn đề cần lưu ý trong việc triển khai sản xuất nguồn năng lượng này.

Theo Bộ trưởng, đây là lĩnh vực mới và chưa có quy định rõ ràng nên còn rất nhiều rào cản. Ngoài ra, việc sản xuất hydro theo phương pháp điện phân tiêu thụ rất nhiều điện năng, do đó cần đảm bảo nguồn điện năng lượng tái tạo ổn định phục vụ sản xuất. Để tiêu thụ sản phẩm hydro trong nước cũng đòi hỏi cần chuyển đổi về công nghệ tại các hộ tiêu thụ năng lượng để có thể sử dụng hydro là nguồn năng lượng đầu vào.

Bên cạnh đó, hydro là hóa chất dễ cháy nổ, cần có các giải pháp để đảm bảo an toàn trong sản xuất và vận chuyển. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất hydro xanh cũng như bảo quản và vận chuyển hydro với khối lượng lớn không chỉ mới tại Việt Nam mà còn trên cả thế giới, do đó hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định trong lĩnh vực này hiện chưa được đầy đủ.

Từ các đề xuất và kiến nghị của lãnh đạo tỉnh Bến Tre và Trà Vinh, cùng các ý kiến của các đơn vị chuyên môn của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị 2 tỉnh cần có báo cáo đề xuất với Chính phủ về dự án này. Ngoài ra, 2 địa phương cần nghiên cứu những chủ trương, định hướng trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào quy hoạch của tỉnh mình.

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan để đánh giá tiềm năng phát triển, đầu tư các dự án điện tái tạo ở 2 địa phương, từ đó làm căn cứ xây dựng kế hoạch đầu tư có hiệu quả. "Đây là dự án có tính tiên phong, vì vậy cần có những cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước và địa phương", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng yêu cầu nhà đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng, làm rõ tính khả thi của dự án, xây dựng giải pháp cụ thể về nguồn cung cấp nhiên liệu đầu vào và phương án vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời nên xem xét khả năng phát triển những sản phẩm đồng hành khác để có thể đáp ứng nhu cầu thị trường một cách linh hoạt. Trong quá trình thực hiện, đề nghị nhà đầu tư tuân thủ quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, an toàn hóa chất, phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường.

hop-du-an-hydro-xanh-10-1686617232.jpg

Đối với các đơn vị thuộc Bộ, Bộ trưởng giao Cục Hóa chất, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phối hợp với các cơ quan chuyên môn của 2 tỉnh trong việc thực hiện các quy định về hoạt động đầu tư, xây dựng các Dự án.

Đồng thời, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Vụ Pháp chế rà soát quy định tại Quy hoạch điện VIII và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, báo cáo lãnh đạo Bộ về chủ trương xây dựng các nhà máy điện không đấu nối lưới điện quốc gia, việc xây dựng các trạm biến áp công suất lớn phục vụ nhà máy sản xuất hydro mà chưa nằm trong Quy hoạch.

Vụ Dầu khí và Than sớm hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, làm căn cứ, định hướng cho việc đầu tư các dự án sản xuất hydro xanh phục vụ chuyển dịch năng lượng.